Lớp đào tạo công chức nguồn Hà Nội mới học đã có khiếu nại

Lớp đào tạo công chức nguồn 2013-2014 của TP Hà Nội mới khai giảng được vài buổi đã xảy ra khiếu nại liên quan đến việc xét chọn học viên không như thông báo.

Lớp đào tạo công chức nguồn 2013-2014 của TP Hà Nội mới khai giảng được vài buổi đã xảy ra khiếu nại liên quan đến việc xét chọn học viên không như thông báo.

Bất ngờ bị buộc thôi học

Cuối năm ngoái, UBND TP Hà Nội có đề án thí điểm đào tạo 1.000 công chức nguồn, đạt chất lượng cao để bổ sung công chức trẻ và thay thế đội ngũ cán bộ công chức đến tuổi nghỉ hưu tại các cơ quan hành chính các cấp các ngành TP Hà Nội giai đoạn 2012-2015.

Anh Nguyễn Hùng Cường - cán bộ hợp đồng làm việc tại UBND huyện Phúc Thọ - với chuyên môn quản lý đất đai đã nộp hồ sơ đăng ký tham dự khóa đào tạo và lọt vào danh sách học viên đủ điều kiện. Ngày 10/4/2013, UBND TP Hà Nội có quyết định phê duyệt sanh sách học viên đủ điều kiện gồm có 286 học viên, anh Cường có tên và được xếp vào lớp công chức nguồn số 1.

Ngày 12/4/2013, anh nhận được giấy triệu tập học viên số 698 của Sở Nội vụ TP Hà Nội thông báo cho anh biết thời gian học 18 tháng, học tập trung, bắt đầu khai giảng vào ngày 22/4/2013. Tuy nhiên, ngày 15/4/2013, bất ngờ có một phụ nữ xưng danh làm việc tại Sở Nội vụ Hà Nội gọi anh ra gặp riêng, thông báo anh sẽ bị buộc thôi học và khuyên anh nên viết đơn xin thôi học với lý do cá nhân để không làm ảnh hưởng đến tương lai. Tiếp đến, ngày 23/4/2013 anh thấy không có tên trong giấy triệu tập học lớp công chức nguồn 1, hỏi thì anh được người phụ nữ kia trả lời anh đã bị Sở Nội vụ loại khỏi danh sách.

Cho rằng những trả lời trên chỉ là trả lời miệng, chưa thỏa đáng và chưa đúng thủ tục, anh Cường vẫn tiếp tục theo học nhưng tất cả các buổi học anh đều không được điểm danh. Anh đã có đơn khiếu nại gửi UBND TP Hà Nội và Sở Nội vụ đề nghị làm rõ lý do không được học nhưng đều chưa nhận được trả lời.

Thông báo một đằng, xét một nẻo?

Theo anh Cường, trong quá trình xảy ra sự việc, anh có được cán bộ phụ trách lớp cho biết lý do anh bị xóa tên là vì bằng tốt nghiệp đại học của anh là bằng liên thông. Lý do này anh không đồng ý vì trong tất cả các thông báo về tiêu chuẩn học viên không đề cập chuyện bằng liên thông.

Cụ thể, tại Quyết định 385/QĐ-UBND ngày 16/1/2013 của UBND TP Hà Nội về việc ban hành kế hoạch tổ chức đào tạo thí điểm thì điều kiện về bằng cấp của học viên: “Có bằng tốt nghiệp đại học công lập hệ chính quy trong nước loại khá trở lên hoặc tốt nghiệp đại học, sau đại học (đúng chuyên ngành đã được đào tạo ở bậc đại học) ở nước ngoài loại giỏi, xuất sắc, ngành hoặc chuyên ngành đào tạo phù hợp với chỉ tiêu đào tạo công chức nguồn”.

Đối chiếu với quy định trên, anh Cường cho rằng, hồ sơ của mình không vi phạm. “ Tôi học cao đẳng 3 năm, sau đó học liên thông 2 năm nữa, trên tấm bằng tốt nghiệp của tôi ghi rõ là bằng chính quy, loại khá hoàn toàn phù hợp với điều kiện của UBND TP Hà Nội đưa ra là “có bằng tốt nghiệp đại học công lập hệ chính quy”. Việc Sở Nội vụ nói tôi không đủ tiêu chuẩn là mâu thuẫn với qui định được ban hành trước đó”.

Bằng tốt nghiệp đại học hệ chính quy của anh Nguyễn Hùng Cường
Bằng tốt nghiệp đại học hệ chính quy của anh Nguyễn Hùng Cường

Điều mà anh Cường bức xúc nhất là, Sở Nội vụ- đơn vị chủ trì tổ chức chiêu sinh- chưa hề có trả lời chính thức bằng văn bản cho anh rõ các lý do. “Tôi đã xin nghỉ làm ở cơ quan để đi học, đi học không được điểm danh khiến tôi rất buồn, lo lắng và dở dang mọi việc. Tôi rất mong sự việc được làm rõ để tiếp tục học, phục vụ cho mục tiêu của đề án”.

Chuyển những nội dung thắc mắc nói trên của anh Cường đến Sở Nội vụ, lãnh đạo Sở này xác nhận sự việc đang được xác minh làm rõ sai ở khâu nào. “Quan điểm của thành phố là tạo điều kiện hết sức, không có chuyện gây khó khăn cho các học viên vì thực tế số học viên theo đề án vẫn chưa đủ. Với trường hợp này tôi được biết là bằng liên thông, không đủ điều kiện và phải xem xét tắc trách trong khâu kiểm tra tra hồ sơ hay là do cá nhân người học”, vị lãnh đạo này cho biết.

UBND TP Hà Nội và Sở Nội vụ cần có trả lời bằng văn bản với khiếu nại của anh Cường, làm rõ trách nhiệm cá nhân nếu có sai sót nhằm đảm bảo quyền lợi của người học và sự minh bạch của đề án đào tạo công chức nguồn đang được dư luận quan tâm.

Quy định đã có, người học vẫn bị phân biệt

Câu chuyện bằng cấp của anh Nguyễn Hùng Cường nêu trên được một cán bộ của Bộ GD&ĐT chia sẻ: “Hệ chính quy được hiểu là cách tổ chức đào tạo.

Theo quy định hiện nay, đào tạo liên thông được tổ chức theo hình thức chính quy hoặc vừa làm vừa học. Đào tạo liên thông theo hình thức chính quy tức là học ban ngày, tập trung liên tục tại trường, thực hiện quy chế tuyển sinh, đào tạo đại học và cao đẳng hệ chính quy. Người học liên thông theo hình thức chính quy được cấp bằng tốt nghiệp chính quy.

Còn người học liên thông hình thức vừa làm vừa học được cấp bằng tốt nghiệp vừa làm vừa học. Như vậy, người học liên thông hệ chính quy vẫn phải được công nhận là tốt nghiệp Đại học chính quy.

Tuy nhiên, hiện nay vẫn có tình trạng phân biệt giữa chính quy và liên thông, một phần do cách tuyển sinh và dạy học chưa quy củ khiến mất uy tín. Thực trạng này đang là cái vướng, khó gỡ và phần nào thiệt thòi cho người học”.

Hà Linh

Đọc thêm