Báo cáo của Sở Tư pháp cho thấy, công tác quản lý nhà nước về hoạt động công chứng, đăng ký giao dịch bảo đảm, giám định tư pháp, hành nghề luật sư (LS), tư vấn pháp luật, bán đấu giá tài sản, trọng tài thương mại, quản lý thanh lý tài sản, thừa phát lại… đã được triển khai đồng bộ và có nhiều kết quả tích cực.
Theo thống kê, hiện nay, Sở Tư pháp thành phố đang thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước hơn 1000 tổ chức hành nghề LS (với hơn 3000 LS) và 55 chi nhánh của các tổ chức hành nghề LS trong nước, 15 Chi nhánh của Cty Luật nước ngoài… Nhìn chung, các tổ chức hành nghề LS trên địa bàn TP đều đăng ký lĩnh vực hành nghề và hoạt động đúng quy định của pháp luật về LS và các quy định có liên quan. Hoạt động hành nghề của LS ngày càng phát triển. Trong bối cảnh toàn cầu hóa, hội nhập kinh tế quốc tế, một số tổ chức hành nghề LS đã thực sự phát huy được thế mạnh, tạo được uy tín trong xã hội…
Trong năm 2017, ngoài việc tiếp tục thực hiện tốt vai trò tham mưu, giúp việc trong công tác quản lý nhà nước về LS và các tổ chức hành nghề LS trên địa bàn, Sở Tư pháp sẽ triển khai xây dựng đề án về việc thu hút các LS có năng lực, trình độ, phẩm chất đạo đức để tạo nguồn tuyển dụng, bổ nhiệm vào các chức danh tư pháp và các vị trí khác trong cơ quan nhà nước.
Về công tác công chứng, Sở Tư pháp sẽ phối hợp với Hội Công chứng viên thành phố tập huấn nghiệp vụ công chứng nhằm nâng cao trình độ, ý thức trách nhiệm của đội ngũ công chứng viên trên địa bàn thành phố; tăng cường phối hợp giữa Sở Tư pháp với Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND các quận, huyện, thị xã để phối hợp, tháo gỡ vướng mắc trong hoạt động công chứng; tiếp tục kiểm tra và xử lý nghiêm những hành vi vi phạm trong lĩnh vực công chứng; triển khai thực hiện Đề án “thực hiện chế định Thừa phát lại trên địa bàn TP Hà Nội” và xây dựng kế hoạch chi tiết về công tác quản lý nhà nước đối với tổ chức, hoạt động của Thừa phát lại…
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Lê Hồng Sơn đã ghi nhận và biểu dương đóng góp của đội ngũ những người hành nghề trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp trong sự phát triển kinh tế - xã hội và sự ổn định của Thủ đô cũng như đất nước.
Thể hiện mong muốn đội ngũ LS, Công chứng viên, Đấu giá viên, Quản tài viên, Thừa phát lại… cũng như các Tổ chức nghề nghiệp, các Hội, Hiệp hội hành nghề bổ trợ tư pháp thường xuyên có ý kiến, tham gia tích cực, chủ động vào quá trình xây dựng luật pháp, Phó Chủ tịch Lê Hồng Sơn cho rằng, những ý kiến này sẽ góp phần kiến tạo một môi trường pháp luật thông thoáng, thuận lợi cho các doanh nghiệp cũng như người dân.
Ngoài ra, trong quá trình hoạt động thì đội ngũ những người hành nghề bổ trợ tư pháp sẽ góp phần xây dựng một môi trường công vụ lành mạnh, giúp cho việc thực thi công vụ của cán bộ, công chức nhà nước được tốt hơn. Qua những hoạt động này thì LS, Công chứng viên, Đấu giá viên, Thừa phát lại, Quản tài viên… càng có uy tín hơn trong xã hội.
Phó Chủ tịch Lê Hồng Sơn đề nghị đội ngũ những người hành nghề bổ trợ tư pháp đề cao đạo đức nghề nghiệp, gương mẫu trong việc chấp hành pháp luật, trong ứng xử để luôn xứng đáng với vị thế cao quý của những người hành nghề luật. Ngoài ra, Sở Tư pháp, các ban ngành của thành phố cũng cần tổ chức thêm nhiều diễn đàn để lắng nghe, ghi nhận ý kiến của những tổ chức hành nghề bổ trợ tư pháp… để lĩnh vực bổ trợ tư pháp của Thủ đô có nhiều điểm sáng và dẫn đầu cả nước.
Tiếp thu nội dung chỉ đạo trên, Giám đốc Sở Tư pháp Hà Nội Phan Hồng Sơn cam kết, Sở Tư pháp luôn đồng hành và phối hợp tốt cùng đội ngũ những người hành nghề bổ trợ tư pháp trên địa bàn Thủ đô.