Đang là Giám đốc Sở Xây dựng Hà Tĩnh, ông Đặng Quốc Khánh nhận quyết định luân chuyển về làm Bí thư Huyện ủy huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh). Sau 3 năm ở huyện, ông Khánh được được bầu làm Phó Chủ tịch UBND tỉnh vào năm 2013 khi vừa tròn 37 tuổi.
“Mình vỡ ra nhiều điều và trưởng thành hơn lên”
Trao đổi với phóng viên về đợt đi luân chuyển vừa rồi, ông Đặng Quốc Khánh cho biết “mình vỡ ra nhiều điều và trưởng thành hơn lên”, nhất là trong cung cách lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện nhiệm vụ. “Ở bất cứ việc gì, dù khó khăn, phức tạp đều nên đi thẳng, đi sâu để nắm vững tình hình và gần dân, sát dân, hiểu dân thì sẽ giải quyết được hết”, ông Khánh bộc bạch.
Khi được đề nghị đóng góp kinh nghiệm để việc luân chuyển cán bộ có hiệu quả hơn, ông Khánh thẳng thắn đề nghị: “Khi đưa cán bộ đi luân chuyển, nên bố trí vào vị trí chủ chốt vì chỉ khi ở vị trí đứng đầu, cán bộ mới có đủ điều kiện khẳng định mình qua việc lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện nhiệm vụ; bộc lộ hết phẩm chất, năng lực cá nhân.”
Ông Khánh về làm Bí thư Huyện ủy Nghi Xuân đúng vào giai đoạn có nhiều khó khăn, vướng mắc trong việc giải phóng mặt bằng ở khu dich tích Đền Chợ Củi, dự án đường tránh quốc lộ 1 đoạn qua huyện Nghi Xuân và sân golf Xuân Thành… Đích thân Bí thư Huyện ủy đã đối thoại, giải tỏa những băn khoăn, thắc mắc, khiếu nại của dân và chỉ đạo các cơ quan liên quan giải quyết ngay tại chỗ những việc có thể được… Nếu không phải là người đứng đầu, chắc chắn không có được những quyết đáp đó.
Còn ông Trần Anh Tú, nguyên là Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Hà Tĩnh, đầu năm 2011 được luân chuyển về làm Chủ tịch UBND huyện Lộc Hà, cho biết, trong 3 năm qua đã làm được hai việc thật sự ích nước, lợi dân: Hỗ trợ ngư dân Lộc Hà đóng 30 tàu đánh bắt xa bờ, mỗi tàu 200 triệu; và giải quyết chế độ cho những cán bộ xã không đạt chuẩn để thay thế những người mới, trẻ và có trình độ, năng lực cao hơn mà không chờ tới khi hết nhiệm kỳ.
Luân chuyển kết hợp với thay thế cán bộ yếu kém
Tổng Công ty (TCT) Thương mại Sài Gòn (SATRA) là một doanh nghiệp lớn của TP.HCM luôn sản xuất, kinh doanh có hiệu quả. Nhiều năm qua, công tác xây dựng Đảng luôn được Đảng bộ SATRA chú trọng, gắn công tác cán bộ với việc sắp xếp và cơ cấu lại hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Tại đây đã có cách làm hay trong công tác luân chuyển cán bộ: Luân chuyển kết hợp với thay thế, xử lý cán bộ yếu kém ở các đơn vị thành viên.
Ông Trần Ngọc Minh, Phó Bí thư thường trực Đảng ủy TCT, cho biết, từ nhiều năm nay, Đảng ủy TCT tập trung quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ trẻ là những sinh viên mới ra trường có trình độ chuyên môn, năng lực tác nghiệp cao đưa vào đội ngũ kế cận.
Khi một số đơn vị thành viên của TCT làm ăn thua lỗ, thậm chí có đơn vị cả Ban Giám đốc bị khởi tố do làm thất thoát vốn hàng trăm tỷ đồng, Đảng ủy, Ban Tổng Giám đốc TCT liền luân chuyển một số cán bộ trẻ về tham gia lãnh đạo điều hành, góp sức cùng doanh nghiệp duy trì, phát triển sản xuất và làm ăn có lãi.
Ở quận Thủ Đức (TP.HCM) cũng vậy, có thời kỳ người dân rất bức xúc trước sự chậm trễ trong việc đền bù giải tỏa các dự án kênh Ba Bò (phường Bình Chiểu), dự án cầu vượt Gò Dưa (phường Tam Bình), dự án đường vành đai Tân Sơn Nhất – Bình Lợi (phường Hiệp Bình Chánh)… Ban Thường vụ Quận ủy đã làm rõ, xác định nguyên nhân chính là do lãnh đạo chính quyền thiếu kiên quyết.
Ngay sau đó, Ban Thường vụ Quận ủy quyết định điều chuyển, bố trí lại cán bộ ở các phường này bằng cách luân chuyển, bố trí cán bộ không là người địa phương vào các vị trí chủ chốt. Chỉ sau một thời gian ngắn, toàn bộ các hộ dân bị ảnh hưởng từ các dự án đều được đền bù giải tỏa.
Có thể thấy việc luân chuyển cán bộ nếu biết kết hợp chặt chẽ với việc thay thế những cán bộ trình độ hạn chế, năng lực yếu thì sẽ đạt được hiệu quả về nhiều mặt là vừa có môi trường để đào tạo, thử thách cán bộ luân chuyển vừa nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ lãnh đạo sở tại, khắc phục những yếu kém trong lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện nhiệm vụ, tạo đà phát triển kinh tế-xã hội ở những nơi đó.
Vướng mắc cần tháo gỡ
Sau hơn 10 năm thực hiện Nghị quyết số 11 của Bộ Chính trị, một số mặt hạn chế trong luân chuyển đã được nêu - luân chuyển chưa dựa trên cơ sở quy hoạch, kế hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng cán bộ; mới chỉ nhằm đáp ứng yêu cầu cấp bách hoặc có cán bộ khi nhận quyết định luân chuyển còn suy tính cá nhân hoặc ngại khó, ngại khổ mà chưa thật sự tự giác, tự nguyện nhận nhiệm vụ mới; có nơi luân chuyển cán bộ về thì cho rằng cấp trên thiếu tin tưởng cán bộ tại chỗ; cũng có cán bộ lãnh đạo lợi dụng việc luân chuyển để đưa ra khỏi cơ quan, cấp ủy những người không hợp với mình - đã được khắc phục. Cán bộ đi luân chuyển thời gian qua đã có những đóng góp nhất định cho nơi đến nên các địa phương thấy có lợi ích thiết thực mà không còn hiện tượng viện lý do để từ chối tiếp nhận cán bộ luân chuyển.
Tuy nhiên, việc luân chuyển cán bộ hiện còn một số hạn chế chưa khắc phục được liên quan đến động cơ, lợi ích cá nhân: việc luân chuyển từ các cơ quan quản lý nhà nước sang các cơ quan Đảng, MTTQ, đoàn thể gặp nhiều khó khăn. Ở Hà Tĩnh, trong 10 năm qua mới chỉ luân chuyển được 64 người trong tổng số hơn một nghìn cán bộ luân chuyển. Ở Thái Nguyên, từ đầu nhiệm kỳ đến nay chưa có trường hợp nào. Còn ở TP.HCM, việc luân chuyển chưa đồng bộ giữa các ngành, các cấp, trong cùng một đơn vị và giữa các lĩnh vực; số lượng cán bộ được luân chuyển, nhất là cán bộ từ các cơ quan quản lý nhà nước sang các cơ quan Đảng, MTTQ, đoàn thể chính trị - xã hội còn ít.
Tìm hiểu thêm ở các địa phương trên thì thấy, việc luân chuyển cán bộ mới chỉ làm tốt khâu từ trên xuống và chỉ ở phân khúc từ tỉnh, thành phố xuống quận, huyện; còn từ quận xuống phường, đặc biệt là từ huyện xuống xã thật sự chưa tốt do định biên của cán bộ, công chức cấp xã đã được cơ cấu “cứng” nên không còn chỗ để tiếp nhận cán bộ luân chuyển.
Bên cạnh đó, ở các địa phương vẫn còn tình trạng chưa phân biệt rõ giữa cán bộ luân chuyển và cán bộ đưa đi theo diện điều động, tăng cường; hoặc đưa đi theo diện luân chuyển, ghi rõ ngày đi mà không ghi rõ ngày về dẫn đến khó khăn trong bố trí chỗ làm khi quay về. Vì thế, để công tác luân chuyển cán bộ thành công hơn, rất cần phải có biện pháp tháo gỡ.