Thách thức lớn về công tác cán bộ
Ngày 15/1/2015, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 59/QĐ-TTg ban hành Kế hoạch triển khai thi hành Luật Hộ tịch, trong đó giao thời hạn cụ thể cho các Bộ, ngành, địa phương tiến hành rà soát đội ngũ công chức làm công tác hộ tịch tại địa phương, đội ngũ viên chức ngoại giao, viên chức lãnh sự làm công tác hộ tịch tại các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài.
Tổng hợp kết quả báo cáo, phản ánh của các địa phương trong cả nước cho thấy, trong năm 2014, đội ngũ công chức tư pháp - hộ tịch tiếp tục được củng cố, kiện toàn cả về chất lượng và số lượng. Cụ thể, về số lượng, đến hết tháng 10/2014, cả nước đã có 17.252 công chức tư pháp - hộ tịch cấp xã (tăng 473 cán bộ so với năm 2013), trong đó 48,9% đơn vị cấp xã đã có từ 2 công chức tư pháp - hộ tịch trở lên hoặc đã bố trí cán bộ hợp đồng để hỗ trợ thực hiện công tác tư pháp tại cấp xã (tăng 1,6% so với cùng kỳ năm 2013). Tuy nhiên, so với yêu cầu, cả nước còn trên 50% số xã, phường, thị trấn chưa bố trí được 2 công chức tư pháp - hộ tịch.
Về chất lượng, tỷ lệ công chức tư pháp - hộ tịch cấp xã có trình độ trung cấp (nói chung) chiếm 96,5% (tăng 1,1% so với năm 2013), trong đó có 78,3% tổng số cán bộ tư pháp - hộ tịch cấp xã đã có trình độ trung cấp luật trở lên (tăng 2,8% so với năm 2013). Như vậy, sơ bộ so với yêu cầu của Luật Hộ tịch, thì còn trên 22% công chức tư pháp – hộ tịch cấp xã (gần 4.000 người) cần được đào tạo trình độ trung cấp luật.
Về đội ngũ công chức làm công tác hộ tịch cấp huyện, hiện có 3.150 công chức làm công tác hộ tịch tại Phòng Tư pháp của 704 đơn vị cấp huyện trên cả nước (trung bình 4,47 người/1 Phòng Tư pháp). Tuy nhiên, xuất phát từ sự phân bố dân cư, nhu cầu công việc và tình hình cụ thể tại mỗi địa phương nên sự phân bổ biên chế tại các Phòng Tư pháp thuộc các tỉnh, thành phố rất không đồng đều: nhiều Phòng Tư pháp tại các tỉnh Cao Bằng, Bắc Kạn, Yên Bái, An Giang, Sóc Trăng...) chỉ có 2 biên chế, nhưng tại TP.HCM lại có từ 8-14 biên chế/Phòng Tư pháp (Phòng Tư pháp quận 1 TP.HCM có tới 14 biên chế).
Về chất lượng, hiện có 2.455/3.150 công chức làm công tác hộ tịch cấp huyện có trình độ đại học luật trở lên (chiếm tỷ lệ gần 78%). Như vậy còn tới 700 người (tức 22%) trên tổng cán bộ công chức làm công tác hộ tịch cấp huyện hiện nay chưa đạt tiêu chuẩn, trình độ (đại học luật) theo quy định của Luật Hộ tịch. Nếu sau Đại hội các cấp tại các địa phương, số cán bộ này tiếp tục được giữ lại làm công tác hộ tịch tại Phòng Tư pháp thì các địa phương cần có kế hoạch, lộ trình cụ thể để đưa đi đào tạo đại học luật, bảo đảm đủ tiêu chuẩn trước 01/01/2020.
Theo nhận định của Vụ Tổ chức cán bộ, Bộ Tư pháp: “Đây là thách thức không nhỏ đối với toàn ngành trong việc bảo đảm nguồn nhân lực đáp ứng đủ tiêu chuẩn để triển khai thi hành tốt Luật Hộ tịch”.
Kiện toàn đội ngũ cán bộ theo hướng nào?
Vụ Tổ chức cán bộ, Bộ Tư pháp cho biết, căn cứ Quyết định số 1374/QĐ-TTg ngày 12/8/2011 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức giai đoạn 2011-2015, Bộ Tư pháp đã ban hành Quyết định số 359/QĐ-BTP ngày 06/3/2012 về việc phê duyệt Đề án Quy hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức ngành Tư pháp giai đoạn 2011-2015, trong đó đối tượng công chức tư pháp - hộ tịch cấp xã thuộc lĩnh vực chuyên môn Bộ Tư pháp có trách nhiệm bồi dưỡng.
Theo Đề án nêu trên, mục tiêu đào tạo, bồi dưỡng đặt ra đến năm 2015 sẽ có 90% cán bộ cấp xã có trình độ chuyên môn theo tiêu chuẩn quy định; 95% công chức cấp xã vùng đô thị, vùng đồng bằng; 90% công chức cấp xã vùng núi có trình độ trung cấp chuyên môn trở lên; hỗ trợ chế độ bồi dưỡng bắt buộc tối thiểu hàng năm đối với công chức cấp xã theo quy định.
Kết quả năm 2014, Bộ Tư pháp tổ chức mở 05 lớp bồi dưỡng dành cho 334 công chức tư pháp - hộ tịch cấp xã theo Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP ngày 27/12/2008 của Chính phủ về “Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 61 huyện nghèo” tại 05 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (Hà Giang, Cao Bằng, Phú Thọ, Yên Bái, Kon Tum). Bộ Tư pháp cũng đã phối hợp với Bộ Nội vụ biên soạn Tài liệu bồi dưỡng công chức tư pháp - hộ tịch phường, thị trấn…
Tuy nhiên, Vụ Tổ chức cán bộ cũng thẳng thắn nhìn nhận: căn cứ chỉ tiêu tại Đề án nêu trên, với kết quả thống kê về số lượng, chất lượng công chức tư pháp – hộ tịch cấp xã thì đến nay, rõ ràng là chưa đạt so với yêu cầu. Do đó, để công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ công chức tư pháp - hộ tịch cấp xã đáp ứng tiêu chuẩn theo quy định của Luật Hộ tịch, Bộ Tư pháp đề nghị các địa phương cần tách bạch rõ công tác đào tạo chuyên môn và bồi dưỡng nghiệp vụ để có kế hoạch, lộ trình đào tạo, bồi dưỡng cụ thể cho giai đoạn 5 năm (2016-2020) và các năm tiếp theo.
Theo đó, mỗi địa phương cần có chiến lược, quy hoạch để xác định sử dụng công chức tư pháp - hộ tịch lâu dài, bảo đảm tính chuyên nghiệp, từ đó xác định rõ nhu cầu đào tạo, bồi dưỡng. Đối với công chức làm công tác hộ tịch tại UBND cấp huyện, các địa phương cũng cần xác định giai đoạn 2016 - 2020 là giai đoạn chuyển tiếp để công chức làm công tác hộ tịch cấp huyện, nếu thiếu tiêu chuẩn thì phải được đào tạo để bảo đảm đáp ứng yêu cầu.
Đối với cán bộ làm công tác hộ tịch tại cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Tư pháp đang đề nghị Bộ Ngoại giao phối hợp lập kế hoạch, trong đó xác định rõ đối tượng, nội dung chương trình, thời gian bồi dưỡng cho số cán bộ này trước khi nhận nhiệm vụ để bảo đảm thực hiện đăng ký, quản lý hộ tịch của công dân Việt Nam ở nước ngoài theo đúng quy định của Luật Hộ tịch.
Nếu việc kiện toàn đội ngũ cán bộ làm công tác hộ tịch được triển khai một cách quyết liệt và hiệu quả, tin rằng những quy định mang tính đột phá của Luật Hộ tịch sẽ sớm phát huy tính ưu việc trong cuộc sống./.