Lựa chọn giới tính khi sinh: Chấm dứt vấn nạn bằng công cụ pháp luật

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -Pháp luật nghiêm cấm hành vi lựa chọn giới tính thai nhi nhưng việc thực thi vào trong đời sống hàng ngày lại là vấn đề nan giải. Định kiến trọng nam khinh nữ trầm trọng đến nay vẫn đặt áp lực lên rất nhiều phụ nữ phải sinh bằng được con trai, thậm chí lựa chọn biện pháp phá thai khi biết giới tính trẻ, dẫn đến cơ hội sống của những bé gái vô tình bị tước đi ngay từ trong bụng mẹ cũng như khiến sức khỏe mẹ suy giảm.
Số trẻ trai được sinh ra ngày càng nhiều hơn so với trẻ gái. (Ảnh minh họa. Nguồn: Internet).
Số trẻ trai được sinh ra ngày càng nhiều hơn so với trẻ gái. (Ảnh minh họa. Nguồn: Internet).

Vì sao luật cấm nhưng vẫn bùng phát?

Pháp lệnh Dân số 2003, sửa đổi, bổ sung năm 2008, quy định rõ lựa chọn giới tính thai nhi dưới mọi hình thức là hành vi bị nghiêm cấm. Tuy nhiên, những hủ tục lạc hậu và quan niệm “trọng nam khinh nữ” như “con trai nối dõi tông đường”, “con trai lo toan trong nhà, chăm lo bố mẹ khi về già, hương khói tổ tiên”, “con gái lấy chồng, hết trách nhiệm với gia đình”, “không có con trai coi như tuyệt tự”,… đã khiến nhiều gia đình lựa chọn sinh bằng được con trai. Cùng với sự hỗ trợ của khoa học công nghệ, số trẻ trai được sinh ra ngày càng nhiều hơn so với trẻ gái, gây mất cân bằng giới tính.

Không chỉ ở nông thôn mà ngay cả thành thị cũng xuất hiện việc lựa chọn giới tính khi sinh, dẫn đến nhiều hệ luỵ lâu dài cho cả gia đình và xã hội. Trên thực tế, vì “nỗi đau đáu” không có con trai, nhiều ông chồng sẵn sàng cáu bẳn, chửi bới, đánh đập vợ con, thậm chí tuyên bố bỏ vợ để “kiếm” đứa con trai với người phụ nữ khác. Trước áp lực của gia đình, dòng họ, nhiều phụ nữ phải tìm đủ mọi cách để đẻ được con trai. Có người vợ dù tuổi đã cao nhưng vẫn bị ép sinh thêm con vì trước đó đẻ toàn con gái. Có người vợ tìm đến các phương pháp lựa chọn giới tính thai nhi trước khi mang thai như đi xem bói, tính ngày trứng rụng, uống thuốc. Thậm chí, khi đã “lỡ” mang thai con gái, bố mẹ sẵn sàng “chối bỏ” quyền được sống của con bằng cách lạm dụng sự can thiệp của khoa học hiện đại. Đáng buồn là có nhiều trường hợp họ vẫn quyết định phá thai khi tuổi thai đã lớn. Đối với xã hội, bạo lực gia đình, mất cân bằng giới tính, tệ nạn xã hội, hay thiếu hụt nguồn lao động nữ giới,… đều là những vấn đề nan giải tồn tại nhiều năm nay, mà nguồn cơn sâu xa có liên quan tới việc lựa chọn giới tính khi sinh.

Các chuyên gia nhân khẩu học đã phân tích số liệu Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 1999 và tiến hành các phân tích số liệu biến động dân cư hàng năm, phát hiện ra tỷ số giới tính khi sinh ở Việt Nam đang bắt đầu có xu hướng mất cân bằng từ khoảng 2 thập kỷ trước đây. Từ năm 2003, tỷ số giới tính khi sinh ở Việt Nam liên tục gia tăng. Năm 2019, tỷ số giới tính khi sinh ở Việt Nam là 111,5 bé trai trên 100 bé gái. Báo cáo Điều tra Dân số năm 2021 của Tổng cục thống kê cho biết, tỷ lệ giới tính của trẻ em mới sinh đạt 113,8 bé trai và 100 bé gái. Dự báo đến năm 2050, Việt Nam có nguy cơ dư thừa từ 2,3 - 4,3 triệu nam giới ở độ tuổi kết hôn mà không tìm được bạn đời.

Mặt khác, Báo cáo dân số thế giới năm 2020 của Quỹ Dân số Liên Hợp quốc (UNFPA) cũng đưa ra con số đang suy ngẫm, trung bình mỗi năm có khoảng 40.800 thai nhi gái ở Việt Nam không được chào đời từ việc lựa chọn giới tính thai nhi. Bên cạnh tỷ số chênh lệch giới tính khi sinh ở mức cao, Việt Nam cũng là một trong những quốc gia hiếm hoi trên thế giới có sự chênh lệch giới tính khi sinh ngay từ đứa con đầu tiên, tức là rất nhiều cặp vợ chồng đã nghĩ đến lựa chọn giới tính khi sinh ngay ở lần sinh đầu tiên.

Nhiều chuyên gia đã từng cảnh báo về việc lựa chọn giới tính khi sinh là một “hình thức bạo lực giới nghiêm trọng”. Biểu hiện như rất nhiều phụ nữ buộc phải mang thai hoặc phá thai nhiều lần để sinh được con trai. Bên cạnh những nguy cơ về mặt sức khoẻ sinh sản, bản thân người mẹ phải trải qua nhiều đau khổ và dằn vặt khi đưa ra quyết định và phải phá thai. Nhiều trường hợp còn gặp những biến chứng về sức khoẻ thể chất và tinh thần lâu dài.

Chấm dứt vấn nạn bằng công cụ pháp luật

Mất cân bằng giới tính đang ảnh hưởng sâu rộng đến xã hội. (Ảnh minh họa. Nguồn: tuyengiao.vn)

Mất cân bằng giới tính đang ảnh hưởng sâu rộng đến xã hội. (Ảnh minh họa. Nguồn: tuyengiao.vn)

Pháp luật đã quy định rõ việc nghiêm cấm và các hình thức xử phạt đối với các biện pháp lựa chọn giới tính thai nhi. Nghị định số 104/2003/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Pháp lệnh Dân số, nghiêm cấm: Tuyên truyền, phổ biến phương pháp tạo giới tính thai nhi; Chẩn đoán để lựa chọn giới tính thai nhi; Loại bỏ thai nhi vì lí do lựa chọn giới tính.

Nghị định 117/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực Y tế, cũng nêu rõ các chế tài xử phạt đối với các nhóm hành vi lựa chọn giới tính thai nhi. Đơn cử, nhóm vi phạm các quy định về tuyên truyền, phổ biến, tư vấn phương pháp để có được giới tính thai nhi theo ý muốn có mức phạt tiền cao nhất là 15 triệu đồng, chẳng hạn như tư vấn trực tiếp hoặc đưa lên mạng Internet xuất bản phẩm, bài viết có nội dung về phương pháp có được giới tính thai nhi theo ý muốn. Nhóm vi phạm các quy định về chẩn đoán, xác định giới tính thai nhi nhận mức phạt tiền tới 10 triệu đồng, cùng phạt bổ sung là tước quyền sử dụng giấy phép hoạt động, chứng chỉ hành nghề trong thời hạn từ 01 tháng đến 03 tháng. Đó là các hành vi bói toán để xác định giới tính thai nhi; bắt mạch, siêu âm hoặc xét nghiệm cho người đang mang thai để tiết lộ giới tính thai nhi, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

Nhóm vi phạm quy định về lựa chọn giới tính thai nhi có mức phạt tiền tới 20 triệu đồng, cùng với các hình thức xử phạt bổ sung, biện pháp khắc phục hậu quả tương ứng với mức độ, hành vi vi phạm. Đặc biệt, những người dùng hành vi đe dọa dùng vũ lực, uy hiếp tinh thần để ép buộc người khác phải áp dụng phương pháp để có được giới tính thai nhi theo ý muốn cũng có thể đối mặt với mức phạt từ 5 – 10 triệu đồng. Đây là một quy định cảnh tỉnh cho rất nhiều gia đình muốn ép buộc người phụ nữ phải sinh con trai.

Nhóm hành vi loại bỏ thai nhi vì lý do lựa chọn giới tính cũng nhận mức phạt tiền cao nhất tới 20 triệu đồng. Đáng chú ý, dù người mang thai không bị ép buộc phải loại bỏ thai nhi nhưng vì lý do lựa chọn giới tính, người mẹ vẫn phải đối mặt với sự “phán xử” của pháp luật. Nhóm vi phạm các quy định về cưỡng bức thực hiện kế hoạch hóa gia đình cũng có mức phạt tiền cao nhất tới 30 triệu đồng. Từ các hành vi như có lời nói hoặc hành động xúc phạm danh dự, nhân phẩm với người sinh toàn con gái đến các hành vi đe dọa, dùng vũ lực, uy hiếp để ép buộc người khác phải sinh thêm con khi họ đã sinh toàn con gái,… đều bị xử phạt nghiêm theo pháp luật.

Dù pháp luật nghiêm cấm lựa chọn giới tính thai nhi nhưng việc thực thi vào trong đời sống hàng ngày vô cùng gian nan. Thực tế, hầu hết các thai phụ đều biết giới tính đứa con trong bụng từ khá sớm, trong khi pháp luật quy định không được tiết lộ giới tính thai nhi. Với sự phát triển của y học hiện đại, nhất là trong các kỹ thuật siêu âm, việc xác định giới tính thai nhi từ sớm đã trở nên phổ biến. Nhiều phòng khám tư nhân còn tận dụng “lợi thế” là có thể tiết lộ giới tính thai nhi để thu hút các sản phụ. Nhiều bác sĩ không tiết lộ trực tiếp giới tính thai nhi mà “lách luật” qua cách nói “giống mẹ rồi”, “giống bố nhé”…

Mặt khác, trên các trang mạng Internet vẫn đầy rẫy, nhan nhản những thông tin quảng cáo, hướng dẫn cách ăn uống, tính ngày để sinh con trai theo ý muốn. Rõ ràng có cầu thì mới có cung, các cụm từ khoá như “làm thế nào để sinh con trai”, “sinh con trai theo ý muốn”,… nhận được lượt tìm kiếm “khủng” trên nền tảng Google với lần lượt là 510 triệu và 81,7 triệu kết quả chỉ trong khoảng 0,46 giây. Điều đó chứng tỏ “khao khát” sinh con trai vẫn là tâm lý của rất nhiều gia đình Việt Nam hiện nay.

Thực trạng trên đòi hỏi các cấp, các ngành cần triển khai nhiều giải pháp đồng bộ vừa cấp bách, vừa lâu dài. Đặc biệt, cần phải có những chế tài đủ mạnh, đủ sức răn đe để ngăn chặn hành vi lựa chọn giới tính thai nhi, mang lại cơ hội sống cho các thai nhi là bé gái. Hoạt động truyền thông cũng phải diễn ra mạnh mẽ hơn nhằm nâng cao nhận thức của người dân, xóa bỏ quan niệm hủ tục “trọng nam khinh nữ”, góp phần đề cao vai trò và vị thế của phụ nữ và trẻ em gái trong xã hội.

Nghị quyết số 21-NQ/TW về công tác dân số trong tình hình mới của Ban chấp hành Trung ương Đảng ngày 25/10/2017 chỉ đạo tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật về dân số gắn với xây dựng gia đình hạnh phúc. Đồng thời, rà soát, bổ sung các quy định của pháp luật về nghiêm cấm lựa chọn giới tính thai nhi; ngăn ngừa có hiệu quả việc lạm dụng khoa học - công nghệ để lựa chọn giới tính thai nhi; đẩy mạnh công tác bình đẳng giới, vì sự tiến bộ của phụ nữ.

Đọc thêm