Tăng thuế là cần thiết
Tại Hội thảo “Sửa thuế để thúc đẩy hoạt động DN” do báo Đầu tư tổ chức sáng 14/8, ông Lê Trọng Minh, Tổng biên tập báo Đầu tư cho biết, Dự thảo Luật Thuế TTĐB (sửa đổi) do Bộ Tài chính đề xuất nhận được sự ủng hộ, đánh giá cao của nhiều DN, chuyên gia.
Tuy nhiên, các phương án lộ trình tăng thuế được đưa ra trong dự thảo cũng đang làm dấy lên những băn khoăn, trong bối cảnh cộng đồng DN nói chung và DN ngành rượu bia nước giải khát nói riêng vẫn phải đối mặt với rất nhiều khó khăn.
"Về phương án tăng thuế TTĐB, Bộ Tài chính trình Chính phủ phương án thuế suất tăng cao liên tục từ năm 2026-2030 đưa thuế suất lên mức 100%. Đây là đề xuất mức tăng cao nhất trong lịch sử, DN chưa thể đánh giá hết được các tác động lớn của đề xuất này".
(Bà Chu Thị Vân Anh, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam -VBA).
Riêng ngành đồ uống đã chứng kiến thực trạng lợi nhuận bình quân toàn ngành liên tục giảm từ năm 2021, thu ngân sách toàn ngành giảm bình quân 10%/năm trong giai đoạn 2020-2023. Lượng hàng tồn kho riêng 6 tháng đầu năm 2024 tăng 29% so với cùng kỳ năm trước…
Vì vậy, việc tăng mạnh và nhanh thuế TTĐB đối với đồ uống có cồn có thể tạo ra tình huống “khó chồng khó” đối với DN và người lao động trong ngành cũng như các ngành liên quan.
Vấn đề được đặt ra là: Lộ trình tăng thuế nên thế nào là hợp lý để đảm bảo các mục tiêu điều tiết tiêu dùng, giảm tác động tiêu cực của đồ uống có cồn đến sức khoẻ con người; đảm bảo nguồn thu cho ngân sách nhà nước (NSNN) ổn định, bền vững; và đảm bảo tính công bằng của chính sách thuế cho xã hội và DN, bảo vệ ngành đồ uống trong nước.?
Bà Nguyễn Thị Cúc - Chủ tịch Hội tư vấn thuế Việt Nam (VCTA), nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục thuế bày tỏ quan điểm hoàn toàn đồng thuận quan điểm tăng thuế suất thuế TTĐB theo tỷ lệ phần trăm đối với rượu, bia theo theo lộ trình trong giai đoạn 2026- 2030 để đạt mục tiêu tăng giá bán rượu, bia, hạn chế tiêu dùng, góp phần giảm thiểu mặt tác hại của sử dụng rượu bia quá liều; đảm bảo sức khỏe cộng đồng, an ninh xã hội.
“Tuy nhiên, cần nghiên cứu kỹ mức độ tăng tỷ lệ thuế suất cũng như lộ trình tăng hợp lý để đảm đảm duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh, công ăn việc làm của người lao động trong chuỗi cung ứng từ khâu nguyên liệu, sản xuất, thương mại, dịch vụ ăn uống. Nhằm tạo điều kiện để ổn định thị trường, giúp doanh nghiệp, người tiêu dùng thích nghi với việc tăng dần thuế đến năm 2030, tránh bị sốc do tăng nhanh, đột ngột”, bà Cúc nói.
Tăng thuế có điều chỉnh được hành vi tiêu dùng? |
Cần giãn lộ trình tăng thuế
Theo dự thảo, đối với rượu từ 20 độ trở lên và bia, Bộ Tài chính đưa ra 2 phương án. Phương án 1: Năm 2026 điều chỉnh thuế suất lên 70 % (tăng 5% so với hiện hành), mỗi năm sau đó tăng 5%, đến năm 2030 là 90%; Phương án 2: Năm 2026 điều chỉnh thuế suất lên 80 % (tăng 15% so với hiện hành), mỗi năm sau đó tăng 5%, đến năm 2030 là 100%.
Đối với rượu từ dưới 20 độ, Phương án 1: Năm 2026 điều chỉnh thuế suất lên 40 % (5% so với hiện hành), mỗi năm sau đó tăng 5%, đến năm 2030 là 60%; Phương án 2: Năm 2026 điều chỉnh thuế suất lên 50 % (tăng 15% so với hiện hành), mỗi năm sau đó tăng 5%, đến năm 2030 là 70%.
Từ thực tế của các DN ngành rượu bia, Chủ tịch VTCA Nguyễn Thị Cúc đề nghị chọn phương án 1 của dự Luật, đồng thời cho giãn thời gian điều chỉnh tăng thuế suất 5% từ hàng năm lên tối thiểu là 2 năm.
“Về cơ bản, chúng tôi hoàn toàn ủng hộ quyết định tăng thuế TTĐB của Ban soạn thảo đối với các mặt hàng có tác động tiêu cực đến sức khỏe và môi trường. Tuy nhiên, việc triển khai chính sách này cũng cần được xem xét kỹ lưỡng từ góc độ kinh tế - xã hội, đặc biệt là khi xét đến những phản hồi từ các DN trong ngành kinh doanh rượu, bia và thuốc lá. Lộ trình tăng thuế cần được giãn cách hợp lý với lộ trình dài hơn đối với các mặt hàng rượu, bia và thuốc lá, và tiến tới chỉ dừng ở mức thuế suất tối đa là 80%, để DN có đủ thời gian thích nghi và điều chỉnh mô hình kinh doanh phù hợp…”
(Ông Bùi Ngọc Tuấn - Phó Tổng Giám đốc Tư vấn thuế Deloitte Việt Nam)
Cụ thể, thuế suất rượu từ 20 độ trở lên và bia: Năm 2026 điều chỉnh thuế suất từ 65% lên 70 % (tăng 5% so với hiện hành); Năm 2028 lên 75%; Năm 2030 lên 80%.
Đối với rượu từ dưới 20 độ: Năm 2026 điều chỉnh thuế suất từ 35% lên 40 % (tăng 5% so với hiện hành); Năm 2028 lên 45%; Năm 2030 lên 50%.
Thận trọng hơn khi đưa ý kiến về 2 phương án, ông Nguyễn Văn Phụng, nguyên Cục trưởng Cục Thuế DN lớn (Tổng cục Thuế) cho rằng cần nghiên cứu thêm dựa trên các cơ sở nghiên cứu khoa học, mô hình kinh tế toàn diện thì mới có thể kiến nghị đề xuất với Quốc hội là áp dụng Phương án 1 hay phương án 2…
Trong khi đó, ông Phan Đức Hiếu - Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, cho rằng cần phương án khác để thảo luận thay vì hai phương án do Bộ Tài chính trình.
Theo đó, ông Hiếu đề xuất lộ trình đánh thuế nên giãn 2-3 năm tính từ khi luật thuế có hiệu lực, có thể năm 2027- 2028, để DN có thời gian chuẩn bị. Về mức thuế suất, Chính phủ phải thuyết phục Quốc hội ngưỡng tối đa đánh đến 2030, mức cao nhất là 80% hay 100% để tạo sự chuyển biến ngay.
Ngoài ra, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng cần cân nhắc đánh thuế suất với bia phải khác với rượu, dựa trên cơ cấu, thị trường và tác động. Trong đó bia 0 độ không nên đánh thuế vì đạt mục tiêu chính sách (hạn chế đồ uống có cồn) và DN có cơ hội tái cơ cấu sản xuất…
Hàng quán đìu hiu khi Chính phủ quyết liệt triển khai Nghị định 100/2019/NĐ-CP |
Áp thuế TTĐB đối với nước giải khát có đường
Quyết định 02/QĐ-TTg ngày 05/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược Dinh dưỡng Quốc gia giai đoạn 2021 -2030 và tầm nhìn đến năm 2045, trong đó có giải pháp hoàn thiện cơ chế, chính sách về dinh dưỡng gồm: “ Rà soát, xây dựng, bổ sung, hoàn thiện các quy định pháp luật, chính sách tài chính bao gồm cả áp thuế TTĐB với đồ uống có đường’’
Dự thảo Luật thuế TTĐB (sửa đổi) lần này đã mở rộng diện chịu thuế TTĐB đối với nước giải khát. Theo đó, nước giải khát theo Tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN) có hàm lượng đường trên 5g/100ml thuế suất áp dụng là 10%.
Theo Chủ tịch VTCA Nguyễn Thị Cúc, nội dung này đã được thảo luận, bàn bạc khi dự thảo sửa đổi Luật thuế TTĐB trước đây nhưng chưa điều chỉnh. Do vậy, lần này nên cân nhắc thấu đáo khi bổ sung nước giải khát có đường vào đối tượng chịu thuế TTĐB, Trường hợp đưa vào diện chịu thuế thì xem xét thêm lượng đường bao nhiêu là phù hợp, 5g/100ml hay nghiên cứu lượng đường 6, 7 hoặc 8 g/100 ml như của một số nước có đánh thuế.