Mắc sai phạm bị xử lý là chuyện đương nhiên, theo đúng tinh thần pháp luật nhưng cũng không khỏi đau xót cho những người thực sự có công trạng và cống hiến cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước. Song, đau xót hơn tất cả và nỗi đau này thuộc về nhân dân khi chứng kiến tài sản của quốc gia, tài nguyên của đất nước bị “xẻ thịt” và bán rẻ cho tư nhân mà không ai làm gì được.
Một ví dụ rất rõ ràng như việc thôn tính cảng Quy Nhơn (Bình Định) xảy ra trong một thời gian dài, gây nên sự bức xúc trong dư luận, Thanh tra Chính phủ đã có kết luận và đề nghị thu hồi. Một cái cảng lớn như vậy với đầy đủ các ý nghĩa về kinh tế, an ninh, quốc phòng, dân sinh mà còn bị bán rẻ theo các hình thức “lách luật” khác nhau và “thương vụ” này phải có sự tham gia, tiếp tay của những người có quyền lực tại địa phương và Trung ương thì mới có thể “thành công” được. Lửa “đốt lò” lần này hẳn sẽ soi sáng góc tối của các “thương vụ” tương tự và tài sản của Nhà nước phải được thu hồi. Niềm tin của nhân dân là ở chính chỗ này!
Một sự đau xót khác là chính những người lính từng hy sinh xương máu, giành giật từng tấc đất với kẻ địch thì giờ đây đem cái mà phải trả rất đắt đó để bán rẻ cùng với danh dự và lương tâm. Những sỹ quan quân đội bị “ngã ngựa” vì đất hẳn sẽ thấm thía điều này. Họ đã không bị ngã xuống trong cuộc chiến giành đất với kẻ thù nhưng lại bị ngã ngay trên mảnh đất đó với một tư thế không phải của người lính trận mà của một kẻ tham nhũng. Đó là đau xót thấm đẫm tâm can!
Những vụ tham nhũng lớn bị phanh phui cho thấy người được Nhà nước giao trọng trách bảo vệ và xây dựng, quản lý và điều hành lĩnh vực nào thì “ăn” ngay vào lĩnh vực đó. Trường hợp này “ứng” với cả những vụ “tham nhũng vặt” mới được phát hiện gần đây như một nữ Thiếu tá Công an ở Quảng Trị tham nhũng gần 1 tỷ đồng tiền “trang bị kỹ thuật”, cán bộ Hải quan biển thủ ngà voi giữ của bọn buôn lậu đem bán, cán bộ quản lý giáo dục “ăn chặn” tiền tài trợ cho học sinh nghèo,... Những vụ việc ấy không chỉ là vi phạm pháp luật mà còn xâm hại đạo lý làm người, hoen ố đạo đức nghề nghiệp.
Vì thế, “lửa lò đốt tham nhũng” càng cháy mạnh thì càng nhận được sự ủng hộ và cổ vũ từ người dân. Nỗi đau của nhân dân phải gánh chịu do tham nhũng gây ra lớn hơn rất nhiều sự đau xót phải xử lý những cán bộ “tay đã nhúng chàm”.