Lối thoát cho đàn voi du lịch

(PLVN) - Mới đây, Sở VH-TT&DL tỉnh Đắk Lắk cho biết sẽ loại bỏ hẳn loại hình du lịch cưỡi voi, hướng đến các hoạt động du lịch thân thiện, mang lại cảm giác mới lạ hơn. Đàn voi tại vùng Tây Nguyên sẽ được bảo vệ tốt hơn, tránh tình trạng bị ngược đãi trong hoạt động du lịch, đồng thời loại bỏ nguy cơ mất an toàn cho khách du lịch. 
Tắm voi là một trong những hình thức du lịch được khuyến khích phát triển.
Tắm voi là một trong những hình thức du lịch được khuyến khích phát triển.

Ngăn chặn “bức tử” đàn voi

Tại tọa đàm “Kết nối giao thương giữa Hà Nội và Buôn Ma Thuột phát triển du lịch an toàn, hấp dẫn giữa các doanh nghiệp du lịch ở hai địa phương”, bà Nguyễn Thụy Phương Hiếu - Phó Giám đốc Sở VHTT&DL tỉnh Đắk Lắk cho biết, các điểm du lịch đã tiến hành nghiên cứu, khai thác các loại hình dịch vụ du lịch thân thiện với voi thay cho việc cưỡi voi. 

Các hình thức này bao gồm tắm voi, cho voi ăn, hay phát triển các sản phẩm cà phê voi. Đây được xem là hình thức mới thu hút khách du lịch, đồng thời hạn chế được vấn nạn “cưỡng bức lao động” đối với bầy voi rừng lâu nay để phục vụ cho mục đích du lịch đặc trưng tại vùng Tây Nguyên.

Trước nay, du lịch cộng đồng tại Tây Nguyên nổi bật với các hoạt động trải nghiệm cùng đàn voi, một trong số đó là cưỡi voi. Với mức giá từ 100 – 200.000 đồng cho mỗi lượt đi, khách du lịch được cưỡi voi và có sự dẫn dắt của người huấn luyện tại địa phương. Tuy nhiên, nhiều năm gần đây, lượng khách du lịch đổ về các bản buôn Tây Nguyên ngày càng tăng lên.

Đặc biệt, vào mùa lễ hội, đàn voi phải hoạt động liên tục cả ngày, thời gian nghỉ ngơi bị hạn chế, vì vậy nhiều con voi rơi vào tình trạng già, gầy yếu, sức khỏe bị suy nhược, thậm chí chết vì kiệt sức do phải đón khách liên tục.

Hiện nay, Đắk Lắk là tỉnh có số lượng voi hoang dã lớn nhất với 5 quần thể, quần thể nhỏ nhất gồm 5-10 cá thể, quần thể lớn nhất có 32-36 cá thể, phân bố chủ yếu ở VQG Yok Đôn và con số này liên tục giảm.

Đến năm 2018, con số voi nuôi của Đắk Lắk, giảm gần 100 cá thể so với năm 2000, chỉ còn 45 con. Việc khai thác voi đã thuần dưỡng, còn gọi là voi nhà cho mục đích phục vụ du lịch là một trong những mối đe doạ nghiêm trọng tới quần thể loài. 

Mặt khác, theo dự án bảo tồn voi Đắk Lắk, chủ voi sẽ được trả tiền khi voi đẻ con. Tuy nhiên, những năm vừa qua, loại hình du lịch cưỡi voi nảy sinh nhiều vấn đề ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của voi.

Gần 30 năm qua, khả năng sinh sản của voi nhà Đắk Lắk có tỷ lệ gần như bằng không vì môi trường cho việc gặp gỡ, giao phối của voi bị hạn chế bởi chủ voi thường quản lý voi độc lập, ít thả voi sống cùng nhau, đặc biệt voi bố mẹ bị “vắt kiệt” để làm du lịch... Đây là những cảnh báo nghiêm trọng đối với việc "cưỡng bức lao động" đàn voi trong hoạt động du lịch tại vùng Tây Nguyên hiện nay. 

Hình thức cưỡi voi còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn đối với khách du lịch. Trong năm 2020, Đắk Lắk liên tục xảy ra những tai nạn liên quan đến voi. Nhiều khách du lịch cũng cho hay, hình thức cưỡi voi không còn mới mẻ và hấp dẫn. Thay vào đó, những hoạt động trải nghiệm khác như tắm voi sẽ thu hút nhiều sự quan tâm của khách du lịch hơn. 

Ông Huỳnh Trung Luân, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn voi Đắk Lắk cho biết, việc Đắk Lắk tiến tới bỏ loại hình du lịch cưỡi voi được nhiều tổ chức ủng hộ. Việc làm du lịch tác động trực tiếp lên voi sẽ dần được thay thế bằng một loại hình khác - du lịch voi thân thiện.

“Nếu trước đây du khách tương tác trực tiếp với voi thì nay sẽ thay thế bằng một loại hình du lịch mới giúp du khách thân thiện hơn với loài động vật hoang dã này, đồng thời giảm bớt sự bóc lột sức voi như trong thời gian vừa qua. Tuy nhiên, việc này cũng cần một lộ trình nhất định, có thể là trong vòng 5 năm”, ông Luân chia sẻ.

Cũng theo ông Luân, hiện nay, Trung tâm Bảo tồn voi Đắk Lắk cũng đang thực hiện thí điểm loại hình du lịch mới với 4 con voi của khu bảo tồn này, sau đó sẽ vận động người dân có voi cùng tham gia.

Cần phải bảo tồn sinh học

Việt Nam chỉ chiếm một phần nhỏ trong số 12.000 cá thể voi nuôi nhốt ở châu Á – nhiều con trong số đó cũng đang phải vật lộn trong cùng một tình cảnh. Không chỉ voi, nhiều loại động vật cũng phải làm việc quá sức phục vụ cho hoạt động du lịch, gây nên hệ lụy đối với sinh tồn của nhiều loài động vật, trong đó những động vật hoang dã, động vật quý hiếm. 

Du lịch sinh thái tại các vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên luôn được xác định là một trong những sản phẩm du lịch chính, được ưu tiên phát triển trong chiến lược phát triển du lịch Việt Nam. Tuy nhiên, việc hủy hoại động vật hoang dã, gây hại cho môi trường tự nhiên, mất đa dạng sinh học và cân bằng sinh thái sẽ làm ảnh hưởng trực tiếp tới việc thu hút khách du lịch, phát triển bền vững, ảnh hưởng đến hình ảnh đẹp của Việt Nam trong mắt bạn bè quốc tế… 

Một cuộc khảo sát của tổ chức Bảo vệ Động vật Thế giới cho thấy gần 50% du khách “trả tiền cho trải nghiệm với động vật vì họ yêu động vật”, nhưng những khách du lịch có thể sẽ bị sốc khi biết rằng trong một số trường hợp, động vật thực ra bị đối xử rất tồi tệ. 

Vì vậy, việc bảo tồn đa dạng sinh học các loài động vật có ý nghĩa lớn đối với hoạt động du lịch. Loại bỏ hình thức cưỡi voi được coi là động thái tích cực khi hình thức du lịch này bị nhiều quốc gia trên thế giới gọi là tra tấn động vật dã man.

Định hướng du khách không sử dụng sản phẩm từ động vật hoang dã

Về ứng xử giữa các doanh nghiệp và du khách khi phía khách hàng có nhu cầu sử dụng động, thực vật quý hiếm, bà Nguyễn Tuyết Trinh, cán bộ chương trình cấp cao thay đổi hành vi, Mạng lưới giám sát buôn bán động, thực vật hoang dã TRAFFIC chia sẻ: “Hầu hết các doanh nghiệp giờ đã ý thức rất rõ về tầm quan trọng của động vật hoang dã đối với các sản phẩm du lịch. Bằng nhiều hình thức tuyên truyền qua phần mềm, poster hoặc các ấn phẩm, mỗi doanh nghiệp cần khéo léo đưa đến cho khách hàng những kiến thức thiết thực nhất, đồng thời tư vấn và định hướng nếu họ có nhu cầu sử dụng động, thực vật quý hiếm.”

Ông Đặng Xuân Sơn, Phó Chủ tịch Câu lạc bộ Du lịch cho biết các doanh nghiệp lữ hành phải tiên phong trong việc định hướng du khách không sử dụng các sản phẩm từ động vật hoang dã. Từ nhân viên bán hàng đến hướng dẫn viên du lịch phải thực sự là những tuyên truyền viên về bảo vệ động vật hoang dã, nhằm giúp du khách hiểu hơn về quan điểm của chính quyền nước sở tại đối với vấn đề này.

Ngoài ra, các chương trình tour của công ty lữ hành cũng không có hành trình liên quan đến động vật hoang dã như cưỡi voi, xem gấu, rồi trực tiếp xem hút mật gấu, ăn thịt thú rừng…

Đọc thêm