Lớp học nghệ thuật cho những “đứa trẻ đặc biệt”

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Không giống với những đứa trẻ bình thường khác, có rất nhiều em nhỏ sinh ra đã mang khiếm khuyết bẩm sinh về thể chất hoặc trí tuệ. Việc để các em được đến trường, học tập đã vô cùng khó. Vậy nhưng, đã có những lớp học nghệ thuật mở ra để giúp đỡ các em nhỏ “đặc biệt” này. Mang lại niềm hạnh phúc nho nhỏ mỗi ngày cho các em.
Các lớp học nghệ thuật “đặc biệt” xuất phát từ mong muốn đem đến hạnh phúc và hy vọng cho trẻ em khuyết tật. (Nguồn: CLB Văn nghệ trẻ em khuyết tật Hà Nội)
Các lớp học nghệ thuật “đặc biệt” xuất phát từ mong muốn đem đến hạnh phúc và hy vọng cho trẻ em khuyết tật. (Nguồn: CLB Văn nghệ trẻ em khuyết tật Hà Nội)

Bắt đầu từ lòng nhân ái

Được nghe những bản nhạc hay, khiêu vũ trong các giai điệu ngọt ngào là niềm vui rất đỗi bình thường của con người, nhưng không phải ai cũng may mắn được cảm nhận điều đó. Đặc biệt là những người khuyết tật. Thấu hiểu điều đó, lớp học của thầy Đặng Tấn Ba (42 tuổi, quê huyện Núi Thành, Quảng Nam) tại Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập Đà Nẵng đã được ra đời và hoạt động trong hơn 3 năm vừa qua. Giúp cho những học sinh khiếm thị chơi đàn, cảm nhận âm thanh tuyệt vời của cuộc sống này.

Cứ vào mỗi tối thứ Ba, Năm, Bảy, lớp học đơn sơ của thầy lại vang lên tiếng đàn guitar trầm bổng và tiếng hát non nớt của những em học sinh. Đó là khát vọng của cả thầy và trò trong Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập Đà Nẵng. Thầy Đặng Tấn Ba chia sẻ, thầy là người khuyết tật, từ bé đã sống xa nhà. Âm nhạc đối với thầy như một người bạn “tri âm, tri kỷ” để tâm tình, bộc lộ mọi cung bậc cảm xúc. Đến với âm nhạc, thầy phải trải qua một hành trình tự mày mò, tự học, không qua một trường lớp đào tạo nào cả. Chính vì vậy, thầy thấu hiểu tất cả những nỗi khó khăn của các em học sinh khiếm thị và mong muốn mang âm nhạc đến cuộc đời các em. Thầy hy vọng nhờ tiếng đàn guitar, những em học sinh khiếm thính sẽ dễ dàng hòa nhập với cộng đồng.

Sau hơn 3 năm mở lớp, thầy Ba đã truyền tình yêu âm nhạc, gieo những mầm hạnh phúc, tiếp thêm tinh thần lạc quan, giúp nhiều trẻ khiếm thị vượt qua mặc cảm trong cuộc sống,… Các bạn học sinh cũng hết mực quý mến thầy. Hiện nay, lớp học của thầy có khoảng 10 học viên, với những bộ bàn ghế đơn sơ và năm cây đàn để các em thay phiên nhau học, nhưng dù thiếu thốn thế nào, đối với những em khiếm thị, đây là một khoảng thời gian vui vẻ, hạnh phúc.

Không chỉ có lớp của thầy Đặng Tấn Ba, tại Hà Nội, cũng có câu lạc bộ của bà Phan Thị Phúc (quận Đống Đa, Hà Nội) dành thời gian của mình để bù đắp thiệt thòi cho nhiều trẻ khuyết tật về trí tuệ bằng việc dạy hát, dạy múa. Mỗi sáng chủ nhật, những học sinh “đặc biệt” này lại được cha mẹ đưa đến lớp học của bà Phúc. Các em chào người phụ nữ 82 tuổi này bằng “mẹ”. Bà đã trở thành người mẹ thứ hai của các em, truyền cho các em nghị lực sống, cảm nhận thấy tình yêu thương, điều tốt đẹp trong cuộc sống này.

Được biết, bà Phan Thị Phúc tốt nghiệp Đại học Sân khấu Điện ảnh, năm 1984, bà về công tác tại Nhà hát Tuổi Trẻ và gắn bó nơi này cho đến lúc về hưu. Được giao làm mảng sân khấu trẻ em, bà nhận thấy trẻ khuyết tật không có điều kiện vui chơi như các bạn khác. Do đó, từ năm 1987, bà đã bắt đầu dạy trẻ khuyết tật học múa hát. Đến năm 1990, bà bắt đầu nuôi khát vọng mở câu lạc bộ dạy âm nhạc, ca múa cho các em nhỏ khuyết tật. Phải đến 5 năm sau, câu lạc bộ đầu tiên mang tên “Câu lạc bộ Văn nghệ trẻ em khuyết tật Hà Nội” chính thức ra đời. Chặng đường để bà Phúc đến với các em vô cùng khó khăn. Bà phải học chữ nổi braille, học cách tiếp cận giúp các em nhỏ hòa đồng, cởi mở giao tiếp với bà,…

Không chỉ có bà Phúc, tại đây còn có những giáo viên khác, đảm nhận bộ môn như Tiếng Anh, Mỹ thuật, các môn văn hóa. Trong câu lạc bộ, hiện tại có từ 30 - 50 học sinh, các em học vào hai ngày thứ Bảy và Chủ nhật. Tại đây, các em được thầy cô cũng như bà Phúc tận tình chỉ bảo, truyền niềm cảm hứng với những bộ môn nghệ thuật. Được biết, em học sinh lớn tuổi nhất hiện nay đã hơn 30 tuổi, nhưng cuối tuần, các em vẫn say sưa, hào hứng với những tiết học thú vị.

Mang hạnh phúc đến cho những em nhỏ khuyết tật

Thầy Đặng Tấn Ba cho biết việc dạy đàn cho người bình thường đã khó, dạy cho người mù càng khó hơn. Các em không thể nhìn được hợp âm, mà hoàn toàn phải nghe qua lời dạy của thầy và cảm nhận từng vị trí nốt bấm qua đôi tay của mình. Do không thể quan sát được, nên khi các em bấm nốt nhạc sai thế tay sẽ không biết. Thầy Ba phải dạy các em những cái phản xạ, nguyên tắc riêng. Thời gian đầu, thầy phải cầm tay từng học trò, cảm nhận bằng thính giác để giúp các em đánh hợp âm.

Nhờ lớp học nghệ thuật, nhiều trẻ em khiếm khuyết đã tìm ra hướng đi cho bản thân. (Nguồn: CLB Văn nghệ trẻ em khuyết tật Hà Nội)

Nhờ lớp học nghệ thuật, nhiều trẻ em khiếm khuyết đã tìm ra hướng đi cho bản thân. (Nguồn: CLB Văn nghệ trẻ em khuyết tật Hà Nội)

Lớp của thầy Đặng Tấn Ba nói khó thì không khó, nhưng cũng không hề dễ dàng. Mỗi học sinh “trụ” lại trong lớp của thầy đều học được tính nhẫn nại, kiên trì và lòng quyết tâm vượt lên mọi khó khăn. Rất nhiều em, sau 1 - 2 buổi theo học đành bỏ cuộc vì quá khó. Nhưng những em vẫn bền bỉ học nhạc, dần dần sẽ tìm được “cảm giác” về âm thanh của tiếng đàn guitar. Đối với thầy Ba, đây là một phương pháp trị liệu vào tâm lý, giúp các em tự tin và có thể sớm hòa nhập với cộng đồng xung quanh. Bởi trong thế giới nghệ thuật không có biên giới và bất cứ ai cũng được chào đón, yêu thương.

Thầy Ba cũng cho biết, khi có thêm một kỹ năng, là một cơ hội mới sẽ mở ra trong cuộc đời của các em. Hiện nay, trong lớp của thầy đã có những học sinh đánh đàn thuần thục và nuôi ước mơ chơi nhạc chuyên nghiệp. Tiếng đàn guitar không chỉ giúp các em tự tin hơn mà vô tình đã trở thành niềm hy vọng, động lực để các em có thêm dũng khí vươn tới những ước mơ cao đẹp hơn. Đây là lý do để thầy Đặng Tấn Ba tiếp tục đến lớp dạy và “truyền lửa” đam mê nghệ thuật cho học sinh của mình.

Còn đối với lớp học của bà Phan Thị Phúc, câu lạc bộ của bà được phụ huynh mệnh danh là “lớp học của người thầy cô không bao giờ cáu”. Hơn 20 năm song hành với những trẻ em khuyết tật, hơn ai hết bà Phúc thấu hiểu, yêu thương và thông cảm cho hoàn cảnh của các em. Bà từng chia sẻ, những em nhỏ khuyết tật đều là những người có cảm xúc mạnh mẽ, chỉ cần một lần cáu giận cũng có thể khiến các em sợ hãi và bỏ lớp. Vì vậy, bà và các giáo viên tại câu lạc bộ phải cùng ăn, cùng ngủ, lắng nghe, chơi đùa cùng lũ trẻ để trở thành người bạn của các em, sau đó mới bắt đầu dạy học được. Các thầy cô trong câu lạc bộ cũng đã tham khảo cách dạy nghệ thuật cho trẻ em khuyết tật ở một số nước phát triển để áp dụng.

Lớp học nhỏ bé của bà Phúc giống như gia đình thứ hai của những trẻ em khuyết tật, bất cứ khi nào có chuyện buồn, vui các em lại tìm đến nơi đây để chia sẻ và nhận sự vỗ về. Hiện nay, có những em đã gắn bó với câu lạc bộ cả chục năm. Đặc biệt là trường hợp của nữ học sinh bị hệ vận động liệt nửa thân bên trái, nữ sinh này đến với lớp học khi mới 13 tuổi và giờ đã 33 tuổi. Từng là người sống khép mình vì bệnh tật nên cô thấu hiểu hơn ai hết suy nghĩ của những người khuyết tật. Bây giờ, cô đã tự tin giao tiếp với mọi người và trở thành một trong những thầy cô quản lý câu lạc bộ này.

Ngoài những môn nghệ thuật, văn hóa, câu lạc bộ còn dạy nghề cho các em. Hiểu được ưu, khuyết điểm của trẻ khuyết tật, các thầy, cô đã chọn ra những nghề đơn giản và vừa sức đối với các em như: nghề may, sửa chữa điện dân dụng, móc, thủ công, chụp ảnh, làm hương... Cùng với sự nỗ lực và cố gắng của tất cả thành viên trong câu lạc bộ, trải qua thời gian các em đều thành nghề, nhiều sản phẩm làm ra rất được ủng hộ. Sau khi ra trường, các em đều có cuộc sống ổn định, có em mở cửa hàng may vá, sửa chữa điện gia dụng, cắt tóc,… cũng có những em đi theo con đường nghệ thuật. Nhiều em thì tìm được bến đỗ cho riêng mình, kết hôn và có cuộc sống hạnh phúc.

Việc nhìn thấy những “đứa con” của mình trưởng thành, trở thành công dân có ích cho xã hội, là niềm vui lớn nhất của bà Phan Thị Phúc. Chính vì vậy, dù đã hơn tám mươi tuổi, bị nhiều người không thấu hiểu coi là “dở hơi”, “lo chuyện bao đồng”, nhưng bà bỏ ngoài tai mọi dị nghị và vẫn ngày đêm đồng hành, giúp đỡ các em nhỏ khuyết tật có một cuộc sống hạnh phúc hơn.

Hiện nay, ở Việt Nam có khoảng 8 triệu người khuyết tật, chiếm 7,8% dân số, trong đó có 2.264.000 trẻ khuyết tật, chiếm 28,3% tổng số người khuyết tật. Trẻ em khuyết tật ở Việt Nam rất cần sự quan tâm, bảo vệ và chăm sóc hơn nữa của Nhà nước và cộng đồng xã hội để bù đắp những thiệt thòi phần nào so với trẻ em bình thường. Trẻ khuyết tật cũng cần được đối xử bình đẳng như bao trẻ em bình thường khác tránh sự kì thị, xa lánh của cộng đồng, xã hội điều đó giúp trẻ xóa đi rào cản về mặc cảm bản thân không dám hòa nhập với mọi người xung quanh.

Đọc thêm