Luật sư có lúc cần giống nghệ sỹ?

(PLO) - Như một dịp tôi luyện các kỹ năng cho sinh viên sau khi ra trường, “Challenge of Law - Thử thách cùng nghề luật 2013” của Trường (ĐH) Luật Hà Nội được tổ chức dựa trên nhiều vấn đề “gai góc và sát sườn”.

Thử thách cùng nghề luật

Theo số liệu thống kê của Bộ Tư pháp, cả nước hiện có 62 Đoàn Luật sư (LS) với hơn 6.250 LS và hơn 3.000 LS tập sự. Nhưng trong hoạt động tư vấn pháp luật thực tế, chủ yếu các LS chuyên về dân sự, đất đai, hôn nhân và gia đình. Còn số lượng LS chuyên sâu trong các lĩnh vực đầu tư, kinh doanh, thương mại (sở hữu trí tuệ, tài chính ngân hàng, hàng không, hàng hải, bảo hiểm, thương mại quốc tế…) chỉ chiếm tỷ lệ khoảng 1,2% - một con số thật khiêm tốn, nhưng cũng thật đáng lo ngại trong thời buổi thương mại quốc tế này.
Ảnh minh họa. Nguồn Internet
 Ảnh minh họa. Nguồn Internet
Nói vậy để khẳng định vấn đề trên là một thách thức không hề dễ dàng, nó đòi hỏi phải vận dụng gần như triệt để óc phân tích cùng những văn bản luật đi kèm. Tuy nhiên, tại Trường ĐH Luật Hà Nội, các luật gia trẻ trong đêm bán kết của cuộc thi “Thử thách cùng nghề luật” diễn ra tối 21/11 đã thể hiện các màn tranh tụng hết sức gay cấn với nhiều lý lẽ thuyết phục.
Từ một đề bài giả định là tranh chấp mua bán, yêu cầu đòi bồi thường giữa “nguyên đơn” là một công ty và “bị đơn” là một ngân hàng, các sinh viên trong vai trò bên nguyên và bên bị đều tìm ra những luận điểm có lợi nhất, với chứng lý sắc sảo để bảo vệ thân chủ của mình. 
Đúng như nhận định của LS Đặng Thanh Sơn (Công ty Luật Baker & Mckenzie's) – một LS trong nhóm huấn luyện viên và cũng là Ban Giám khảo cuộc thi: “Khi mà một cái đề bài rất nhiều chi tiết thì một người LS lúc đó phải như một nghệ sỹ. Người nghệ sỹ ấy cùng lúc có thể phải nghe tới 50 bản nhạc nhưng lại chọn ra được đoạn tốt nhất. Nếu không có khả năng tập trung cao, óc phân tích, nhìn nhận tỉ mỉ thì mọi thứ sẽ bị loãng”.

Trái tim nóng, cái đầu lạnh và bàn tay sạch

Những khúc mắc liên quan đến lĩnh vực tài chính, thương mại với những khoản hợp đồng ràng buộc, thẩm quyền đại diện ký kết… là vấn đề thường xuyên nảy sinh trong các giao dịch thương mại. Tuy nhiên, ở đây chưa vội bàn đến lẽ đúng, sai trên các đề bài giả định. 
Trong cuộc “tranh tụng” Challenge of Law kéo dài suốt gần 3 giờ, nhiều vấn đề trong quan hệ thương mại đã được đề cập. Chẳng hạn, như giữa quan hệ bảo lãnh và hợp đồng mua bán, chứng thư, tư cách pháp nhân, cá nhân, nguyên tắc áp dụng án lệ…
Những vấn đề rất sát sườn, gần gũi trên đã được đa số sinh viên Trường ĐH Luật Hà Nội đánh giá cao. “Từ đây sẽ có cách định hướng, tư duy liên quan đến các vấn đề về luật pháp”- sinh viên Lê Thị Yến Ly nhận định. Quan tâm và đề cập sâu hơn đến vấn đề án lệ, trong cuộc “tranh tụng” Challenge of Law nhiều luật gia tương lai vẫn không khỏi băn khoăn.
“Trong hệ thống luật Anh, Mỹ, LS được đào tạo hết sức chuyên nghiệp, bài bản, vì vậy án lệ mà bên LS đưa ra hoàn toàn mang tính chất thuyết phục, có ý nghĩa rất cao. Trong khi đó, chúng ta mới chỉ đang hoàn thiện, nhiều vụ án vượt cấp lên đến tận giám đốc thẩm chứng tỏ việc căn cứ vào án lệ hoàn toàn chưa đủ “nặng”- một sinh viên bày tỏ….
Chia sẻ với sự lo lắng của các sinh viên ĐH Luật Hà Nội trước ngưỡng cửa nghề nghiệp,  nhiều LS tham gia Challenge of Law đã có lời khuyên rất thiết thực. Đó là, cần thiết phải có sự trang bị tốt về các kỹ năng xử lý tình huống cũng như đạo đức nghề nghiệp. 
“Đối với một LS thì kỹ năng nghe hết sức quan trọng. Nếu ta không nghe đúng câu hỏi thì sẽ không thể có câu trả lời chính xác. LS chúng ta phải có trái tim nóng, cái đầu lạnh và đôi bàn tay sạch. Để phản bác một vấn đề, chúng ta cần nghe, cần phản bác trên tinh thần xây dựng, đây là một kỹ năng cần thiết. 
Là một LS của tương lai, dù cho các em có tư chất để làm người LS đến bao nhiêu nhưng mà nếu không có trái tim yêu nghề, không được trang bị tốt các kỹ năng cơ bản để hành nghề thì dù tư chất có thông minh cũng rất khó để làm nghề. Kỹ năng nghề nghiệp phải gắn với vấn đề đạo đức”- LS Đặng Thanh Sơn chia sẻ.

Đọc thêm