Việc thu phí của chủ đầu tư dự án Đèo Cả là đúng quy định pháp luật

(PLO) - Gần đây có nhiều dư luận thắc mắc là DA hầm đường bộ qua Đèo Cả chưa hoàn thành, tại sao lại tổ chức thu  phí, cũng như xe chở xăng dầu không đi qua DA vẫn bị thu phí… Để làm rõ vấn đề này, Pháp luật Việt Nam có cuộc trao đổi thẳng thắn với ông Hồ Nghĩa Dũng - nguyên Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT), hiện là cố vấn cao cấp của DA.
Phối cảnh hầm Đèo Cả
Phối cảnh hầm Đèo Cả
Dự án trọng điểm quốc gia  hầm đường bộ qua Đèo Cả  (DA Đèo Cả) do Công ty Cổ phần Đầu tư Đèo Cả (Cty Đèo Cả) làm chủ đầu tư với tổng vốn 15.603 tỷ đồng, được khởi công vào cuối năm 2012. DA có tổng chiều dài hơn 13,4 km qua Đèo Cả, thuộc địa phận 2 tỉnh Phú Yên và Khánh Hòa. Công trình đang được chủ đầu tư (CĐT) cũng như nhiều nhà thầu quyết tâm đẩy nhanh tiến độ để đến năm 2016 sẽ đưa vào sử dụng.
Xin ông cho biết DA Đèo Cả  được đầu tư theo hình thức nào?
- DA này được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận triển khai thực hiện theo hình thức Hợp đồng BOT kết hợp với BT tại Công văn số 1250/TTg-KTN do Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải ký ngày 27/7/2009. Sau đó ngày 6/10/2009, Bộ GTVT có Công văn số 2886/QĐ-BGTVT chỉ định Cty Đèo Cả là nhà đầu tư của DA. Bộ GTVT phê duyệt DA tại Quyết định số 47/QĐ-BGTVT ngày 6/1/2012. Đây là DA theo hình thức BOT- BT lớn nhất ở Việt Nam từ trước đến nay do tư nhân chủ động lập hồ sơ đề xuất thực hiện DA, được sự đồng thuận từ các Bộ: GTVT, Tài chính (TC), Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), được Thủ tướng Chính phủ đồng ý.
Vì sao DA này phải thực hiện theo hình thức BOT-BT, thưa ông?
- Việc kết hợp hình thức BOT-BT là một cách vận dụng sáng tạo về phương thức đầu tư với mục đích nâng cao tính khả thi của DA. Đối với DA Đèo Cả, theo tính toán nếu chỉ áp dụng hình thức BOT thì thời gian hoàn vốn sẽ hơn 40 năm, điều này là không khả thi. Vì vậy để rút ngắn thời gian hoàn vốn, tăng cao tính khả thi thì việc kết hợp hình thức BT để  giảm tỷ trọng phần vốn BOT là chọn lựa hợp lý và hiệu quả nhất! Tuy nhiên, ngoài những  ưu điểm  của hình thức BOT- BT (hợp tác công - tư) thì hình thức này cũng tiềm ẩn các rủi ro khiến nhà đầu tư quan ngại, vì: đây là hình thức đầu tư mới được áp dụng tại Việt Nam vài năm nay; hành lang pháp lý cho hình thức này chưa rõ ràng; khả năng đảm bảo thực thi cam kết hỗ trợ từ khu vực công trong hợp tác công - tư còn khá kém như việc giải phóng mặt bằng, bảo lãnh vay vốn, thiếu kinh phí giải tỏa… Cho nên để đảm bảo tiến độ, CĐT phải tự lo kinh phí để thực hiện, và rủi ro về vấn đề chậm hoàn trả tiền từ Nhà nước là khá cao! 
Dư luận đặc biệt quan tâm việc DA chưa hoàn thành, nguyên nhân nào Cty Đèo Cả đã tiến hành thu phí ở 2 trạm Ninh An và Bàn Thạch?
- Để hỗ trợ CĐT tiến hành DA, Thủ tướng Chính phủ ban hành một số cơ chế thực hiện tại Công văn số 476/TTg-KTN ngày 11/04/2012. Trong đó, cho phép CĐT được tiếp nhận Trạm thu phí Bàn Thạch và Ninh An trên quốc lộ 1A để thu phí đảm bảo khả năng hoàn vốn cho DA. Mặc dù được quyền tiếp nhận nhưng Trạm Bàn Thạch còn thuộc sở hữu của Cty Điện máy Việt Long và Cty Xăng dầu Quân đội, nên CĐT chịu thêm thiệt thòi là phải bỏ ra 118 tỷ đồng để mua lại quyền thu phí của 2 đơn vị trên đến hết năm 2014 (vì trạm này nằm trên tuyến thi công của DA nên phải mua lại để thuận tiện cho việc thi công). CĐT chính thức được thu phí trạm này từ đầu năm 2015. Mặt khác, ngày 19/3/2013 Bộ GTVT có Thông báo số 155/TB-BGTVT về việc xác định Trạm Ninh An sẽ dùng để hoàn vốn cho DA BOT mở rộng quốc lộ 1A đoạn từ hầm Đèo Cả đến Km 1.425 tỉnh Khánh Hòa (thu phí để hoàn vốn cho 37km DA mở rộng quốc lộ 1A).
Vậy việc thu phí ở 2 trạm trên là được sự cho phép của Thủ tướng Chính phủ, nhưng có ý kiến cho rằng khi Quỹ bảo trì đường bộ đi vào hoạt động thì cả 2 trạm trên phải bãi bỏ?
 - Tôi khẳng định việc thu phí từ 2 trạm Bàn Thạch và Ninh An với mục đích hoàn vốn cho DA Đèo Cả là đúng với các quy định của pháp luật. Việc thu phí đối với các DA BOT không thuộc phạm vi điều chỉnh của Nghị định 18/2012/NĐ-CP ngày 13/3/2012 của Thủ tướng Chính phủ về Quỹ bảo trì đường bộ.
Chủ phương tiện và tài xế thắc mắc Cty Đèo Cả tự quyết định tăng phí từ đầu tháng 2/2014?
- Quy định tại Hợp đồng DA Đèo Cả ký giữa Bộ GTVT (đại diện cơ quan nhà nước có thẩm quyền) với Cty Đèo Cả ngày 8/11/2012, CĐT được phép tăng phí sử dụng đường bộ theo lộ trình, được tính toán trong phương án tài chính của DA, qua sự thẩm định của Bộ GTVT, Bộ KH&ĐT, Bộ TC và được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận. Để cụ thể hóa vấn đề này, Bộ TC đã ban hành Thông tư số 197/2013/TT-BTC ngày 19/12/2013 quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí…
Theo phản ánh của các doanh nghiệp vận tải xăng dầu thì các xe bồn chở xăng dầu chạy trên tuyến đường không liên quan gì đến DA Đèo Cả cũng bị thu phí, ông giải thích việc này như thế nào? 
- Xin nói rõ, hiện nay việc thu phí từ các xe chở xăng dầu là thu phí cho phần đường hiện tại, không liên quan gì đến DA Đèo Cả. Khi DA này hoàn thành, trạm thu phí mới được thiết lập để thu phí xe đi qua hầm mà thôi! Cũng cần nói thêm, thiết kế của hầm Đèo Cả sẽ không cho phép xe chở hàng hóa nguy hiểm như xăng dầu qua hầm. Vì nếu cho phép thì kết cấu vỏ hầm phải được thiết kế đặc biệt làm tăng chi phí xây dựng lên 1,5 lần, nên thẩm quyền quyết định việc này là của Bộ GTVT. Hiện nay Cty Đèo Cả đang tiến hành làm việc với Bộ GTVT để xem xét lại giải pháp kỹ thuật, tìm ra hướng xử lý đảm bảo an toàn nhằm phục vụ tốt nhất cho các doanh nghiệp vận tải xăng dầu trong thời gian sắp tới.
Xin cảm ơn ông!