Luật pháp bị "nhờn” tại Tiền Hải (Thái Bình)?

(PLO) -  Trong khi máy xúc của ông Hòa và anh Hoản đang hoạt động thì bị một nhóm người chiếm giữ. Đã 14 tháng trôi qua, chiếc máy xúc đang bị xuống cấp theo thời gian trong khi ông Hòa phải đi thuê máy để thực hiện những hợp đồng đã ký kết. Nhân dân địa phương hết sức bất bình và đặt câu hỏi: Phải chăng luật pháp đã bị “nhờn”?
Hình chỉ mang tính minh họa
Hình chỉ mang tính minh họa
Kẻ cưỡng đoạt tài sản vô can
Cách đây ít năm, vợ chồng ông Ngô Đức Hòa và vợ chồng anh Đặng Văn Hoản mua chung chiếc máy xúc Komatsu trị giá gần 500 triệu đồng và giao cho anh Hoản cùng anh Tô Văn Du thay nhau điều khiển. Sáng 18/9/2011, anh Du điều khiển máy đang đào xúc đất ở xã Nam Cường ( huyện Tiền Hải) thì bị khoảng 10 người do ông Trần Mạnh Nhân và Đặng Văn Sáng cầm đầu kéo đến uy hiếp bắt đưa máy lên bờ,  khống chế không cho anh Du gọi điện thoại và bắt anh phải làm theo những yêu cầu của họ. 
Một lúc sau họ gọi người đến lái máy xúc đem đi. Sau khi biết máy xúc của mình bị nhóm người này bắt giữ, ông Hòa gặp họ để đòi máy. Tuy nhiên, nhóm này nói lý do bắt giữ máy là vì chị Đào Thị Hòa (vợ anh Hoản) vay và nợ tiền phường hụi của ông Nhân, ông Sáng nên họ bắt giữ máy để trừ nợ. 
Đòi máy không được, ông Hòa, anh Du đã làm đơn tố cáo hành vi cưỡng đoạt tài sản công dân gửi tới Công an huyện Tiền Hải. Ít ngày sau ông Hòa nhận được thông báo của cơ quan Cảnh sát điều tra (CSĐT) Công an (CA) huyện Tiền Hải “không khởi tố vụ án hình sự... vì không đủ căn cứ để cấu thành tội phạm... chưa có tài liệu để khẳng định chiếc máy xúc trên là của ông Ngô Đức Hòa”. 
Vậy chiếc máy xúc đó là của ai?. Thực tế không phải không có tài liệu khẳng định chủ nhân của chiếc máy. Tại Bản án số 06/2013/DS-PT ngày 29/1/2013, TAND tỉnh Thái Bình đã thừa nhận đây là tài sản đồng sở hữu của vợ chồng ông Hòa và vợ chồng anh Hoản.
Ông Nhân, ông Sáng thừa nhận hành vi bắt giữ chiếc máy xúc nói trên. Nhân chứng, vật chứng còn đó, nhưng cơ quan CSĐT CA huyện Tiền Hải không khởi tố vụ án hình sự là không thuyết phục.
Người bị cưỡng đoạt mòn mỏi trông chờ thi hành án
Ông Nhân, ông Sáng - những người đã bắt giữ trái phép chiếc máy xúc của ông Hòa, anh Hoản - kiện ra tòa dân sự để đòi nợ vợ chồng  anh Hoản. Qua 4 phiên tòa dân sự, Bản án số 06/2013/DS-PT của TAND tỉnh Thái Bình ngày 29/1/2013 đã tuyên: Buộc vợ chồng anh Hoản phải trả nợ cả tiền vốn và tiền lãi cho ông Nhân và ông Sáng 741 triệu đồng.
Buộc ông Trần Mạnh Nhân và Đặng Văn Sáng phải trả lại cho vợ chồng anh Đặng Văn Hoản và vợ chồng ông Ngô Đức Hòa  chiếc máy xúc Komasu đã bắt giữ ngày 18/9/2011 và phải bồi thường thiệt hại cho vợ chồng ông Hòa 116 triệu đồng, bồi thường cho vợ chồng anh Hoản là 62 triệu đồng (Tòa công nhận chiếc máy là tài sản đồng sở hữu của hai gia đình  -  ông Hòa 65% vốn, anh Hoản 35% vốn ).
Ngày 11/3/2013, Chi cục Thi hành án dân sự (THADS) huyện Tiền Hải đã ra Thông báo số 265 về việc thi hành Bản án số 06 nói trên. Hết thời hạn quy định nhưng các đương sự không tự nguyện thi hành nên ngày 17/4/2013, Chi cục THADS  huyện Tiền Hải đã ra Quyết định cưỡng chế số 04 đồng thời nhiều lần đã lên kế hoạch cưỡng chế nhưng cho đến nay vẫn không thực hiện được. 
Lý do chưa tiến hành cưỡng chế thi hành án được, theo Chi cục THADS là vì  “Công an huyện chưa xây dựng được kế hoạch bảo vệ cưỡng chế thi hành án”.  
Tuy nhiên, gần một năm đã trôi qua mà CA huyện Tiền Hải vẫn chưa xây dựng được kế hoạch bảo vệ cưỡng chế. Không biết CA huyện cần thời gian bao lâu nữa để dứt điểm vụ việc? Chủ nhân của chiếc máy xúc đang ngày đêm trông ngóng nhận lại máy để sản xuất, trong khi qua thời gian, chiếc máy xúc đang có nguy cơ... biến thành đống sắt gỉ.
Vụ việc trên cần được các cơ quan có trách nhiệm của tỉnh Thái Bình và huyện Tiền Hải làm sáng tỏ để củng cố lòng tin của dân vào sự công minh của pháp luật và bảo vệ quyền lợi chính đáng cho những người dân lương thiện.