Điều đáng nói ở đây là Mansur bị tấn công khi đang ở trên lãnh thổ Pakistan. Mansur sử dụng hộ chiếu giả và đang trên đường từ Iran qua Pakistan về Afghanistan. Có nghĩa là Mỹ tiến hành hoạt động quân sự trên lãnh thổ Pakistan mà phía Pakistan không được thông báo hay xin phép trước. Có nghĩa là Mỹ vi phạm chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Pakistan.
Cuộc không kích của Mỹ nhằm vào thủ lĩnh Taliban Mansur không phải lần đầu tiên Mỹ bất chấp chủ quyền của Pakistan như thế. Nổi tiếng còn hơn nhiều là vụ việc Mỹ lần dò truy tìm ra được hang ổ của Osama bin Laden, thủ lĩnh của mạng lưới khủng bố quốc tế al-Qaeda, cũng trên lãnh thổ Pakistan, tiến hành chiến dịch quân sự bí mật tiêu diệt Osama bin Laden mà cũng chẳng xin phép, chẳng hợp tác hay thông báo gì cho Pakistan.
Chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của quốc gia như Pakistan được luật pháp quốc gia và quốc tế công nhận. Mỹ cũng không phủ nhận điều này. Đi cùng với sự công nhận này là sự tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của quốc gia.
Thông thường, tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của quốc gia là nguyên tắc và nền tảng của quan hệ quốc tế và quan hệ ngoại giao giữa các quốc gia.
Mỹ và Pakistan có mối quan hệ rất đặc biệt. Vì lợi ích chính trị an ninh và địa chiến lược ở khu vực Nam Á mà Mỹ coi Pakistan như một đồng minh chiến lược thực thụ, bất chấp ở nước này chưa có ổn định xã hội và an ninh chính trị, bất kể chính phủ Pakistan nhiều khi lá mặt lá trái với Mỹ trong chuyện chống khủng bố quốc tế, đối phó với những lực lượng Hồi giáo cực đoan và Taliban.
Không có sự hậu thuẫn quân sự và tài chính ồ ạt của Mỹ, giới quân sự Pakistan không thể mạnh cả về quân sự lẫn chính trị quyền lực đến như thế ở Pakistan. Lẽ ra, vì mối quan hệ đặc biệt này mà Mỹ lại càng phải tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Pakistan.
Nhưng cứ theo cách hành xử của Mỹ cho đến nay thì luật này vẫn được Mỹ công nhận, nhưng bị Mỹ bất chấp và chuyện này đã thường xuyên đến mức cũng như mang tính nguyên tắc đối với Mỹ đến mức đã trở thành cái lệ. Kể từ khi phát động cuộc chiến tranh lật đổ chính thể của Taliban ở Afghanistan năm 2001 đến tận ngày nay, tức là sau khi Mỹ tuyên bố chính thức kết thúc cuộc chiến tranh ấy đã nhiều năm, Mỹ vẫn tiến hành các chiến dịch quân sự ở Pakistan như ở nơi không có chủ.
Trước hết bởi vì Mỹ không hoàn toàn tin tưởng Pakistan mà một khi đã không thật sự tin tưởng nhau thì không thể hợp tác và phối hợp hành động với nhau. Phía Pakistan thật ra cũng chẳng khôn khéo nhiều nên Mỹ mới dễ dàng có bằng chứng về việc không thể hoàn toàn thực sự tin tưởng Pakistan.
Sau đó phải kể đến nguyên nhân hai bên có lợi ích khác nhau trong việc thực thi những chiến dịch quân sự. Pakistan không có chủ ý và lợi ích với việc tìm và diệt thủ lĩnh Taliban như Mỹ trong khi truy tìm và thủ tiêu những nhân vật trùm sò như thế là chiến lược của Mỹ và được Mỹ kiên định theo đuổi từ nhiều năm nay. Mỹ sợ rằng nếu không hành động một mình mà báo trước hay xin phép phía Pakistan trước thì sẽ không thể đạt được kết quả như mong muốn.
Cuối cùng phải kể đến một bản chất khác nữa của cái lệ bất chấp luật pháp là ỷ mạnh và cường quyền. Mỹ bất chấp chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Pakistan mà nước này chẳng làm gì được Mỹ.
Pakistan gần như chẳng có con chủ bài đắt giá nào trong tay để có thể trả đũa hay gây áp lực đối với Mỹ, lại không có đủ khả năng và trình độ về tình báo, quân sự và quốc phòng để phát hiện và ngăn cản hoạt động quân sự của Mỹ…/.