Hạn mức sử dụng đất nông nghiệp được hiểu là diện tích đất nông nghiệp tối đa mà người sử dụng đất được sử dụng theo quy định của pháp luật đất đai.
Hiện nay, hạn mức đất nông nghiệp có 2 loại, gồm: Hạn mức giao đất nông nghiệp và hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp.
Khoản 1 điều 177 Luật Đất đai sửa đổi nâng hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất (QSDĐ) nông nghiệp của cá nhân không quá 15 lần hạn mức giao đất nông nghiệp của cá nhân đối với mỗi loại đất.
Trong khi đó, Luật Đất đai năm 2013 quy định hạn mức nhận chuyển QSDĐ nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân không quá 10 lần hạn mức giao đất đối với mỗi loại đất.
Đặc biệt, luật bổ sung hai quy định mới, nêu rõ các nguyên tắc “tập trung đất nông nghiệp” (Điều 192) và “tích tụ đất nông nghiệp” (Điều 193).
Theo Luật Đất đai sửa đổi, tập trung đất nông nghiệp là việc tăng diện tích đất nông nghiệp để tổ chức sản xuất thông qua ba phương thức: Chuyển đổi QSDĐ nông nghiệp theo phương án dồn điền, đổi thửa; thuê QSDĐ và hợp tác sản xuất, kinh doanh bằng QSDĐ.
Còn tích tụ đất nông nghiệp được thực hiện thông qua hai phương thức: Nhận chuyển nhượng QSDĐ nông nghiệp và nhận góp vốn bằng QSDĐ nông nghiệp.
Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) đánh giá các quy định trên sẽ tạo điều kiện để nông nghiệp phát triển nhanh, bền vững, hiệu quả, bảo đảm vững chắc an ninh lương thực quốc gia và quy mô sản xuất hàng hóa nông sản ngày càng lớn nhằm thực hiện mục tiêu đến năm 2030 phát triển 1 triệu ha đất chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải ròng bằng 0 (net zero) tại ĐBSCL.
Qua đó, Luật Đất đai sửa đổi sẽ tác động tích cực đến cả nền kinh tế và thị trường bất động sản trong quá trình đô thị hóa và phát triển các khu dân cư nông thôn, làm tăng nhu cầu tạo lập nhà ở của người dân nông thôn, nhất là các nông dân tỷ phú.
Kiểm soát chặt đất của doanh nghiệp nhà nước thoái vốn
Nhằm khắc phục những bất cập trong việc chuyển mục đích sử dụng đất tại các địa phương những năm qua, Luật Đất đai sửa đổi kiểm soát vấn đề này ngay từ bước quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất thông qua quy định nội dung quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp huyện phải xác định cụ thể diện tích đất được phép chuyển mục đích sử dụng đất, trong đó có diện tích đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng, đất rừng sản xuất được phép chuyển mục đích.
Luật cũng kiểm soát chặt chẽ thông qua quy định, quyết định cho phép chuyển mục đích sử dụng đất phải căn cứ vào quyết định chủ trương đầu tư, kết quả đấu giá quyền sử dụng đất, kết quả đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án.
Ngoài ra, Luật Đất đai (sửa đổi) quy định cụ thể điều kiện, thẩm quyền cho phép chuyển mục đích sử dụng đất. Trong đó, phân cấp toàn bộ thẩm quyền chấp thuận việc chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng, đất rừng sản xuất là rừng tự nhiên cho HĐND cấp tỉnh.
Với hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất mà có nhu cầu chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp trong khu dân cư, đất nông nghiệp trong cùng thửa đất có đất ở sang đất ở hoặc chuyển mục đích sử dụng các loại đất phi nông nghiệp... thì phải căn cứ vào quy hoạch sử dụng đất cấp huyện đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt để cho phép chuyển mục đích sử dụng đất mà không căn cứ vào kế hoạch sử dụng đất hằng năm của cấp huyện.
Đặc biệt, nhằm tránh tình trạng “hô biến” đất công thành đất tư, Luật Đất đai đã thể chế nội dung về tăng cường công tác quản lý, kiểm soát chặt chẽ việc chuyển mục đích sử dụng đất đối với đất của các doanh nghiệp nhà nước thoái vốn với nhiều quy định cụ thể trong các điều luật liên quan đến chuyển mục đích sử dụng đất.
Ngày 18/1/2024, Luật Đất đai (sửa đổi) được Quốc hội khoá XV thông qua với 16 chương và 260 điều; nhiều hơn 2 chương, 48 điều so với Luật Đất đai năm 2013, có hiệu lực từ ngày 1/1/2025, trừ quy định về hoạt động lấn biển, việc lập, phê duyệt quy hoạch sử dụng đất (SDĐ) và nội dung sửa đổi Luật Lâm nghiệp.