Sơn La: Thực hiện dịch vụ pháp lý với người dân, bị coi là lừa đảo

(PLO) - TAND huyện Sốp Cộp (tỉnh Sơn La) vừa quyết định trả hồ sơ vụ án “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” đối với Lường Văn Giáp (SN 1962, trú tại phường Chiềng Sinh, TP Sơn La, tỉnh Sơn La) để điều tra bổ sung, làm rõ một số tình tiết. Trong khi đó, bị can Giáp cũng liên tục có đơn kêu oan cho rằng mình không có hành vi lừa đảo và việc CQĐT Công an huyện Sốp Cộp không chuyển để nhập vụ án là sai tố tụng. 
Giấy Giới thiệu của VPLS Trần Huấn ghi rõ Lường Văn Giáp là “nhân viên”
Giấy Giới thiệu của VPLS Trần Huấn ghi rõ Lường Văn Giáp là “nhân viên”

Cộng tác viên Văn phòng Luật sư vướng vào lao lý

Theo Cáo trạng của VKSND huyện Sốp Cộp thì vào năm 2014, Lường Văn Giáp và Luật sư (LS) Trần Minh Huấn-Trưởng Văn phòng Luật sư (VPLS) Trần Huấn, Đoàn LS tỉnh Sơn La có thỏa thuận, nếu Giáp biết người dân nào vướng mắc về mặt pháp luật cần tư vấn thì giới thiệu đến VPLS Trần Huấn để ký hợp đồng dịch vụ pháp lý. Khi hợp đồng giải quyết được thì LS Huấn sẽ trả công cho Giáp. Đồng thời với thỏa thuận này, LS Huấn cấp cho Giáp giấy đi đường, giấy giới thiệu của VPLS để làm căn cứ trả tiền công. Ngoài ra, Giáp còn được ông Huấn đưa cho một số card visit (mang tên LS Huấn) để nếu có khách hàng muốn liên hệ trực tiếp với ông Huấn thì đưa.

Sau đó, Giáp đã cùng với anh Quàng Văn Hồng liên hệ và đến nhà ông Tòng Văn Tiện (bản Cang Mường, xã Sốp Cộp, người từng có khiếu nại về việc đền bù giải phóng mặt bằng) đặt vấn đề, trường hợp Nhà nước thu hồi đất đền bù cho dân giá thấp, không thỏa đáng hoặc không được đền bù thì LS sẽ giúp đòi thêm tiền đền bù, ai muốn nhờ LS đòi quyền lợi thì nộp tiền thù lao, mỗi hộ dân phải nộp 5 triệu đồng chi phí cho LS đòi quyền lợi. Nếu LS đòi được thêm tiền đền bù mà hộ nào không nộp tiền thì sẽ bị trừ 50-60%, còn đã nộp tiền thì bị trừ 30%.

Từ tháng 5 đến tháng 10/2014, Giáp và Hồng thường xuyên vào Sốp Cộp bảo ông Tiện vận động các hộ dân thuê luật sư và nộp tiền phí. Sau đó, theo lời giới thiệu của ông Tiện, Giáp và  anh Hồng còn vào xã Phúng Bánh (huyện Sốp Cộp) để giới thiệu dịch vụ luật sư giúp đòi thêm tiền đền bù giống như ở xã Sốp Cộp.

CQĐT và VKSND huyện Sốp Cộp cho rằng, tại những nơi này, Giáp đều dùng thủ đoạn gian dối để giải danh LS  lừa đảo chiếm đoạt hơn 82 triệu đồng của 87 bị hại. Trong khi đó, Lường Văn Giáp thì liên tục có đơn kêu oan và cho rằng mình làm theo đúng chức năng nhiệm vụ, không hề lừa dối người dân.

Bị can có giả danh luật sư?

Chứng minh cho sự vô can của mình, bị can Giáp đã đưa ra một loạt các chứng cứ thể hiện mình không giả danh LS và cũng không tự ý đi làm việc với chính quyền, người dân trong huyện Sốp Cộp như: Giấy đi đường, Giấy Giới thiệu do VPLS Trần Huấn cấp.

Các giấy này đều ghi rõ, ông Lường Văn Giáp là cán bộ VPLS. Thậm chí, Giấy giới thiệu của VPLS Trần Huấn ngày 26/6 còn ghi rõ “đến liên hệ công tác với UBND huyện Sốp Cộp và các đối tượng hộ gia đình có liên quan đến vụ việc BT-HT. Kính mong UBND huyện Sốp Cộp và các ban ngành hết sức giúp đỡ ông Lường Văn Giáp hoàn thành nhiệm vụ”.

Theo bị can Giáp thì khi mình đi gặp dân và lãnh đạo huyện Sốp Cộp đều có  ông Huấn đi cùng và chỉ đạo làm việc, thu tiền. Khi thu tiền của các hộ dân thì người dân đều ký bản cam kết với ông Huấn dưới sự chứng kiến của Trưởng bản với nội dung “có yêu cầu VPLS Trần Huấn đại diện hợp pháp đòi quyền lợi cho gia đình…”. Hiện, các bản gốc cam kết nộp tiền cho VPLS này (có chữ ký của LS Huấn và con dấu của VPLS Trần Huấn) đều do ông Huấn nắm giữ. 

Tổng hợp danh sách các hộ dân có yêu cầu nhờ VPLS đòi quyền lợi khi bị thu hồi đất, ngày 20/6/2015, VPLS Trần Huấn đã có liền hai Công văn (số 06/VP-LS và 07/VP-LS) khẳng định, VPLS Trần Huấn được người dân yêu cầu làm đại diện hợp pháp đòi quyền lợi, chế độ liên quan đến giải phóng mặt bằng; đề nghị Chủ tịch UBND huyện Sốp Cộp chỉ đạo Ban quản lý dự án và Hội đồng bồi thường xem xét lại chế độ bồi thường để chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ cho 49 hộ dân bản Khá, xã Púng Bánh và 78 hộ dân xã  Sốp Cộp. Ngoài hai Công văn này thì VPLS Trần Huấn còn gửi kèm danh sách các hộ dân thể hiện khá chi tiết về phần diện tích đất, tài sản, cây cối, hoa màu bị dự án thu hồi đã được bồi thường nhưng chưa thỏa đáng và số tiền thanh toán còn thiếu hoặc chưa được thanh toán bồi thường, hỗ trợ.

Với các chứng cứ trên, bị can Giáp cho rằng mình không tự ý, không giả danh LS hay VPLS Trần Huấn để thu tiền của người dân mà việc này là do LS Trần Huấn nhân danh VPLS thực hiện. Hơn nữa, việc các hộ dân thỏa thuận mời VPLS và chấp nhận trả tiền thù lao trong vụ án này đều là quan hệ dân sự. Còn nếu có vướng mắc trong việc thực hiện hợp đồng thì các bên có thể thương lượng giải quyết hoặc khởi kiện ra Tòa chứ không thể “hình sự hóa” mối quan hệ này. 

Đáng nói hơn, bị can Giáp còn khẳng định tại thời điểm công an vào cuộc thì “dân không kiện”, không có tố cáo việc mình bị lừa và thỏa thuận làm dịch vụ pháp lý đối với người dân vẫn đang có hiệu lực.

Bị hại không tố cáo?

Không chỉ kêu oan trong vụ án ở huyện Sốp Cộp nêu trên, hiện nay, Lường Văn Giáp còn liên tục kêu oan trong vụ án “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” tương tự tại huyện Mộc Châu (với số tiền thu của dân là 58 triệu đồng).

Chỉ khác là trong vụ án này, Giáp đã bị TAND tỉnh Sơn La xử 30 tháng tù (cho hưởng án treo) vào tháng 12/2015. Theo Tòa thì Giáp đã tự nhận mình là LS của VPLS Trần Huấn để xây dựng lòng tin với người dân xã Tân Lập, huyện Mộc Châu rồi thu tiền phí để thực hiện trợ giúp người dân trong việc khiếu nại, đòi bồi thường Dự án Thủy điện Sơn La

Về vụ án này, trao đổi qua điện thoại với phóng viên, ông Quàng Văn On (trú tại bản Nậm Tôn, xã Tân Lập, huyện Mộc Châu) cho biết, khi vụ án đang được điều tra thì ông và ông Lù Văn Niên (trú cùng bản) đã có đơn gửi nhiều cơ quan khẳng định, những hộ dân nộp tiền ứng thù lao và giấy tờ để nhờ VPLS Trần Huấn không hề viết đơn kiện ông Giáp. Người dân vẫn biết anh Giáp chỉ là nhân viên VPLS, được ông Huấn chỉ đạo và giao nhiệm vụ hướng dẫn dân viết giấy yêu cầu LS và bản cam kết.

Trong đơn này, ông On và ông Liên còn chỉ đích danh hai người đã giả mạo chữ viết, chữ ký và vân tay của các hộ dân để tố cáo ông Giáp. Và đơn giả mạo này  chính là cái cớ để CQĐT vào cuộc trong vụ án này.

Ngoài ra, bà Nguyễn Thúy Huynh (vợ bị can Lường Văn Giáp) cũng cho biết, tại phiên tòa sơ thẩm, rất nhiều người được Tòa coi là bị hại nhưng đều khẳng định trước Tòa rằng bị cáo không giả danh LS và họ không bị lừa. Tuy nhiên, lời khai này không được xem xét và ghi nhận vào bản án.

Đặc biệt, khi xét xử phúc thẩm, do đường xa, 15 bị hại đã không lên TP Sơn La dự phiên tòa được, nhưng họ đều có đơn xin xử vắng mặt và khẳng định mình không bị lừa vì vẫn biết Lường Văn Giáp chỉ là nhân viên của VPLS Trần Huấn. Cùng khẳng định việc thực hiện giúp dân khiếu nại trong việc thu hồi đất là giao dịch dân sự và không bắt buộc phải là LS mới được thực hiện, bà Huynh cho rằng CQĐT Công an huyện Mộc Châu đã vội vàng hình sự hóa quan hệ dân sự. Đáng nói hơn là khi ông Giáp vừa thỏa thuận với dân xong và còn đang thu tiền dang dở thì đã bị CQĐT Công an huyện Mộc Châu khởi tố bắt giam mà không cần biết ông Giáp thực hiện thỏa thuận “đòi tiền” đền bù cho dân như thế nào.

Từ  đây, bà Huynh nghi vấn, phải chăng việc đền bù giải phóng mặt bằng ở đây có gì khuất tất nên CQĐT phải vội vàng hình sự hóa để ngăn cản ông Giáp, ngăn cản VPLS trợ giúp pháp lý cho người dân? 

Đọc thêm