Sẽ bỏ hẳn loại hình du lịch cưỡi voi
Tại buổi tọa đàm “Kết nối giao thương giữa Hà Nội và Buôn Ma Thuột, phát triển du lịch an toàn, hấp dẫn giữa các doanh nghiệp du lịch ở hai địa phương” vừa tổ chức mới đây tại Đắk Lắk, Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk Nguyễn Thụy Phương Hiếu cho biết, sẽ bỏ hẳn loại hình du lịch cưỡi voi. Thay vào đó, sẽ tiến hành nghiên cứu, lựa chọn những hoạt động thân thiện, gắn liền với loài động vật này như: tắm voi, cho voi ăn, hay thậm chí sản phẩm cà phê voi… mang lại cảm giác trải nghiệm mới lạ, an toàn cho du khách.
Thực tế cho thấy trong năm 2020, tỉnh Đắk Lắk liên tục xảy ra những tai nạn liên quan đến voi. Cụ thể, ngày 22/5, nài voi Y Đrim Kuan (32 tuổi, ngụ xã Yang Tao, huyện Lắk, tỉnh Đắk Lắk) đã bất ngờ bị voi nhà quật tử vong khi đưa voi đi tắm. Đến ngày 19/7, chị Đỗ Thị B. (32 tuổi, ngụ huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên) khi đang cưỡi voi thì bất ngờ bị ngã, chấn thương ngực… phải đi cấp cứu. Điều này cho thấy, việc du lịch cưỡi voi không còn an toàn cho du khách, nhất là trong những thời điểm voi động dục khá hung hãn.
Một doanh nghiệp lữ hành lớn ở khu vực phía Bắc cho hay, khi đưa khách về Buôn Đôn (tỉnh Đắk Lắk), ngoài việc cưỡi voi, tham quan một số thắng cảnh trong chốc lát ra thì rất khó giữ chân họ ở lại đây lâu. Không ít người cảm thấy hụt hẫng vì chất lượng không được như trong quảng bá. Một khi du khách đã không còn quá háo hức với việc được cưỡi voi thì địa phương cần phải tìm những cách làm, hướng khai thác du lịch mới mẻ hơn để tạo điểm nhấn, ấn tượng với khách.
Sắp tới, Đắk Lắk sẽ xóa sổ loại hình du lịch cưỡi voi. |
Theo thống kê của Trung tâm Bảo tồn voi Đắk Lắk, trên địa bàn tỉnh này hiện có khoảng 44 con voi nhà. Hơn 30 năm qua, voi nhà có 3 con mang thai nhưng đều chết lưu trong bụng mẹ. Trong khi đó, vào những năm 80 của thế kỷ trước, tỉnh Đắk Lắk có trên 500 voi nhà. Nhìn vào con số này có thể thấy voi nhà ở tỉnh Đắk Lắk suy giảm nghiêm trọng.
Nguyên nhân chủ yếu của việc suy giảm này là đa phần voi nhà được sử dụng để chở khách du lịch, khiến chúng không có môi trường sinh sống lý tưởng, thiếu không gian tìm bạn tình. Trong khi đó, các voi cái đều đã quá già…
Giám đốc Trung tâm Bảo tồn voi Đắk Lắk Huỳnh Trung Luân cho biết, việc Đắk Lắk tiến tới bỏ loại hình du lịch cưỡi voi được nhiều tổ chức ủng hộ. Theo đó, việc làm du lịch tác động trực tiếp lên voi sẽ dần được thay thế bằng một loại hình khác - du lịch voi thân thiện.
“Nếu trước đây du khách tương tác trực tiếp với voi thì nay sẽ thay thế bằng một loại hình du lịch mới giúp du khách thân thiện hơn với loài động vật hoang dã này, đồng thời giảm bớt sự bóc lột sức voi như trong thời gian vừa qua. Tuy nhiên, việc này cũng cần một lộ trình nhất định, có thể là trong vòng 5 năm”, ông Luân cho biết.
Loại bỏ du lịch cưỡi voi, thay thế bằng hành động thân thiện tắm cho voi nhằm góp phần bảo tồn đàn voi Tây Nguyên. |
Cũng theo ông Luân, những năm vừa qua, loại hình du lịch cưỡi voi nảy sinh nhiều rủi ro cho du khách, cũng như ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của voi. Hiện nay, phía Trung tâm Bảo tồn voi Đắk Lắk đang thực hiện thí điểm loại hình du lịch thân thiện không cưỡi voi với 4 con voi. Khách vào rừng ngắm voi từ xa, không được tiếp cận voi gần 30m. Voi được tự do đi lại, kiếm ăn dưới những tán rừng, thể hiện những tập tính tự nhiên của chúng. Thời gian tới, phía trung tâm sẽ vận động người dân có voi cùng tham gia loại hình du lịch này.
“Tuy vậy, hiện nay, để thay đổi từ voi bị xiềng ở chân chuyển sang thả ra tự do cũng không hề đơn giản. Việc này cần có quá trình và đang được Đắk Lắk thực hiện, với sự giúp sức của các tổ chức quốc tế”, ông Luân cho biết.
Cải thiện bức tranh bảo tồn voi Tây Nguyên
Tiến sĩ Tuấn Bendixsen - Trưởng đại diện Tổ chức Động vật Châu Á tại Việt Nam cho biết, hiện nay trên thế giới không còn quốc gia nào sử dụng voi thuần dưỡng để tổ chức các tour du lịch, đặc biệt là cưỡi voi. Tại Việt Nam, số lượng voi thuần dưỡng ngày càng suy giảm chủ yếu là do chủ voi sử dụng chúng vào các tour du lịch trải nghiệm cưỡi voi. Nếu việc này tiếp tục thì việc bảo tồn voi sẽ không thể đạt kết quả như mong đợi.
Kể từ năm 2018, Tổ chức Động vật Châu Á tại Việt Nam đã hỗ trợ Trung tâm Bảo tồn voi Đắk Lắk khoảng 1,4 tỷ đồng để trung tâm hỗ trợ các chủ voi chuyển dần mô hình du lịch cưỡi voi sang các loại hình du lịch thân thiện với voi hơn.
“Bản chất của voi là doang dã, dù được thuần dưỡng nhưng khi phải lao động mệt hay vì tâm sinh lý bất thường, phần hoang dã trỗi dậy sẽ làm chúng phản kháng, gây ra tai nạn là điểu hiển nhiên. Do đó, việc dừng các tour du lịch cưỡi voi vừa tránh tai nạn đáng tiếc vừa hỗ trợ công tác bảo tồn voi”, ông Tuấn cho biết.
Trước đây, nhiều chuyên gia quốc tế về voi đã có nhiều cuộc làm việc với chính quyền Đắk Lắk về việc chuyển đổi mô hình du lịch voi. Đơn cử, vào tháng 7/2018, khi có mặt ở Đắk Lắk, ông David Neale - Giám đốc Phúc lợi động vật thuộc Tổ chức Động vật Châu Á cho biết, mô hình du lịch thân thiện không cưỡi voi hạn chế tối đa việc con người tiếp xúc với voi nhằm tránh sự nguy hiểm cho cả người lẫn voi.
Mô hình có rất nhiều tiềm năng thu hút du khách trong nước và quốc tế. Cũng từ mô hình này, mong muốn sẽ có nhiều cá nhân, tổ chức ở Việt Nam học tập để từng bước điều chỉnh cách sử dụng voi làm du lịch, mở ra cơ hội mới trong giáo dục cộng đồng bảo tồn thiên nhiên, bảo vệ động vật hoang dã.
Vào tháng 1/2017, tại Hội thảo Quốc tế về voi tổ chức tại TP Buôn Ma Thuột, bà Sarah Blaine - Quỹ quản tượng Thái Lan chia sẻ, trước đó mấy năm, khi tổ chức của bà đến một ngôi làng có nhiều người nuôi voi thì thấy voi thường bị đưa lên các thành phố lớn để chở khách và thực hiện các trò tiêu khiển. Khi chúng trở về làng sẽ bị nhốt trong không gian chật hẹp, thiếu thức ăn.
Để ngăn việc người dân đưa voi lên thành phố làm du lịch, tổ chức của bà đã trợ cấp một khoản tiền cho các chủ voi. Rồi, bà và các nhân viên của tổ chức đã kiên trì tiếp cận, tuyên truyền cho người nuôi voi hiểu không dùng gậy sắt vẫn có thể điều khiển voi, không cần chở khách mà voi vẫn có thể làm du lịch.
Đến nay, những chú voi ở ngôi làng này đã được đưa về sống ở những khu rừng xung quanh làng. Chúng được tự do đi lại, tìm thức ăn trong rừng và vẫn thu hút được khách du lịch. Du khách đến đây không phải để cưỡi voi hay xem các trò tiêu khiển do voi làm, mà là đi theo những con voi vào rừng xem chúng ăn, ngủ, tìm hiểu cuộc sống của chúng. Mô hình này vừa giúp voi nhà có môi trường sinh sống tốt hơn, có điều kiện để sinh sản; đồng thời cũng giải quyết được vấn đề thu nhập cho những người nuôi voi.
Voi là loài vật gắn bó với người dân Tây Nguyên từ bao đời, được coi là một trong những biểu tượng văn hóa của vùng đất này. Hơn 30 năm trở lại đây, số lượng voi Việt Nam nói chung và voi Tây Nguyên suy giảm nhanh theo từng năm. Nếu không có những biện pháp bảo tồn quyết liệt và hữu hiệu hơn, trong thời gian không xa nữa, hình ảnh đàn voi vốn thân thuộc với người Tây Nguyên sẽ chỉ còn trong tiềm thức.