"Mổ xẻ" dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi) tại Hội nghị sáng nay, 10/4, các đại biểu Quốc hội chuyên trách đều cho rằng không nên qui định trách nhiệm của công chứng viên đối với nội dung bản dịch.
Ủy ban thường vụ Quốc hội cho rằng việc quy định trách nhiệm của công chứng viên đối với bản dịch nhằm nâng cao chất lượng của hoạt động công chứng, dịch thuật, đồng thời bảo đảm tốt hơn cho người dân trong việc lựa chọn và tiếp cận dịch vụ chứng nhận bản dịch.Theo đó, bổ sung vào dự thảo Luật quy định công chứng viên chịu trách nhiệm trước người yêu cầu dịch về tính chính xác của nội dung bản dịch và chứng nhận nội dung bản dịch không vi phạm pháp luật, không trái đạo đức xã hội (khoản 1 Điều 62) nhằm đề cao trách nhiệm của công chứng viên trong hoạt động này. Để có thể kiểm soát chất lượng bản dịch, công chứng viên hoặc tổ chức hành nghề công chứng cần lựa chọn cộng tác viên dịch thuật bảo đảm về uy tín, trình độ, đồng thời cộng tác viên dịch thuật phải chịu trách nhiệm đối với công chứng viên về tính chính xác của nội dung dịch theo quy định của pháp luật về dân sự.
Quy định công chứng viên phải chịu trách nhiệm về bản dịch khiến nhiều công chứng viên "sợ"? |
Tuy nhiên, theo nhiều đại biểu, trong điều kiện số công chứng viên có khả năng chịu trách nhiệm về nội dung bản dịch là rất ít, hơn nữa với sự đa dạng trong cách hiểu và dịch, quy định công chứng viên thực hiện công chứng và chịu trách nhiệm về tính hợp pháp của giấy tờ được dịch khó bảo đảm tính khả thi, đặc biệt là trong các trường hợp các giấy tờ được dịch lại không do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam ban hành. Nên để bảo đảm chất lượng của bản dịch, thì cần có quy định để quản lý tốt hơn các cá nhân, tổ chức thực hiện công việc dịch thuật và ràng buộc trách nhiệm pháp lý đối với những người này.
Đại biểu Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng) cho rằng, qui định công chứng viên chịu trách nhiệm về nội dung bản dịch không khác gì “người mù chứng thực cho người biết” vì đa số công chứng viên chưa đủ trình độ ngoại ngữ để chịu trách nhiệm được về nội dung bản dịch. Hơn nữa cũng không thể bắt công chứng viên chịu trách nhiệm về nội dung họ không dịch.
Khảo sát tại một số địa phương cho thấy, công chứng viên không thể chịu trách nhiệm về nội dung bản dịch, mà chỉ có thể chịu trách nhiệm về phần tiếng Việt trong văn bản. Nên "nếu qui định công chứng viên phải chịu trách nhiệm về nội dung bản dịch là bất khả thi ngay trên văn bản" - Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương (ủy ban Pháp luật của Quốc hội) khẳng định.
Dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi) sẽ được Quốc hội xem xét thông qua tại kỳ họp thứ 7 (tháng 5/2014) và được hy vọng là sẽ khắc phục được những vấn đề đang "cản trở" sự phát triển của hoạt động công chứng theo hướng xã hội hóa. Tuy nhiên, đại biểu Trần Du Lịch (TP.HCM) lưu ý cơ quan soạn thảo (Bộ Tư pháp) phải đảm bảo cho Luật "có sức sống vài chục năm theo tinh thần việc gì của xã hội nên trả về xã hội"./.