Luật sư của ông Trần Bắc Hà không được chấp nhận

(PLO) - Phiên tòa xét xử vụ án Phạm Công Danh cùng đồng phạm về tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” ngày 16/1 tiếp tục phần xét hỏi đối với các bị cáo. 

Mở đầu buổi sáng, Chủ tọa phiên tòa thông báo về việc HĐXX đã nhận được hồ sơ (có hợp pháp hóa lãnh sự) từ người đại diện của ông Trần Bắc Hà (nguyên Chủ tịch HĐQT BIDV, người có quyền và nghĩa vụ liên quan trong vụ án) thể hiện ông Hà đang điều trị bệnh tại Singapore. Theo đó, ông Hà đã nhập cảnh vào Singapore ngày 7/1 (tức là một ngày trước khi vụ án được đưa ra xét xử).

Cũng mở đầu phiên xử, Văn phòng Luật sư Hải Đức đã giới thiệu Luật sư Nguyễn Minh Tường thực hiện việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho ông Trần Bắc Hà tại phiên tòa. Tuy nhiên, HĐXX cho rằng, trừ trường hợp ông Hà có mặt tại phiên tòa và nêu lý do, yêu cầu cần có luật sư bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của mình thì HĐXX sẽ xem xét.

Dù luật sư có nộp đơn yêu cầu luật sư của ông Hà, nhưng ông Hà đang ở Singapore mà không có hợp pháp hóa lãnh sự nên đơn này không thể hiện ý chí của người trong đơn. Vì vậy, HĐXX đã không chấp nhận để Luật sư Tường tham gia phiên tòa.

Trước đó, việc ông Trần Bắc Hà vắng mặt đã được nhiều người đề cập bởi việc vắng mặt này sẽ ảnh hưởng đến việc làm sáng tỏ các tình tiết của vụ án. Trong quá trình điều tra, ông Hà đã có lời khai. HĐXX cho biết sẽ căn cứ vào những lời khai này để tiến hành xét xử vụ án bình thường. Trước lúc đi chữa bệnh, ông Hà cũng đã ủy quyền cho người đại diện tham gia phiên tòa. Tuy vậy, điều thắc mắc lớn là, BIDV cho các công ty của ông Danh vay số tiền lớn, và được xác định góp phần cùng Phạm Công Danh gây thiệt hại lớn nhất cho VNCB trong “đại án” này nhưng vì sao ông Hà lại vắng mặt. 

Hồ sơ cũng như diễn biến tại các phiên tòa thể hiện, trước áp lực để cứu vãn Ngân hàng VNCB thoát khỏi vòng xoáy nợ nần, Phạm Công Danh đã nghĩ ra nhiều cách, nhưng chủ yếu vẫn là kiểu “tay không bắt giặc”. Theo đó, Phạm Công Danh đã cho lập ra hàng loạt công ty (nhờ các nhân viên bảo vệ, tạp vụ, lái xe đứng tên và ký) và đã dùng những pháp nhân này để vay tiền tại các ngân hàng. Sau khi được các ngân hàng giải ngân, Phạm Công Danh đã rút tiền về và sử dụng vào nhiều mục đích khác nhau như: trả nợ, tăng vốn điều lệ, thậm chí tiêu xài cá nhân và gây thiệt hại cho VNCB hơn 6,1 ngàn tỷ đồng.   Trong các khoản vay mà nhóm Phạm Công Danh đứng ra vay có khoản lớn nhất là 4,7 ngàn tỷ đồng từ BIDV. 

Theo đó, Phạm Công Danh đã trực tiếp ra trụ sở chính của BIDV tại Hà Nội để gặp lãnh đạo ngân hàng này nhằm mục đích vay tiền để tăng vốn điều lệ cho VNCB từ 3 ngàn lên 7,5 ngàn tỷ. Sau khi bàn bạc thỏa thuận, phía BIDV đã tiến hành các thủ tục trình lãnh đạo các bộ phận liên quan phê duyệt, trong đó ông Trần Bắc Hà là người phê duyệt cuối cùng về việc thống nhất cho các công ty phía Phạm Công Danh vay tiền.

Theo cáo trạng, phía BIDV không hề biết phía Phạm Công Danh đã lập ra hồ sơ khống. BIDV chỉ cho các khách hàng của VNCB vay tiền dưới sự giới thiệu và bảo lãnh của VNCB bằng các tài sản là đất đai và tiền gửi của VNCB tại BIDV. Mục đích vay là để kinh doanh vật liệu xây dựng nhằm tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản lúc bấy giờ. Thời điểm đó, Ngân hàng Nhà nước có chủ trương để 8 ngân hàng tham gia vào chuỗi liên kết “4 nhà”, trong đó có cả Ngân hàng BIDV và VNCB.

Kết quả sau đó 12 công ty mà Phạm Công Danh giới thiệu đến vay BIDV 4,7 ngàn tỷ đồng không trả được bất cứ đồng nào nên phía BIDV thu nợ bằng cách trừ số tiền mà VNCB đang gửi tại BIDV. Trong thương vụ vay BIDV này, Phạm Công Danh cùng đồng phạm được xác định gây thiệt hại cho VNCB hơn 2,5 ngàn tỷ đồng.

Dư luận cho rằng, dù là chương trình liên kết “4 nhà” là có thật, nhưng khi giải ngân số tiền khổng lồ mà phía BIDV không xem xét kỹ về hồ sơ, năng lực của hàng loạt công ty từ phía Phạm Công Danh thì liệu có hợp lý? Rõ ràng quy trình thẩm định hồ sơ, giải ngân ở BIDV là có “vấn đề”? Tại phiên tòa, nhiều lãnh đạo BIDV xin được “rút kinh nghiệm” về việc này… Nếu BIDV không giải ngân cho phía nhóm khách hàng của Phạm Công Danh vay 4,7 ngàn tỷ thì liệu VNCB có bị thiệt hại hơn 2,5 ngàn tỷ như cáo trạng truy tố hay không? 

Đọc thêm