"Long mạch” cho đất nước phát triển

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Trong lịch sử ngành giao thông vận tải nước ta, chưa thời kỳ nào việc xây dựng cao tốc được thực hiện rầm rộ như hiện nay. Từ xây dựng cao tốc theo trục dọc Bắc - Nam, trục ngang Đông - Tây, đến việc xây dựng cao tốc xuyên khu vực đồng bằng và xuyên miền núi. Mạng lưới đường bộ cao tốc này đang và sẽ trở thành những “long mạch” cho đất nước phát triển.
Hệ thống đường cao tốc tạo thành "long mạch" phát triển đất nước (Ảnh: Minh Hữu).
Hệ thống đường cao tốc tạo thành "long mạch" phát triển đất nước (Ảnh: Minh Hữu).

Hơn 600 km cao tốc hoàn thành trong năm 2023

Theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng - trong đó có kết cấu hạ tầng giao thông là một trong ba đột phá chiến lược của Đảng và Nhà nước. Việc tập trung xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông trọng điểm, kết cấu hạ tầng các đô thị lớn được quy hoạch căn bản, tạo ra bước thay đổi lớn trong phát triển kinh tế - xã hội.

Trên tinh thần đó, giai đoạn 2021-2030, nước ta đặt mục tiêu đến năm 2025 phải hoàn thành 3.000km cao tốc và đến năm 2030 hoàn thành 5.000km đường cao tốc. Để thực hiện mục tiêu này, Chính phủ và ngành Giao thông vận tải (GTVT) đang dồn sức xây dựng hệ thống đường cao tốc trên mọi miền đất nước. Theo ông Nguyễn Văn Thắng, Bộ trưởng Bộ GTVT, nếu giai đoạn 2011 - 2020, cả nước chỉ có 1.259km đường cao tốc được đưa vào khai thác, thì đến 2030 sẽ tăng lên khoảng 5.000km, tức gấp gần 4 lần so với giai đoạn 10 năm trước đó.

Riêng năm 2023, có khoảng hơn 600km đường cao tốc được hoàn thành, đưa tổng số đường cao tốc tại Việt Nam lên hơn 1.800km. Đáng chú ý, nhiều tuyến cao tốc thuộc dự án cao tốc Bắc Nam phía Đông đã hoàn thành trong năm 2023 như Mai Sơn - Quốc lộ 45, Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Phan Thiết - Dầu Giây, Quốc lộ 45 - Nghi Sơn, Nghi Sơn - Diễn Châu, Nha Trang - Cam Lâm, Mỹ Thuận – Cần Thơ... Ngoài ra, dự án cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ cũng mới được đưa vào sử dụng trong tháng 12/2023.

Ông Uông Việt Dũng, Chánh văn phòng Bộ GTVT cho hay, Bộ này đang triển khai hàng loạt dự án cao tốc trên khắp cả nước. Cụ thể, dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 1 có 11 dự án thành phần, tổng chiều dài hơn 650km. Dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2 gồm 12 dự án thành phần, tổng chiều dài 729km. Theo trục Đông - Tây, Bộ GTVT đang nghiên cứu, triển khai các dự án như cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột, cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu. Tại khu vực phía Nam, đang triển khai cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng xuyên khu vực vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Tại khu vực ven biển phía Bắc, đang chuẩn bị đầu tư cao tốc Ninh Bình - Nam Định - Thái Bình - Hải Phòng. Còn khu vực miền núi phía Bắc, Tập đoàn Đèo Cả đang nghiên cứu, chuẩn bị đầu tư hai tuyến cao tốc là Chi Lăng - Hữu Nghị và Đồng Đăng - Trà Lĩnh để nối hai tỉnh Cao Bằng - Lạng Sơn.

Ngoài ra, tại hai thành phố lớn là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, mỗi thành phố đang được xây dựng một dự án đường vành đai quy mô lớn. Đây là những đường vành đai cao tốc đô thị, kết nối các vùng lân cận với hai trung tâm Chính trị, kinh tế, tài chính lớn nhất cả nước. “Mục tiêu đến năm 2030 nước ta có 5.000km đường cao tốc là khả thi và đang được ngành GTVT từng bước hiện thực hóa”, đại diện Bộ GTVT khẳng định.

Tạo không gian phát triển mới

Theo giới chuyên gia, quy hoạch xây dựng cao tốc ở nước ta là đồng bộ, khoa học và được phân bố đồng đều ở các địa phương, vùng miền. Với những dự án cao tốc trên, có thể nhận thấy, ngoài trục dọc theo hướng Bắc - Nam, hệ thống cao tốc được xây dựng ở cả khu vực miền Tây Nam Bộ, Đông Nam Bộ, Tây Nguyên, vùng Đồng bằng sông Hồng và cả khu vực miền núi phía Bắc. Quy hoạch cao tốc như vậy không chỉ thuận lợi kết nối giao thông vận tải giữa các vùng miền mà còn là cơ sở để quy hoạch xây dựng các khu công nghiệp, khu kinh tế, khu du lịch, tạo không gian phát triển mới cho các khu vực xung quanh đường cao tốc đi qua phát triển kinh tế - xã hội.

Theo PGS,TS Trần Chủng, Chủ tịch Hiệp hội các nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ Việt Nam, để đất nước phát triển, xây dựng đường bộ cao tốc là một xu hướng tất yếu. Giao thông, nhất là đường cao tốc, được ví như những mạch máu nuôi dưỡng và tạo động lực để nền kinh tế phát triển. Tuy nhiên, để hoàn thành mục tiêu đến năm 2030 nước ta có 5.000km cao tốc thì ngoài sự nỗ lực của các cơ quan Nhà nước, rất cần sự đồng hành, đồng thuận từ doanh nghiệp, người dân.

Ngoài ra, theo vị chuyên gia, để thu hút đầu tư vào các dự án cao tốc, cần có thêm những cơ chế mới, khuyến khích giới tư nhân cùng tham gia. Điều này vừa giúp giảm áp lực cho ngân sách Nhà nước, vừa tạo điều kiện để giới tư nhân tham gia xây dựng cao tốc, góp phần cống hiến cho đất nước, giúp doanh nghiệp Việt Nam lớn mạnh.

Cần bao nhiêu tiền để có 5.000 km cao tốc?

Theo Bộ GTVT, để hiện thực hóa mục tiêu 5.000 km đường cao tốc vào năm 2030, ước tính nhu cầu vốn đầu tư khoảng 813.000 tỷ đồng; trong đó,giai đoạn 2021 - 2025 cần khoảng 393.000 tỷ đồng, giai đoạn 2025- 2030 khoảng 420.000 tỷ đồng.

Đọc thêm