Lọt tội phạm trong vụ vay tiền tỷ buôn “đồng nát”?

Cho hàng xóm vay tiền tỷ để buôn đồng, nhôm phế liệu nhưng những chủ nợ, là những người nông dân thuần phác, có nguy cơ tay trắng vì con nợ đã vào tù, còn người liên đới thì không bị truy tố.

Cho hàng xóm vay tiền tỷ để buôn đồng, nhôm phế liệu nhưng những chủ nợ, là những người nông dân thuần phác, có nguy cơ tay trắng vì con nợ đã vào tù, còn người liên đới thì không bị truy tố.

Giấy vay tiền có đủ chữ ký của vợ chồng bị cáo.

Giảm nhẹ trách nhiệm trái luật

Cáo trạng của VKSND tỉnh Hưng Yên truy tố  Đỗ Thị Thảo (xã Hồng Tiến, huyện Khoái Châu)  tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”. Chị Thảo đã vay 2 tỷ 136 triệu đồng của ba người là chị Đỗ Thị Nhân, Đỗ Thị Hòa và Đỗ Thị Phương để kinh doanh đồng nhôm phế liệu.

Đến hạn không trả được nợ, Thảo đã bỏ trốn nhằm chiếm đoạt số tiền đã vay. Sau đó, Thảo đã bị cơ quan chức năng bắt và hầu tòa. Bản án sơ thẩm số 24 ngày 22/5/2013 vừa qua, TAND tỉnh Hưng Yên đã tuyên phạt Thảo 8 năm tù và trả nợ cho các bị hại cả gốc và lãi hơn 3 tỷ đồng và 12 chỉ vàng.

Theo các bị hại, bản án này đã thiếu khách quan trong việc đánh giá các chứng cứ, bỏ lọt tội phạm, khiến quyền lợi của các bị hại chưa được bảo vệ.

Trong thời gian Thảo bỏ trốn trước sức ép đòi nợ của các chủ nợ, tháng 12/2008, bố mẹ chồng Thảo là ông Đào Văn Kham và bà Nguyễn Thị Luyện đã thống nhất gán nhà trừ nợ cho một trong các chủ nợ là bà Nhân. Ngôi nhà này được trừ cho khoản vay 800 triệu đồng.

Việc trả nợ này diễn ra trước thời điểm Thảo bị truy tố (tháng 4/2013) và khoản vay  này cũng không hề được đưa vào để tính tổng nợ của Thảo. Thế nhưng, không hiểu sao HĐXX lại nhận định đây là hành động khắc phục hậu quả của bị cáo?. HĐXX cho bị cáo hưởng tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự theo khoản  1, 2 Điều 46 là không đúng bản chất sự việc.

Cũng tình tiết này, không hiểu sao HĐXX có sự nhầm lẫn. Tại trang 3 bản án nêu, bố mẹ chồng Thảo là người đứng ra gán nhà và đất trừ khoản nợ 800 triệu đồng. Nhưng tại trang 6 bản án lại nêu: “bị cáo cũng đã tác động để bố mẹ đẻ của bị cáo trả nợ cho bà Nhân số tiền 800 triệu đồng thay cho bị cáo”.

Nhận định về việc này, một luật sư  Đoàn Luật sư Hà Nội cho rằng, việc áp dụng tình tiết giảm nhẹ như trên cho bị cáo là không chính xác vì số tiền 800 triệu đã không được tính vào tổng tiền chiếm đoạt thì việc trả nợ món này cũng không thể được coi là khắc phục hậu quả được.

Cần làm rõ trách nhiệm

Ngoài ra, bản án bỏ lọt tội phạm. Theo các bị hại trong vụ việc này, không chỉ có chị Thảo vay tiền mà còn có sự tham gia của anh Đào Văn Minh (chồng Thảo) và bà Nguyễn Thị Luyện. HĐXX đã không làm rõ vai trò của bà Luyện, anh Minh, đẩy hết trách nhiệm cho chị Thảo khiến các bị hại tay trắng không thể đòi được nợ khi chị Thảo đã vào tù.  

Đơn cử, tại giấy biên nhận vay tiền ngày 21/8/2008 có ghi đầy đủ bên vay là cả vợ, chồng Thảo, Minh với đầy đủ chữ ký của hai người này; bà Luyện ký với tư cách “người làm chứng nhận bảo lãnh”. Thế nhưng, quá trình điều tra không hề đưa những người này vào tham gia tố tụng  để làm rõ vai trò mà chỉ nêu: “Kết quả điều tra xác định, bà Luyện và anh Minh không được Thảo bàn bạc và không biết việc sau khi vay được tiền, Thảo đã chiếm đoạt tài sản. Do vậy chưa đủ cơ sở để xử lý trách nhiệm hình sự”.

Nhận định nói trên đã khiến các bị hại hết sức phẫn nộ.

Bà Nhân khẳng định: “Người đứng ra đặt vấn đề vay tôi là bà Luyện. Bà Luyện cũng hứa nếu cháu Thảo có đau ốm gì thì tôi sẽ lo trả thay cho cháu. Giấy biên nhận tiền ngày 21/8/2008 rõ ràng chữ ký bên vay, người chứng nhận bảo lãnh, chứng cứ rõ ràng như vậy mà HĐXX vẫn nói là không bàn bạc gì? .

Thử hỏi khi cho vay tiền tôi còn phải yêu cầu người ta làm những thủ tục gì nữa thì mới được pháp luật bảo vệ?. Giấy tờ ký nhận quá rõ ràng như vậy mà vẫn bảo là không bàn bạc thì công lý còn ở đâu nữa?”

Còn chị Đỗ Thị Phương cũng cho phóng viên biết: “Thực chất, ba mẹ con Thảo có sự bàn bạc, thống nhất từ lãi suất cho đến khi nhận tiền và cùng sử dụng khoản tiền vay vào kinh doanh. Chúng tôi ở gần nên thừa biết, Thảo là gái mới lớn, mới về nhà chồng không thể đứng ra vay khoản tiền lớn như vậy một mình nếu không có sự đồng ý của chồng, mẹ chồng.

Chúng tôi đã nhiều lần đề nghị với cơ quan điều tra và tại phiên sơ thẩm phải làm rõ trách nhiệm của những người này, truy tố họ để liên đới trách nhiệm bồi thường nhưng Tòa án đã thiên vị, bao che cho sai phạm”.

Rõ ràng, cơ quan xét xử cần làm rõ vai trò của những người “có mặt” trong giấy vay tiền, chứ không thể vin cớ “không được bàn bạc” để chối bỏ trách nhiệm, ảnh hưởng quyền lợi của các bị hại. Hiện các bị hại đã có đơn kháng cáo gửi TANDTC và VKSNDTC đề nghị xem xét hủy án sơ thẩm để điều tra lại, làm rõ trách nhiệm chồng và mẹ chồng bị cáo trong việc vay tiền của họ. Hy vọng, phiên tòa phúc thẩm sẽ đánh giá các chứng cứ khách quan, đúng người, đúng tội.

Hà Linh

Đọc thêm