Ai biết trong buồng hỏi cung, họ làm gì?
Luật sư Nguyễn Đình Khỏe (Văn phòng Luật sư Tràng Thi) chỉ ra rằng, khâu điều tra dễ dẫn đến tình trạng mớm cung, bức cung - những nguyên nhân dẫn đến sai lệch bản chất vụ án - là do trong phòng hỏi cung chỉ có ĐTV và bị can, mà bị can lại ở “thế yếu” nên vi phạm dễ xảy ra.
Pháp luật đã quy định trong quá trình hỏi cung hoặc lấy lời khai, nếu có căn cứ về việc ĐTV dùng nhục hình hoặc bức cung, xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp của mình, cá nhân có thể thực hiện quyền tố cáo theo quy định của pháp luật. Nhưng rào cản là việc người tố cáo đó không tài nào chứng minh được hành vi vi phạm.
“Giả sử có bị đánh thật nhưng bên này bảo có, bên kia bảo không là đã khó xác định rồi. Trường hợp nếu ở trong trại giam thì càng khó chứng minh việc bị dùng nhục hình, có khi đau chỉ nằm mà khóc ” – ông Khỏe nói.
Ra tới tòa, có tình trạng các bị can phản cung, không nhận tội với lý do bị ép cung và dùng nhục hình trong quá trình điều tra. Trường hợp này, Tòa án cũng như Kiểm sát viên thường lặp một câu hỏi: “Bị cáo nói thế thì có gì để chứng minh không?”.
Lại nữa, bằng chứng rành rành là bản cung thường bắt đầu bằng câu hỏi về tình trạng sức khỏe: “Anh hôm nay có tỉnh táo, có đủ sức khỏe và sẵn sàng khai báo không?”. Nếu trước đó đã trả lời “có” thì lý gì mà cãi nữa?. Rồi bản cung ấy luôn chốt cuối bằng câu: “Tôi đã đọc lại bản cung này, không bị mớm cung, ép cung…” và ký tên.
Còn khi đã vào trại giam, con đường kêu oan càng trắc trở hơn nhiều. Đơn kêu oan được phạm nhân viết, chuyển cho quản giáo và giám thị để chuyển đến các cơ quan chức năng. Nhưng, theo một cán bộ trại giam thì số đơn được hồi âm trả lời không đáng kể!
Kiểm sát viên, Luật sư cùng “soi”
Sau vụ ông Chấn bị oan sai, nhiều ý kiến đề nghị các cơ quan tố tụng cần “vá” ngay những lỗ hổng trong hoạt động tố tụng bằng cách VKS cần nâng cao vai trò giám sát hoạt động điều tra.
Bên cạnh đó, sự có mặt của luật sư cũng được coi là yếu tố nhằm hạn chế oan sai. Cùng với suy nghĩ sai lầm coi bị can là tội phạm ngay từ giai đoạn đầu của quá trình điều tra, cơ quan điều tra nhiều khi có cái “nhìn” chưa chuẩn đối với luật sư bào chữa.
Mặc dù theo quy định của Bộ luật Tố tụng Hình sự, người bào chữa hoàn toàn có quyền tham gia tố tụng từ khi khởi tố bị can, trừ trường hợp cần giữ bí mật điều tra đối với tội phạm xâm phạm an ninh quốc gia, nhưng quy định này lại không ràng buộc cơ quan điều tra phải có trách nhiệm và nghĩa vụ phối hợp với luật sư trong các hoạt động điều tra vụ án.
Do vậy, cơ quan điều tra thường dùng rất nhiều rào cản để hạn chế sự tham gia của luật sư, luật sư chỉ được sao chụp hồ sơ vụ án sau khi kết thúc giai đoạn điều tra.
“Để hạn chế tối đa những trở ngại đó, pháp luật nên có những quy định mở rộng quyền cho luật sư theo hướng: sự có mặt của luật sư trong quá trình hỏi cung là bắt buộc, thậm chí biên bản hỏi cung cũng bắt buộc phải có chứ ký của luật sư, nếu thiếu chữ ký trong các biên bản hỏi cung thì biên bản đó sẽ không có hiệu lực. Điều này sẽ giúp giảm thiểu được đáng kể những vụ án oan”- Luật sư Trương Anh Tú thẳng thắn.