Luật sư "luận tội" biến nước lã, tạp chất thành xăng dầu

Trước hành vi có dấu hiệu tội phạm diễn ra trong một thời gian dài, quy mô lớn như báo chí nêu, ngoài việc xử lý nghiêm minh những kẻ phạm tội, người dân có quyền đặt câu hỏi: Chính quyền địa phương, quản lý thị trường, các cơ quan thanh tra, cảnh sát kinh tế đã làm gì và tại sao lại không phát hiện, ngăn chặn?...

Dư luận phản ánh, bãi xăng dầu Trâu Điên (đường Tô Ngọc Vân, khu phố 3, P.Linh Đông, Q.Thủ Đức, TP.HCM) rộng hàng chục ngàn mét vuông, được vây quanh bằng bốn bức tường cao, bên ngoài không treo bảng hiệu.

Tại đây, sau khi có chiếc xe bồn nào chạy vào, lập tức một nhóm thanh niên kéo vòi xả xăng (A92) ra khỏi xe. Rút ruột xong, họ bơm vào bồn xe một loại chất màu trắng đục (rút ra bao nhiêu lít xăng A92 thì bơm loại chất này vào bấy nhiêu), giá mỗi lít khoảng 18 nghìn đồng…  

Pha chế xăng dởm tại bãi Trâu Điên
Cách thức sản xuất xăng dầu của các chủ lò
Loại xăng dỏm sau khi được pha chế sẽ cho xe bồn chở đến cây xăng của công ty ở các khu vực Q.9, TP.HCM hoặc Bình Dương để bán. Một “thợ” pha chế tiết lộ: “Mua xăng A83 về pha với xăng A92, sau đó thêm một ít thuốc nhuộm màu xanh, dùng máy đánh đều là giao hàng.
Cũng có lúc xe bồn chở xăng A83 về, thợ chỉ lấy một xô pha loãng màu xanh rồi đổ lại vào xe bồn. Loại hóa chất này sẽ tự loang ra và biến xăng A83 có màu vàng thành xăng A92”. Cứ thế, loại xăng dầu này được phát tán ra các tỉnh thành Tây Ninh, Kiên Giang, An Giang, Cần Thơ đến cả Đắk Lắk...
Phụ trách nhóm pha chế của bãi Trâu Điên là Nguyễn Thanh Tùng (35 tuổi, ngụ tại Q.6). Tùng có hơn 15 năm kinh nghiệm pha trộn xăng dầu ở các lò tại Campuchia, Đà Nẵng... Ngoài Tùng còn có các thợ pha chế lâu năm khác như: Hóa “đen”, Sáu “què”... 
Tùng tiết lộ thêm: “Ở bãi này, loại xe bồn 12.000 lít bị rút ruột 2.000 lít xăng, đối với loại xe 16.000 lít bị rút ruột khoảng 4.000 lít. Bãi này còn sử dụng một loại hóa chất nhằm tăng thêm độ nhạy (đánh lửa) của xăng được nhập từ Trung Quốc, có khả năng phá hủy và ăn mòn kim loại rất mạnh. Tác dụng khác của loại hóa chất này là làm xăng nở ra trong khoảng 2-3 ngày, vì thế có thể ăn bớt thêm số lượng.
“Loại chất cực độc này khi pha vào xăng sẽ ăn mòn bình xăng chính và bình xăng con, dẫn đến xăng chảy ra ngoài, gặp nhiệt độ cao khiến xe máy bốc cháy. Nhúng ngón tay vào trong bình xăng, nếu rút tay ra mà xăng trên ngón tay khô đều thì đó là xăng chính gốc. Còn nếu cảm thấy xăng trên ngón tay có màng, không khô đều và bị ngứa, chắc chắn là xăng có pha hóa chất”, Tùng giải thích.
Tùy theo đơn đặt hàng của từng doanh nghiệp (mua dầu loại mấy chấm) mà các thợ pha chế sẽ cho thêm axit hoặc nhớt đặc vào.
Loại axit mà bãi xăng dầu này dùng để pha chế được mua trôi nổi ngoài thị trường, mỗi can 30 lít có giá 70.000-100.000 đồng. Dầu đen cũng được thu mua trôi nổi ngoài thị trường với khoảng 15.800 đồng/lít. Một thợ pha chế lâu năm nói: Công thức pha chế dầu FO loại bình thường nhất cũng phải thêm vào 800-1.000 lít nước đối với loại xe bồn 12.000 lít. Nếu doanh nghiệp có nhu cầu khác sẽ được pha chế theo yêu cầu, có thể nâng lên hoặc hạ xuống. Bãi Trâu Điên còn pha chế luôn cả loại dầu DO.
Loại dầu DO được pha chế bằng cách trộn loại dầu tái sinh (nấu ra từ nhớt) với một loại dầu rẻ tiền. Để có nguyên liệu pha chế, bãi xăng dầu Trâu Điên thu mua lượng lớn dầu tái, dầu đỏ được nấu ra từ lốp xe và nhớt thải; nhớt thải mua chỉ với giá khoảng 4.000 đồng/lít. Tuy nhiên, khi nấu ra dầu tái được bán với giá khoảng hơn 18 nghìn đồng/lít. 
Tương tự, tại lò nấu dầu đỏ từ lốp xe của ông Thanh, nằm trong một thung lũng hẻo lánh thuộc xã Hố Nai 3, H.Trảng Bom, Đồng Nai. Loại lò của ông Thanh được nấu ở nhiệt độ 300OC, hơi bốc lên chiết xuất ra dầu, vòng kẽm trong lốp xe được lấy ra bán cho cơ sở thu mua sắt, phần cặn còn lại để khô đóng bao bán. Để có được một lít dầu đỏ (mà ông gọi là dầu FO-R), lò ông Thanh phải nấu gần 3,5kg nguyên liệu trong 8 tiếng. Dầu sau khi nấu chảy qua ống dẫn, đưa vào hệ thống làm mát rồi chảy vào bồn âm dưới đất, sau đó mới ra bồn chính. Lò này có 12 công nhân làm việc. Lò nấu dầu đỏ của ông Thanh hoạt động được gần một năm nay. Lò nấu dầu này hiện có hai bồn, mỗi tháng cung cấp khoảng 100 tấn dầu đỏ. 80% loại dầu đỏ này đã được một điểm pha chế xăng dầu ở Đồng Nai mua, còn lại cung cấp cho các mối lẻ bên ngoài.
Ông Thanh chia sẻ: “Khu vực này trước đây có bốn lò nấu dầu hoạt động. Nấu dầu là phải xả khói đen và mùi hôi nên người dân phản ứng khiến ba lò xung quanh phải chuyển về Lâm Đồng, riêng lò của tôi vẫn hoạt động bình thường. Cách nấu dầu này là của mấy ông người Trung Quốc đem qua Việt Nam”.
Theo một thợ pha chế dầu, ngoài việc nấu dầu tái từ nhớt, dầu đỏ từ lốp xe, chủ các bãi xăng dầu còn có các chiêu nấu nhiều loại dầu khác. Sau khi mua nhớt tạp chất từ nhiều nguồn thải, các chủ lò có thể nấu thành nhớt mới để giao cho các bãi xe hoặc các cây xăng. Nhớt tạp chất được đổ vào thùng phuy sắt (loại 220 lít), nấu bằng củi hoặc bếp khè trong 12 tiếng, sau đó bỏ một loại hóa chất vào thì chúng tự phân thành hai phần: Phần trên nổi lên thu được 140-150 lít nhớt sạch, phần tạp chất nặng hơn sẽ lắng xuống và được chuyển qua pha với dầu FO cùng một số hóa chất khác. Một kiểu nấu khác là dầu FO “zin” mua từ kho xăng dầu có thể nấu ra được dầu diesel...
Dấu hiệu của tội sản xuất, buôn bán hàng giả
Liên quan vụ việc này, Luật sư Trương Trọng Nghĩa cho rằng: Về hành vi pha chế xăng dầu giả, pháp luật có quy định đầy đủ tội danh, hình phạt, biện pháp trừng phạt khác.
Tuy nhiên, trước hành vi có dấu hiệu tội phạm diễn ra trong một thời gian dài, quy mô lớn như báo chí nêu, ngoài việc xử lý nghiêm minh những kẻ phạm tội, người dân có quyền đặt câu hỏi: Chính quyền địa phương, quản lý thị trường, các cơ quan thanh tra, cảnh sát kinh tế đã làm gì và tại sao lại không phát hiện, ngăn chặn?. Bởi, trong vụ này, một bộ phận trong bộ máy quản lý Nhà nước, thực thi luật pháp không làm tròn chức trách.  
Loại hóa chất trộn vào trong công nghệ xăng dởm gây ăn mòn kim loại rất mạnh
Chuyên viên Kiều Anh Vũ, VPLS Lê Nguyễn cho rằng: Theo thông tin báo chí phản ánh, có dấu hiệu của nhiều tội phạm liên quan đến vụ việc, cụ thể các hành vi có dấu hiệu tội phạm gồm: Hành vi “rút ruột” xăng thật và hành vi kinh doanh xăng dầu dỏm.
Đối với hành vi rút xăng thật, với hàng nghìn lít xăng bị rút ruột, giá trị lên đến hàng chục triệu đồng, đây là dấu hiệu của tội trộm cắp tài sản theo quy định tại Điều 138 Bộ luật Hình sự 1999 sửa đổi, bổ sung năm 2009 (BLHS) hoặc lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản theo quy định tại Điều 140 BLHS (chẳng hạn nhận được tài sản một cách hợp pháp bằng các hình thức hợp đồng rồi dùng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản).
Hoặc cũng tùy vào giá trị bị chiếm đoạt mà mức hình phạt cũng khác nhau. Đối với hành vi kinh doanh xăng dỏm: Kinh doanh xăng dỏm được nói ở đây bao gồm các hoạt động pha chế, phân phối xăng dỏm tại thị trường trong nước (căn cứ theo khoản 2 Điều 3 Nghị định 84/2009/NĐ-CP ngày 15/10/2009 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu). Cạnh đó, các doanh nghiệp pha chế xăng dầu dỏm đã có dấu hiệu của tội kinh doanh trái phép theo quy định tại Điều 159 BLHS đối với những người thực hiện việc pha chế, phân phối xăng dỏm. 
Cũng có quan điểm cho rằng việc pha chế xăng dỏm, phân phối xăng dỏm có dấu hiệu của tội sản xuất, buôn bán hàng giả. Vấn đề đặt ra là xăng bị pha chế, chất lượng không đảm bảo có được coi là giả (về chất lượng) hay không?.
Hiện nay không có quy định nào định nghĩa “xăng giả” là gì. Tuy nhiên, theo khoản 8 Điều 3 Nghị định 06/2008/NĐ-CP về xử phạt hành chính trong lĩnh vực thương mại, hàng hóa được coi là giả về chất lượng và công dụng là “hàng hóa không có giá trị sử dụng hoặc giá trị sử dụng không đúng với nguồn gốc, bản chất tự nhiên, tên gọi và công dụng của hàng hóa”.
Ở đây xăng bị pha chế, kém chất lượng vẫn có “giá trị sử dụng” như xăng thật, đều dùng làm nhiên liệu cho động cơ, xe máy… Như vậy, khó có thể khẳng định xăng pha chế, xăng kém chất lượng là xăng giả. Do đó, dấu hiệu của tội sản xuất, buôn bán hàng giả là chưa rõ ràng – Chuyên viên Anh Vũ phân tích. 
Trần Đạt – Nguyễn Ngọc 

Đọc thêm