Lữ đoàn Thông tin 603: Hiệu quả từ mô hình “Tổ tư vấn tâm lý, pháp lý”

(PLO) - “Dân chủ, cởi mở, mối quan hệ cấp trên với cấp dưới, cán bộ với chiến sĩ đoàn kết, gắn bó, gần gũi, yêu thương giúp đỡ nhau” là những điều mà chúng tôi nhận thấy khi đến công tác tại Tiểu đoàn 16 (Lữ đoàn Thông tin 603). 
Một buổi tư vấn tâm lý, pháp lý cho quân nhân ở Tiểu đoàn 16, Lữ đoàn Thông tin 603

Thiếu tá Nguyễn Xuân Ca - Chính trị viên phó Tiểu đoàn, Tổ trưởng Tổ tư vấn tâm lý, pháp lý - khoe: “Nhờ thực hiện có hiệu quả mô hình “Tổ tư vấn tâm lý, pháp lý” mà thời gian qua, nội bộ đơn vị luôn đoàn kết, thống nhất cao; quan hệ đồng chí, đồng đội thân thiết, cởi mở; những biểu hiện còn nông nổi của chiến sĩ trẻ đều sớm được phát hiện và khắc phục, chiến sĩ tin tưởng, gửi gắm, chia sẻ mọi vấn đề trong cuộc sống với cán bộ. Do vậy, nhiều năm liền đơn vị chúng tôi luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao”.

Gần gũi từng người

Cách đây không lâu, Binh nhất Nguyễn Trọng Chiến (Đại đội 3, Tiểu đoàn 16) có dấu hiệu chán nản, lo lắng, sống bó mình, ít tham gia các hoạt động vui chơi giải trí của đơn vị; mỗi khi đơn vị giao nhiệm vụ thì thiếu tập trung, lơ là, hiệu quả công việc không cao. Nhận thấy sự bất thường, cán bộ Tổ tư vấn đã tìm đến gặp gỡ thì được biết Chiến là con một nhưng vẫn viết đơn tình nguyện nhập ngũ; gần đây bố mẹ em lại bị ốm, không có ai chăm sóc, hoàn cảnh kinh tế gia đình cũng khó khăn. Chính vì vậy, Chiến luôn trong tình trạng băn khoăn, chán nản, nghĩ về gia đình.

Tổ tư vấn đã cử người thường xuyên gần gũi động viên, chia sẻ, giải thích cho Chiến hiểu, dù khó khăn thế nào cũng phải vượt qua, hoàn thành chức trách nhiệm vụ của người quân nhân; đồng thời tranh thủ giờ nghỉ tạo điều kiện cho Chiến mượn điện thoại gọi về động viên, hỏi thăm sức khỏe gia đình. Nhờ thế, anh đã an tâm tư tưởng, bắt đầu hòa nhập với đồng đội, tích cực tham gia các hoạt động và trở thành chiến sĩ điển hình trong các hoạt động, phong trào thi đua của đơn vị.

Binh nhất Nguyễn Trọng Chiến tâm sự: “Vào môi trường quân ngũ mọi thứ đều mới mẻ; biết tin mẹ bị ốm mà không chăm sóc được nên em lo lắng, chán nản, mất tập trung trong công việc. Nhờ sự quan tâm, động viên của cán bộ Tổ tư vấn, giờ em đã hiểu ra, yên tâm tư tưởng, sống mạnh mẽ, hòa nhập cùng đồng đội để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao”.

“Người bạn” chân thành

Đi vào hoạt động từ năm 2014, “Tổ tư vấn tâm lý, pháp lý” được thành lập từ cấp đại đội, tiểu đoàn bộ và cơ quan Lữ đoàn; mỗi tổ gồm 3-5 đồng chí đảm nhiệm vai trò “tư vấn”, giải đáp mọi thắc mắc của quân nhân. Các đồng chí được phân công làm nhiệm vụ tư vấn ngoài việc nắm chắc những nội dung cơ bản của Luật Nghĩa vụ quân sự, Luật Hôn nhân và Gia đình, Luật Giao thông; các chế độ quy định của quân đội, đơn vị… thì còn phải có phẩm chất đạo đức, lối sống trong sạch, giản dị, gần gũi; biết quan tâm, lắng nghe, chia sẻ; đồng thời biết giải quyết kịp thời mọi tình huống thực tiễn cuộc sống đặt ra.

Để tham mưu cho cấp ủy, chỉ huy các cấp có những biện pháp trong giải quyết các vấn đề tư tưởng, việc chấp hành pháp luật Nhà nước, kỷ luật Quân đội ở đơn vị. Thời gian qua, các “Tổ tư vấn tâm lý, pháp lý” của Lữ đoàn đã chủ động gần gũi, nắm bắt diễn biến tâm lý, tư tưởng của bộ đội thông qua nhiều kênh như: Giao tiếp, học tập, sinh hoạt ngày chính trị văn hóa tinh thần, ngày pháp luật, các hoạt động văn hóa, văn nghệ… Chủ yếu và tập trung nhất là vào các thời điểm nhạy cảm như ngày nghỉ, giờ nghỉ, lễ, tết, thực hiện các nhiệm vụ đột xuất, khó khăn.

Mặt khác, Tổ cũng thường xuyên liên hệ với cấp ủy chính quyền địa phương, nhân dân ở gần địa bàn đóng quân nắm tình hình, các mối quan hệ của cán bộ, chiến sĩ với nhân dân để có những biện pháp tuyên truyền giáo dục, giải quyết kịp thời các vấn đề nảy sinh trong công tác tư tưởng ở đơn vị.

Theo Trung tá Nguyễn Văn Tư - Chủ nhiệm Chính trị Lữ đoàn - sau 3 năm đi vào hoạt động “Tổ tư vấn tâm lý, pháp lý” đã góp phần nâng cao hiệu quả tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật ở đơn vị; xây dựng môi trường tập thể lành mạnh, đoàn kết thương yêu nhau. Mỗi khi cán bộ, chiến sĩ gặp những vấn đề khó xử đều có thể gặp trực tiếp thành viên Tổ tư vấn hoặc thông qua hòm thư góp ý, điện thoại “đường dây nóng” quân sự của cơ quan hoặc cá nhân từng đồng chí trong Tổ tư vấn; thời gian hoạt động của đường dây nóng 24/24h.

Tạo được niềm tin cho cán bộ, chiến sĩ, ngoài những trường hợp vướng mắc về sức khỏe, chuyện gia đình, tuổi trẻ, tình yêu... cũng có một số chiến sĩ tìm đến Tổ tư vấn để tìm hiểu về việc học nghề sau khi xuất ngũ hoặc bày tỏ nguyện vọng muốn thi vào các học viện, nhà trường trong quân đội. Bình quân mỗi tháng Tổ tiếp nhận và tư vấn cho khoảng 5-7 trường hợp. Sau mỗi lần được tư vấn, giải đáp mọi thắc mắc, hầu hết các quân nhân đều có sự chuyển biến tiến bộ rõ rệt trong nhận thức và hành động, kết quả hoàn thành các nhiệm vụ ở mức cao.

Nhờ có những chủ trương, biện pháp đúng đắn, sáng tạo trong công tác tư tưởng, nhất là việc phát huy có hiệu quả mô hình “Tổ tư vấn tâm lý, pháp lý” mà thời gian qua, tình hình vi phạm kỷ luật ở đơn vị giảm rõ rệt, có nhiều tiến bộ tích cực; cán bộ, chiến sĩ yên tâm công tác, nêu cao tinh thần trách nhiệm, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, bảo đảm cho “mạch máu” thông tin liên lạc luôn thông suốt… 

Đọc thêm