Luật pháp và bằng chứng khoa học

(PLVN) -  Đề xuất áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) với đồ uống có đường (dự kiến 10% với nước giải khát có hàm lượng đường trên 5g/100ml) trong dự thảo sửa đổi, bổ sung Luật Thuế TTĐB vừa lấy ý kiến Quốc hội, sau nhiều năm gây ý kiến trái chiều, vẫn tiếp tục có những tranh luận.
Ảnh minh hoạ.

Lâu nay, nhiều người, nhiều gia đình quan niệm đồ uống có đường là không tốt cho sức khỏe, nên tuyệt đối không uống. Nhưng cũng rất nhiều người, nhiều gia đình mê nước ngọt, thậm chí nghiện nước ngọt, nên nhiều nhà máy nước ngọt ngày càng “ăn nên làm ra”.

Ngày 22/11, trong chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, sau khi Quốc hội họp phiên toàn thể nghe các tờ trình và báo cáo thẩm tra về dự án Luật Thuế TTĐB (sửa đổi), một số đại biểu cho rằng cần xem xét bối cảnh tỷ lệ suy dinh dưỡng, thấp còi, nhẹ cân ở trẻ em còn cao để quyết áp thuế với nước ngọt hay không.

Theo số liệu Tổng điều tra dinh dưỡng quốc gia năm 2019 - 2020, tỷ lệ suy dinh dưỡng, thấp còi, nhẹ cân ở trẻ dưới 5 tuổi là 19,6% (cao hơn cả tỷ lệ thừa cân, béo phì) và có sự chênh lệch đáng kể giữa các vùng miền. Việc tăng thuế với nước ngọt có thể sẽ không làm trẻ ở thành thị uống ít đi, vì chênh lệch về giá thành trước và sau khi áp thuế, so với thu nhập ở thành thị là không quá lớn. Nhưng với khu vực vùng sâu, vùng xa, việc tăng giá sẽ khiến trẻ khó tiếp cận mặt hàng này.

Một đại biểu khác nêu ý kiến, tỷ lệ béo phì còn có nguyên nhân do sử dụng thức ăn nhanh, ít vận động, chế độ ăn uống bất hợp lý... Chưa hết, chính sách thuế này chỉ có thể nhắm vào các sản phẩm đồ uống đóng chai sẵn, trong khi các loại đồ uống pha chế tại chỗ như cà phê, trà sữa, nước mía, trà chanh... rất khó bị đánh thuế do không thể xác định chính xác hàm lượng đường…

Tuy nhiên, tại Hội thảo góp ý Luật Thuế TTĐB (sửa đổi) do Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội phối hợp Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) tổ chức; lại cũng có những ý kiến ủng hộ áp thuế.

Tại Hội thảo, một nguyên lãnh đạo Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) cho hay, lần đầu tiên đồ uống có đường được đưa vào luật là “tiến bộ”. Ông nói không phải bây giờ mới đề xuất đánh thuế TTĐB với đồ uống có đường; mà từ năm 2012 việc này đã được đặt ra; nhưng chưa thực hiện được do các bằng chứng, chứng minh hạn chế.

Nghiên cứu được cơ quan chức năng công bố tại Hội thảo cho rằng việc tiêu thụ đồ uống có đường thường xuyên là yếu tố góp phần làm tăng tỉ lệ thừa cân, béo phì, gây nhiều biến chứng nguy hiểm cho sức khỏe. Khi một người tiêu thụ đồ uống có đường lâu ngày, “ngưỡng ngọt” tăng dần lên, khiến họ có xu hướng ăn các thực phẩm khác ngọt hơn bình thường; dẫn đến việc tăng năng lượng nạp vào cơ thể, thừa cân, béo phì.

Theo dự kiến, Luật Thuế TTĐB (sửa đổi), trong đó có nội dung áp thuế TTĐB với nước ngọt hay không, sẽ được trình Quốc hội khóa XV thông qua tại Kỳ họp thứ 9 diễn ra vào tháng 5/2025. Ý kiến trái chiều về đề xuất này vẫn còn, nên dư luận cho rằng trước vấn đề có thể gây tranh luận như vậy, cơ quan soạn thảo cần tiếp tục có những nghiên cứu, dẫn chứng, bằng chứng khoa học cụ thể, thuyết phục; đánh giá kỹ lưỡng tác động; đưa ra các biện pháp thực hiện, như lộ trình phù hợp; bảo đảm tính khả thi, công bằng; để đề xuất nhận được sự đồng thuận cao, sớm ban hành, áp dụng, phát huy giá trị trong cuộc sống.

Đọc thêm