Tiếp theo câu nói nổi tiếng về môi trường kinh doanh là “Đất lành chim đậu, chim chưa đậu đã nhậu hết chim” nói lên một hiện tượng bòn rút khủng khiếp doanh nghiệp là một phát hiện như câu cách ngôn thời mới đối với lĩnh vực này: “Trên trải thảm, dưới trải đinh”.
Có lẽ chỉ thế thôi cũng đủ khái quát nên tình trạng hoạt động kinh doanh đúng pháp luật ở nước ta khó khăn đến nhường nào. Những rào cản phi lý đã được dựng lên phục vụ cho mưu đồ “lợi ích nhóm” hoặc dễ thấy hơn cả là tình trạng nhũng nhiễu doanh nghiệp lộng hành, điều đó tạo nên môi trường xấu cho hoạt động kinh doanh lành mạnh nhưng lại rất thuận tiện cho lối làm ăn chụp giật, gian trá, ăn bớt, rút ruột,...
Cái môi trường đó cũng sinh ra hiện tượng những nhà máy nghìn tỷ dang dở hoặc “đắp chiếu”, những dự án an sinh cộng đồng “đắp chiếu”, những khu đất “vàng” bị bỏ hoang..., gây nên một sự lãng phí khủng khiếp chẳng những tiền của mà cả tài nguyên, tạo ra những món nợ xấu khổng lồ.
Đơn giản và đau xót như việc những con tàu vỏ thép hàng chục tỷ trang bị cho ngư dân mà ra khơi một vài lần, tiền sửa chữa gần bằng tiền đóng mới buộc người ta phải trả lại nơi sản xuất là một dẫn chứng không thể phủ nhận cho tình trạng nói trên.
Tiếp tục, hoạt động thanh tra, kiểm tra đối với doanh nghiệp, mục đích tốt đẹp là tạo ra môi trường kinh doanh lành mạnh, đảm bảo cho pháp luật được thực thi mà lại trở thành gánh nặng của doanh nghiệp, đến nỗi họ không thể hoạt động bình thường và không dám mở rộng quy mô sản xuất. Từ một thực trạng này, có thể suy ra cái cách mà người ta hành xử với doanh nghiệp theo kiểu “rải đinh” và “nhậu chim” như thế nào!
Môi trường kinh doanh đó còn bị tác động bởi môi trường xã hội khi để thực phẩm “bẩn” tàn phá sức khỏe người Việt, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức lao động, trực tiếp hơn là các vụ ngộ độc thực phẩm tập thể xảy ra đối với công nhân ngày càng nhiều hơn.
Một môi trường sạch để Việt Nam cất cánh — đó là mong muốn của nhiều đại biểu Quốc hội hiện tại. Đó cũng là lời gửi gắm tâm huyết cho những người kế nhiệm.