Bản án 20 năm tù
Ngày 27/11, TAND tỉnh Điện Biên mở phiên tòa sơ thẩm, xét xử đối tượng Vì Thị Thu và đồng phạm về tội mua bán trái phép chất ma túy, trong đó có bị cáo Trần Thị Hiền - mẹ của nữ sinh đi giao gà bị hãm hiếp và sát hại dã man trong dịp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019.
Theo cáo trạng truy tố, vụ án có 5 bị can là Vì Thị Thu (SN 1982), Vì Văn Toán (SN 1982), Bùi Văn Công (SN 1975), Lường Văn Hùng (SN 1991) và Trần Thị Hiền (SN 1975) đều có hộ khẩu thường trú tại huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên.
Trong đó, bị can Thu, Công, Hùng, Hiền bị truy tố về tội mua bán trái phép chất ma túy. Riêng bị can Toán, ngoài tội mua bán trái phép chất ma túy, còn bị truy tố thêm về tội chứa chấp việc sử dụng trái phép chất ma túy.
Tại tòa, các bị cáo Toán, Công và Hùng đều thành khẩn khai báo và thừa nhận hành vi phạm tội của mình. Riêng bị cáo Thu, ban đầu thừa nhận có hành vi phạm tội đúng theo cáo trạng, có tham gia mua bán trái phép chất ma túy với Công, Toán và Hùng nhưng sau đó lại phủ nhận không mua bán ma túy với Công, mà chỉ tham gia với chồng mình là bị cáo Toán và cho rằng mình bị ép cung nên ban đầu mới khai như vậy.
Trước lời phản cung của Thu, tòa đã gọi Toán trả lời đối chất, Toán khai nhận Thu đã trực tiếp bán số ma túy trên cho Công với giá 150 triệu đồng/bánh.
Đối với bị cáo Hiền, trả lời HĐXX, bị cáo Hiền cho rằng mình bị oan, không có quen biết với bị cáo Công và bị cáo Hùng; bị cáo Hiền cũng khẳng định mình không thực hiện hành vi mua bán chất ma túy và cho rằng các bị cáo khác đã bàn bạc âm mưu hãm hại mình, có âm mưu giết hại con gái mình, nên đã khai không đầy đủ, thành khẩn trước cơ quan điều tra và tại tòa.
Cuối cùng, HĐXX đã quyết định tuyên án Vì Thị Thu và Lường Văn Hùng cùng mức án tù chung thân về tội mua bán trái phép chất ma túy; Vì Văn Toán chịu mức án tù chung thân về tội mua bán trái phép chất ma túy và 20 năm tù về tội chứa chấp việc sử dụng trái phép chất ma túy; Trần Thị Hiền và Bùi Văn Công chịu mức án 20 năm tù về tội mua bán trái phép chất ma túy.
8 điểm mâu thuẫn, phi logic
Kết thúc phiên tòa, trao đổi với PV, Luật sư Giang Hồng Thanh (văn phòng luật sư Giang Thanh, Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho biết, trong vụ án này, chứng cứ buộc tội duy nhất đối với bị cáo Hiền là dựa vào lời khai của bị cáo Công và Hùng. Mặc dù có biên bản nhận dạng, biên bản đối chất, nhưng các chứng cứ này lại cũng từ lời khai của Công và Hùng mà ra.
Luật sư Thanh cho rằng, theo Điều 86 Bộ luật Tố tụng hình sự, chứng cứ chỉ được coi là hợp pháp nếu có đầy đủ ba thuộc tính: Tính khách quan, tính liên quan và tính hợp pháp. Nếu thiếu một trong ba thuộc tính này, chứng cứ không có giá trị.
“Trong vụ án này cơ quan tố tụng sử dụng lời khai của hai người đang có xung đột nghiêm trọng về quyền lợi đối với bị cáo Hiền làm chứng cứ buộc tội bị cáo này có thể được coi là đáp ứng thuộc tính khách quan hay không? Công, Hùng là những kẻ bắt cóc, hãm hiếp, giết hại con gái bà Hiền, bị bà Hiền căm thù đến xương tủy, nay lại được hỏi để chống lại bà Hiền thì có phù hợp hay không?” – Luật sư Thanh đưa ra nghi vấn.
Theo Luật sư Thanh, có 8 điểm mâu thuẫn, phi logic khác trong phần luận tội của VKS đối với bị cáo Hiền. Cụ thể:
Thứ nhất, hồ sơ vụ án thể hiện Hùng chỉ tham gia ở giai đoạn sau là cùng Công đi giao ma túy cho Hiền chứ không có mặt ở giai đoạn đầu khi Công thỏa thuận bán ma túy cho Hiền. Tức là ở giai đoạn đầu Công thỏa thuận bán ma túy cho Hiền thì chỉ có Công và Hiền biết, lời khai 1 – 1. Công bảo có><Hiền bảo không. Tin ai?
Thứ hai, Công khai gặp bà Hiền một lần duy nhất vào tháng 5/2017, trong lần duy nhất đó hai bên mua bán thành công hai bánh heroin với nhau. Công tả bà Hiền mặc áo gì, quần gì, màu sắc quần áo ra làm sao, đeo dây chuyền gì, chiếc xe máy bà Hiền đi màu gì, thậm chí còn nhớ cả trên xe có một chiếc gương, ở phía bên nào, rồi chiếc làn nhựa bà Hiền mang theo hình dáng ra làm sao, màu gì…
Điều này là phi lý, làm sao Công có thể nhớ chi tiết về đặc điểm của một người mà Công gặp một lần cách đó gần hai năm? Ngay bản thân Công, trong phần xét hỏi tôi đã làm rõ, Công còn không nhớ ngày 30 Tết (4/2/2019) hôm Công bắt cóc Duyên thì Công mặc quần áo gì, hay ngày 28 Tết Công có va chạm xe ô tô với người khác Công mặc quần áo gì. Vấn đề này chỉ có một lời giải thích là Công bịa đặt.
Thứ ba, Công khai Hiền đặt mua bốn bánh heroin giá 160 triệu/1 bánh, tương đương 640 triệu/4 bánh. Nhưng do Công chỉ mua được của Thu hai bánh nên Công mang hai bánh đó đến bán cho Hiền. Hiền trả 290 triệu đồng và nợ Công 30 triệu.
Vấn đề đặt ra là nếu Công thỏa thuận bán bốn bánh thì Hiền phải mang 640 triệu. Hiền đâu biết Công chỉ có hai bánh mà lại chỉ mang số tiền tương đương với hai bánh để trả Công?
Thứ tư, trong hồ sơ Công khai Hiền đến nhà Công hỏi mua gà rồi sau đó Hiền hỏi mua luôn ma túy. Nhưng tại phiên tòa Công lại nói Công không bao giờ bán gà, chỉ duy nhất một lần bán lợn cho Thu và mua thóc của Thu. Vậy thì Hiền đến nhà Công làm gì, tại sao biết nhà Công mà đến, tại sao biết Công có heroin để bán cho Hiền? Lần đầu tiên gặp nhau Hiền đã hỏi mua ma túy của Công. Ma túy có phải mớ rau để mà Hiền gặp Công lần đầu đã hỏi mua bốn bánh (1,4 kg)?
Thứ năm, Công biết nhà Hiền nhưng không bao giờ đến nhà Hiền đòi 30 triệu tiền Hiền mua nợ ma túy để rồi gần hai năm sau khi Công bị bắt vì giết hại Cao Mỹ Duyên, Công lại nói là Hiền nợ?
Tại phiên tòa lúc thì Công nại ra rằng vì khi đó Công rủng rỉnh nên không đòi tiền, lúc thì khai Công biết tiền 30 triệu đó là tiền phạm pháp nên Công không đòi. Thế nhưng chính Công trong hồ sơ và tại phiên tòa lại khai rằng tham gia bắt cóc Duyên là để đòi 30 triệu cho mình và 300 triệu cho Toán.
Thứ sáu, Công khai địa điểm giao ma túy là giữa đường, lúc 5h chiều cuối tháng 5/2017, địa điểm Công giao ma túy cho Hiền và Hiền trả tiền cho Công ở khu vực đông người đi lại. Điều này là vô lý. Có ai lại mua bán 700gr ma túy giữa thanh thiên bạch nhật như vậy?
Thứ bảy, lúc Công khai đến chỗ hẹn mua bán ma túy với Hiền thì đã thấy Hiền đứng đợi ở đó. Lúc lại khai gọi điện cho Hiền để Hiền đến. Lúc Công khai cầm tiền của Hiền xong Công kẹp ở barbaga xe máy. Nhưng sau này Công khai và thực nghiệm điều tra thì Công lại đút tiền vào túi quần bên phải. 290 triệu là 580 tờ tiền mệnh giá 500.000 đồng. Vậy có thể đút toàn bộ số tiền này vào một túi quần như Công khai được không?
Cuối cùng, Công khai Thu hỏi Công có chỗ nào mua ma túy không. Sau đó Công gặp Hiền thì Hiền hỏi mua ma túy nên Công quay lại tìm Thu hỏi mua. Thu lại khai Công đặt mua của Thu bốn bánh vì có khách (Hiền) đặt mua bốn bánh. Do vậy nên Thu mới đi tìm người Lào để mua về cho Công (được hai bánh). Ngoài hai bánh này Thu được người Lào cho 8 viên hồng phiến và một ít heroin.
Tại phiên tòa Thu thay đổi lời khai, cho rằng bị ép cung nên mới phải nhận là mua bán hai bánh heroin với Công.
Theo Luật sư Thanh, đối với 8 viên hồng phiến và một ít heroin này, có cảm giác như được gọt giũa cho khớp. Thể hiện ở chỗ Công khai đến nhà Thu ngoài mua nợ hai bánh heroin còn đưa cho Thu 500.000 đồng để nói rằng mua 8 viên hồng phiến (giá 400.000 đồng) và heroin lẻ (giá 100.000 đồng). Vô cùng trùng hợp với việc Thu có vừa đủ số ma túy này do được người Lào cho để Thu bán cho Công.