Luật Thủ đô (sửa đổi): Động lực quan trọng thúc đẩy đổi mới sáng tạo trên địa bàn TP Hà Nội

(PLVN) - Luật Thủ đô (sửa đổi) vừa được Quốc hội khóa XV thông qua cho phép TP Hà Nội thử nghiệm có kiểm soát với công nghệ, sản phẩm, dịch vụ hoặc mô hình kinh doanh mới có tính đổi mới sáng tạo trong điều kiện thực tế với phạm vi được giới hạn. Đây là cơ chế thuận lợi nhằm khuyến khích hoạt động đổi mới sáng tạo trên địa bàn Thủ đô.
Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Thủ đô (sửa đổi).
Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Thủ đô (sửa đổi).

Miễn trừ áp dụng một số quy định của pháp luật trong phạm vi giới hạn thử nghiệm

Điều 25 Luật Thủ đô (sửa đổi) nêu rõ, thử nghiệm có kiểm soát là việc thử nghiệm công nghệ, sản phẩm, dịch vụ hoặc mô hình kinh doanh mới có tính đổi mới sáng tạo trong điều kiện thực tế với phạm vi được giới hạn dưới sự kiểm soát đặc biệt của cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong một số lĩnh vực có khả năng mang lại giá trị và hiệu quả cao về kinh tế - xã hội mà pháp luật chưa có quy định, chưa cho phép thực hiện hoặc quy định hiện hành của pháp luật không còn phù hợp.

Việc cho phép thử nghiệm kiểm soát nhằm khuyến khích hoạt động đổi mới sáng tạo và làm cơ sở để cơ quan Nhà nước xem xét, đánh giá các rủi ro có thể phát sinh trước khi quyết định đưa vào ứng dụng chính thức, qua đó xác định cơ chế quản lý, điều chỉnh phù hợp.

Luật cũng nêu rõ, thử nghiệm có kiểm soát có thể bị giới hạn về không gian địa lý triển khai thực hiện; về quy mô thử nghiệm; về đối tượng được tham gia sử dụng công nghệ, sản phẩm, dịch vụ, tham gia mô hình kinh doanh được thử nghiệm; về số lượng người dùng hoặc các giới hạn cần thiết khác.

Thời hạn thực hiện thử nghiệm có kiểm soát tối đa là 3 năm và có thể được gia hạn 1 lần không quá 3 năm.

Theo quy định của Luật, UBND TP Hà Nội cho phép thử nghiệm có kiểm soát dưới hình thức cấp phép có thời hạn đối với các công nghệ, sản phẩm, dịch vụ, mô hình kinh doanh mà pháp luật chưa có quy định, chưa cho phép thực hiện hoặc cấp phép có thời hạn. Đồng thời, miễn trừ áp dụng một số quy định của pháp luật trong phạm vi giới hạn thử nghiệm đối với các công nghệ, sản phẩm, dịch vụ, mô hình kinh doanh đã có quy định của pháp luật nhưng không đủ cụ thể hoặc không còn phù hợp trong phạm vi giới hạn được xác định phù hợp với đánh giá về mức độ rủi ro và khả năng kiểm soát của UBND TP.

Luật Thủ đô (sửa đổi) quy định các điều kiện cấp phép thử nghiệm có kiểm soát, bao gồm công nghệ, sản phẩm, dịch vụ hoặc mô hình kinh doanh có tính đổi mới sáng tạo có phạm vi ứng dụng, triển khai trên địa bàn TP. Hà Nội, ưu tiên đối với các công nghệ, sản phẩm, dịch vụ, mô hình kinh doanh triển khai trong phạm vi khu công nghệ cao, khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, Trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia, Trung tâm đổi mới sáng tạo của TP.

Công nghệ, sản phẩm, dịch vụ hoặc mô hình kinh doanh có triển vọng mang lại giá trị, hiệu quả cao về kinh tế - xã hội, ưu tiên trong lĩnh vực công nghệ cao, lĩnh vực khoa học và công nghệ trọng điểm của TP; không xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự, an toàn và lợi ích xã hội…

Phúc đáp yêu cầu phát triển khoa học công nghệ

Đánh giá cao quy định về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát của Luật Thủ đô (sửa đổi), nhiều ý kiến cho rằng đây chính là động lực quan trọng để thúc đẩy phong trào nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo trên địa bàn TP Hà Nội, là điểm tựa cho các nhà khoa học xé rào bước qua ranh giới an toàn.

PGS.TS Bùi Thị An.

PGS.TS Bùi Thị An.

Khẳng định quy định về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát là điểm sáng trong Luật Thủ đô (sửa đổi), PGS.TS Bùi Thị An cho biết, việc cho phép thử nghiệm có kiểm soát là một chính sách vô cùng quan trọng.

Bởi, đổi mới sáng tạo luôn đi kèm theo rủi ro, trong nghiên cứu khoa học, ranh giới giữa thành công và thất bại rất mong manh. Vì vậy, nhiều cá nhân, tổ chức, nhà khoa học… chưa thực sự có động lực dấn thân vào thử nghiệm nghiên cứu sản phẩm, giải pháp mới. ô hình chung, sự an toàn đã triệt tiêu tính sáng tạo trong xã hội.

“Nếu xã hội không cho thử nghiệm thì không thể nào có cái mới, đột phá được. Vì thế, nếu chấp nhận có sáng tạo, có đổi mới, phải chấp nhận rủi ro thì nhà khoa học mới mạnh dạn vào cuộc”, PGS.TS Bùi Thị An khẳng định.

Trong bối cảnh như vậy, bà Bùi Thị An cho rằng, việc Luật Thủ đô (sửa đổi) được thông qua đã tháo gỡ được điểm nghẽn trong nghiên cứu khoa học, cho phép thử nghiệm có giám sát của cơ quan Nhà nước.

“Luật đã tạo động lực, điểm tựa cho nhà khoa học, để nhà khoa học dấn thân nghiên cứu, kích thích sự sáng tạo. Đây sẽ là bước tiến dài cho Thủ đô có điều kiện phát triển đột phá, tăng trưởng”, PGS.TS Bùi Thị An nhấn mạnh.

Tuy nhiên, PGS.TS Bùi Thị An cho rằng, để cơ chế này đạt hiệu quả cao nhất cho xã hội, cần có sự giám sát chặt chẽ của cơ quan quản lý.

Theo đó, căn cứ vào điều hướng, định hướng chung của đất nước, người đứng đầu cơ quan, tổ chức cần căn cứ vào yêu cầu thực tế của đơn vị mình để chọn các sản phẩm nghiên cứu thử nghiệm cho phù hợp, sàng lọc các đề tài kỹ trước khi thử nghiệm, giảm thiểu tối đa rủi ro.

Trước đó, qua thảo luận, các đại biểu Quốc hội cũng đều đánh giá cao quy định về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát.

Đại biểu Phạm Trọng Nghĩa (Đoàn Lạng Sơn) đánh giá, đây là quy định đầu tiên ở cấp độ luật, điều chỉnh vấn đề hết sức quan trọng này, phúc đáp yêu cầu phát triển khoa học công nghệ.

Đọc thêm