Vụ án có thể không có LS, nhưng không thể thiếu KSV
- Có nhiều ý kiến cho rằng, chỗ ngồi tại tòa của kiểm sát viên (KSV ) và luật sư (LS ) cần ngang bằng nhau, để ngay về mặt hình thức, bên “buộc tội” - KSV - và bên “gỡ tội” – LS- bình đẳng nhau. Quan điểm của ông như nào, thưa ông?
Ông Phạm Huy Thận: Tôi từng công tác lâu năm trong ngành kiểm sát. Hiện nay nghỉ hưu nhưng vẫn hoạt động trong lĩnh vực pháp lý, thành viên trong đoàn luật sư nên tôi không bênh vực bên nào, chỉ đưa ra nhận định khách quan, đúng bản chất.
Theo tôi, ý kiến cho rằng KSV là bên “buộc tội”, LS là bên “gỡ tội” là cách hiểu đơn giản, máy móc, cơ học, không nói đúng bản chất, vai trò và địa vị pháp lý của KSV và LS tại phiên tòa.
Bổn phận của công tố viên (KSV) là đại diện cho nhà nước đưa vụ án ra tòa. Chức năng của KSV là đại diện cho quyền lực Nhà nước đưa tội phạm ra trước ánh sáng, buộc tội bị cáo.
Trong khi đó, LS là thành viên của một tổ chức xã hội nghề nghiệp, không nhân danh quyền lực nhà nước.
Viện kiểm sát là cơ quan công tố, KSV là người thực hành quyền công tố. Trong khi đó, LS là người tham gia tố tụng.
Vụ án có thể không có LS nhưng không thể không có KSV. Do đó, không thể đặt ngang hàng một người đại diện cho quyền lực nhà nước với LS, người thường có bản hợp đồng dịch vụ pháp lý mang tính thương mại với thân chủ. Như vậy, rõ ràng địa vị pháp lí của KSV khác với địa vị của LS.
Ông Phạm Huy Thận. |
- Xin ông giải thích rõ hơn, tại sao ông lại cho rằng cách hiểu KSV là bên “buộc tội” còn LS là bên “gỡ tội” là cách hiểu đơn giản, máy móc?
Ông Phạm Huy Thận: Đó không chỉ là cách hiểu đơn giản mà còn có phần hiểu sai bản chất, vai trò của KSV.
Trong các vụ án, KSV theo sát ngay từ khi điều tra. Trong quá trình này, KSV không phải là người buộc tội mà là người giám sát, có trách nhiệm thẩm định, đánh giá chứng cứ, đảm bảo khách quan, lợi ích cho người dân và Nhà nước.
Sau khi xem xét, đánh giá chứng cứ, thấy nghi phạm là người có dấu hiệu tội phạm mới khởi tố; nếu phát hiện các dấu hiệu oan sai thì KSV là người gỡ tội, đảm bảo quyền con người.
Phải trải qua một quá trình điều tra, thẩm tra kỹ lưỡng, từng bước thì cơ quan công tố mới nhân danh nhà nước để buộc tội.
Như vậy, KSV vừa có trách nhiệm thay mặt nhà nước buộc tội, vừa có trách nhiệm chứng minh vô tội; đảm bảo nguyên tắc khách quan, công bằng.
Ngoài ra, KSV còn chịu trách nhiệm giám sát hoạt động của HĐXX tại phiên tòa, đồng thời chịu trách nhiệm trước pháp luật về những ý kiến của mình. Chính vì vậy, trong những vụ oan sai bị phát hiện, không ít KSV bị xử lí theo pháp luật vì thiếu trách nhiệm trong quá trình kiểm sát điều tra, thực hành quyền công tố (gỡ tội, buộc tội).
Trong khi đó, do không nhân danh Nhà nước nên LS dù có nói sai, chứng minh thiếu cơ sở thì không bị kết tội trước pháp luật.
Hơn nữa, trong các vụ án, LS cùng với người nhà bị can, bị cáo thường có bản hợp đồng dịch vụ pháp lý (trừ những trường hợp LS tự nguyện bào chữa miễn phí hoặc được cơ quan tố tụng chỉ định trong các vụ án đặc biệt nghiêm trọng).
Do đó, khi tranh tụng tại tòa, LS có trách nhiệm chính là gỡ tội cho thân chủ. Trách nhiệm với Nhà nước, xã hội có thể không đầy đủ như KSV.
“Bình đẳng không có nghĩa là cào bằng”
- Thưa ông, vậy vì sao chỗ ngồi của KSV lại cao hơn LS?
Ông Phạm Huy Thận: Mọi cơ quan, tổ chức và cá nhân đều bình đẳng trước pháp luật. Trong một vụ án, KSV và LS bình đẳng về nguyên tắc pháp lý, đánh giá chứng cứ, xác định chứng cứ.
Tại phiên tòa, KSV là người buộc tội, thông qua những chứng cứ đã được thẩm định, đánh giá. LS nếu có những chứng cứ gỡ tội thuyết phục thì KSV có trách nhiệm xem xét lại toàn bộ vụ án.
Khi LS có chứng cứ ngoại phạm, gỡ tội, giảm nhẹ tội phạm cho thân chủ thì KSV sẽ đề nghị hoãn phiên tòa để tiến hành điều tra bổ sung. Do đó, nhiều vụ án trong quá trình xét xử, được VKS thay đổi tội danh, rút quyết định truy tố….
Như vậy, trong một phiên tòa, KSV và LS bình đẳng trước pháp luật về mặt nguyên tắc tố tụng. Nhưng bình đẳng không có nghĩa là cào bằng.
Địa vị pháp lý của KSV quan trọng và toàn diện hơn LS như đã phân tích ở trên.
Vị trí chỗ ngồi của KSV trong phiên tòa đặt cao hơn so với LS thể hiện sự khác nhau về địa vị pháp lí chứ không liên quan đến nguyên tắc tranh tụng.
Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện.
Đồng quan điểm với ông Phạm Huy Thận, Luật sư Nguyễn Đình Giá, Trưởng Văn phòng luật sư Đình Giá và Cộng sự cho rằng: “Trong một phiên tòa, không thể so sánh địa vị của LS với KSV. KSV đề nghị xử lý người này là để bảo vệ quyền lợi của người khác và của Nhà nước, chế độ. Như vậy, công việc của KSV là bảo vệ lợi ích chung, lợi ích xã hội, lợi ích Nhà nước và công dân. Trong khi đó, LS chủ yếu bảo vệ cho thân chủ theo một bản hợp đồng dịch vụ pháp lý”.