Liên quan hoạt động XK nông sản sang Trung Quốc, hôm qua, 3/3, Bộ Tài chính cho biết, Bộ (Tổng cục Hải quan) đã chỉ đạo, triển khai các biện pháp rà soát, đánh giá việc thực hiện quy trình thủ tục tại các Chi cục Hải quan cửa khẩu, thực hiện các biện pháp kiểm soát nội ngành, bảo vệ chính trị nội bộ như: Yêu cầu các đơn vị thuộc và trực thuộc tăng cường hơn nữa công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện kỷ luật, kỷ cương trong khi thi hành công vụ của công chức hải quan; nâng cao công tác bảo vệ chính trị nội bộ.
Cùng với đó, đảm bảo công chức hải quan không thực hiện, tiếp tay, bảo kê cho hành vi tham nhũng, tiêu cực, phiền hà, sách nhiễu, vi phạm pháp luật; tiếp tục triển khai các giải pháp hỗ trợ, đồng hành cùng DN xuất nhập khẩu (XNK) nói chung và DN XK nông sản nói riêng, quan tâm các giải pháp tránh ách tắc hàng hóa tại cửa khẩu, đảm bảo công tác quản lý hải quan.
Bộ Tài chính cũng cho rằng, trong công tác quản lý hàng nông sản XK tại các cửa khẩu, việc thực hiện quản lý phương tiện vận tải hàng hóa XK nông sản sang Trung Quốc có sự tham gia trực tiếp của nhiều lực lượng: Ban Quản lý cửa khẩu, Biên phòng, Hải quan,…
Việc sắp xếp thứ tự các phương tiện vận tải chuyên chở hàng nông sản XK trong khu vực cửa khẩu là do lực lượng Biên phòng và Ban quản lý của cửa khẩu thực hiện, Cơ quan Hải quan chỉ thực hiện công tác đăng ký tờ khai, thực hiện giám sát hàng hóa XK, DN chỉ nộp duy nhất 1 khoản tiền lệ phí hải quan theo quy định của pháp luật do Kho bạc nhà nước thu (20.000 đồng/tờ khai). Theo phân luồng làm thủ tục Hải quan, trên cơ sở các biện pháp quản lý rủi ro trong nghiệp vụ của Hải quan thì hầu hết các lô hàng nông sản XK đều thuộc luồng xanh, không phải kiểm tra thực tế hàng hóa.
Mặt khác, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, công chức hải quan phải thực hiện các biện pháp phòng, chống Covid-19 trong khu vực cửa khẩu nên công chức hải quan không tiếp xúc, làm việc trực tiếp với lái xe mà thực hiện thủ tục hải quan với người khai hải quan.
“Qua rà soát, đến thời điểm hiện tại, các Chi cục Hải quan tại các cửa khẩu đã thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ theo quy định, không có việc chỉ đạo, tiếp tay của lãnh đạo, công chức hải quan cho các hoạt động “luật ngầm”, chưa phát hiện có dấu hiệu bảo kê, tiêu cực trong việc xếp “lốt”, chi cho “nhà luật” để được xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc qua các cửa khẩu..” - đại diện Bộ Tài chính khẳng định.
Cũng theo Bộ Tài chính để tháo gỡ khó khăn cho hoạt động thông quan hàng hóa tại cửa khẩu biên giới phía Bắc, Tổng cục Hải quan đã có công văn gửi các Bộ: Công Thương, NN&PTNT; Ngoại giao và UBND các tỉnh có cửa khẩu giáp phía Trung Quốc đề nghị phối hợp triển khai một số giải pháp cụ thể. Đồng thời, Tổng cục Hải quan cũng có một loạt công văn chỉ đạo các đơn vị Hải quan các tỉnh biên giới phía Bắc thực hiện một số biện pháp để thúc đẩy thông quan nhanh; giải quyết các vướng mắc phát sinh, tạo điều kiện cho các DN được bảo quản hàng hóa thuận lợi, đặc biệt là hàng hoa quả tươi, thủy hải sản đông lạnh; thực hiện thủ tục hải quan 24/7…
Mặt khác, nhằm giảm tình trạng ùn tắc, tháo gỡ khó khăn cho các DN, tạo điều kiện cho hàng hóa XNK được giao thương thuận lợi qua các cửa khẩu đường bộ, bên cạnh phương án do các Bộ, ngành liên quan đang thực hiện, Tổng cục Hải quan đã chủ động nghiên cứu xây dựng giải pháp hỗ trợ, cảnh báo thông tin ùn tắc của phương tiện và hàng hóa tại các cửa khẩu đường bộ thông qua Cổng thông tin một cửa quốc gia.
Từ ngày 27/1/2022, Chức năng cảnh báo chống ùn tắc đã được Tổng cục Hải quan chính thức triển khai trên Cổng thông tin một cửa quốc gia, DN vận tải, XNK và các cơ quan liên quan có thể tra cứu lưu lượng phương tiện tại cửa khẩu; qua đó đưa ra phương án điều tiết, điều chỉnh kế hoạch vận chuyển hàng hóa phù hợp với tình hình thực tế.