Sơ đồ tuyến đường sắt đô thị TP Hà Nội. |
Giải pháp then chốt rút ngắn thời gian thực hiện các dự án đường sắt đô thị
Chia sẻ sau khi Luật Thủ đô (sửa đổi) được thông qua, ông Lê Trung Hiếu - Phó Giám đốc Sở kế hoạch và đầu tư Hà Nội cho rằng, với việc thông qua Luật Thủ đô (sửa đổi), có thể xem như Quốc hội, Chính phủ đã trao cho Hà Nội một chiếc “chìa khóa vàng”, mở cánh cửa vượt thoát khỏi những khó khăn, vướng mắc đã kéo dài hàng thập kỷ, kìm bước sự phát triển về hạ tầng giao thông, đặc biệt là đường sắt đô thị (ĐSĐT)
Phân tích, ông Lê Trung Hiếu cho hay, Luật Thủ đô (sửa đổi) là một trong những khung chính sách bản lề có ý nghĩa đặc biệt thúc đẩy ĐSĐT, TOD phát triển.
“Những tồn tại, bất cập thực tế đã được các chuyên gia chỉ rõ như thiếu quy định về thu hồi giá trị đất đai trong khi làm ĐSĐT; thiếu tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật chung; bị ràng buộc bởi quá nhiều thủ tục hành chính gây khó khăn cho các dự án ĐSĐT…, tất cả những vấn đề đó sẽ được giải quyết về cơ bản căn cứ trên những quy định của Luật Thủ đô (sửa đổi), khi Hà Nội được trao quyền tự quyết trong việc đầu tư, xây dựng các dự án ĐSĐT”, ông Lê Trung Hiếu cho hay.
Dẫn chứng, ông Hiếu chỉ ra rằng, Điều 37, Thẩm quyền về đầu tư tại Luật Thủ đô (sửa đổi) đưa ra khái niệm: “Dự án trọng điểm của Thủ đô là dự án có quy mô lớn, có vai trò tạo động lực, sức lan tỏa, kết nối để thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô, có ý nghĩa lớn đối với phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô, Vùng Thủ đô và cả nước. HĐND TP Hà Nội quy định Danh mục dự án trọng điểm của Thủ đô”.
Như vậy, Luật Thủ đô (sửa đổi) đã trở thành căn cứ pháp lý vững chắc cho phép HĐND TP Hà Nội quyết định chủ trương đầu tư các dự án trọng điểm, có ý nghĩa cấp bách với Thủ đô. Đây sẽ là giải pháp then chốt để rút ngắn thời gian thực hiện cho các công trình trọng điểm, nhất là ĐSĐT.
Bên cạnh đó, Luật Thủ đô (sửa đổi) cũng cho phép HĐND TP Hà Nội quy định trình tự, thủ tục quyết định chủ trương đầu tư đối với các dự án thuộc thẩm quyền theo quy định của pháp luật về đầu tư công và quyết định chủ trương đầu tư đối với các dự án: ĐSĐT; dự án sử dụng vốn đầu tư công tối đa 20.000 tỷ đồng; dự án sử dụng ngân sách trung ương, nguồn vốn ODA, vốn vay ưu đãi của nước ngoài giao TP Hà Nội làm chủ đầu tư; dự án sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước kết hợp với nguồn vốn ngoài ngân sách; dự án đầu tư công liên tỉnh nằm trong vùng Thủ đô.
Công cụ pháp lý quan trọng để thực hiện các dự án TOD
Ngoài ra, Luật Thủ đô (sửa đổi) cũng cho phép UBND TP Hà Nội quy định trình tự, thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư đối với các dự án theo quy định của Luật Đầu tư, Luật Công nghệ cao.
Cụ thể là gồm dự án đầu tư xây dựng nhà ở để bán, cho thuê, cho thuê mua, khu đô thị có quy mô sử dụng đất dưới 500ha hoặc quy mô dân số từ 50.000 người trở lên; dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao.
“Đây sẽ là công cụ pháp lý quan trọng để thực hiện các dự án TOD”, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội nêu rõ.
Ngoài ra với các dự án hạ tầng giao thông lớn, Điều 43, Luật Thủ đô (sửa đổi) được xem như “liều thuốc tăng lực” rất mạnh với nội dung: “Tách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng (GPMB) ra khỏi dự án đầu tư công”.
Cụ thể, Điều 43 cho phép: “Cơ quan nhà nước có thẩm quyền của TP Hà Nội, khi quyết định chủ trương đầu tư dự án tổng thể có quy mô dự án nhóm B, nhóm C theo quy định của pháp luật về đầu tư công, có quyền quyết định tách công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, GPMB thành dự án độc lập khi phê duyệt chủ trương đầu tư dự án tổng thể. Căn cứ chủ trương đầu tư dự án tổng thể, cơ quan nhà nước có thẩm quyền của TP Hà Nội quyết định đầu tư dự án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, GPMB”.
Ông Lê Trung Hiếu. Ảnh: Báo Kinh tế&Đô thị. |
Theo ông Lê Trung Hiếu, quyết định đầu tư là căn cứ để bố trí vốn kế hoạch đầu tư công hằng năm, đồng thời là căn cứ để cơ quan nhà nước có thẩm quyền của TP Hà Nội ban hành thông báo thu hồi đất, quyết định thu hồi đất. Trường hợp điều chỉnh dự án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, GPMB phát sinh yếu tố phải điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án tổng thể, HĐND TP thực hiện điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án tổng thể trước khi Chủ tịch UBND điều chỉnh dự án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, GPMB.
Như vậy nút thắt GPMB vốn gây chậm tiến độ hàng loạt dự án giao thông trọng điểm của Hà Nội đã được tháo gỡ. TP có thể chủ động hoàn toàn trong GPMB cũng như thời điểm thực hiện dự án.
“Tháo được nút thắt GPMB đối với các dự án giao thông, dù lớn hay nhỏ, đều có ý nghĩa sống còn. Với Luật Thủ đô (sửa đổi) khẳng định hạ tầng giao thông của Hà Nội sẽ tiến như vũ bão trong những năm tới”, ông Lê Trung Hiếu tin tưởng.
Ông Đào Ngọc Nghiêm - Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam chỉ ra rằng, trên thế giới không quá 10 nước có luật riêng cho thủ đô. Vì vậy, việc Thủ đô Hà Nội có được một bộ luật cho riêng mình thể hiện sự quan tâm rất lớn của Đảng, Nhà nước và Nhân dân cả nước đối với sự phát triển của Thủ đô Hà Nội. Ông Đào Ngọc Nghiêm tin tưởng, cùng với các nghị quyết quan trọng của Trung ương liên quan tới Thủ đô Hà Nội, Luật Thủ đô (sửa đổi) được thông qua được xem như kim chỉ nam để Thủ đô bứt phá mạnh mẽ trong giai đoạn tới.
Đáng chú ý, trong Luật Thủ đô (sửa đổi) có riêng một điều về không gian ngầm, tạo thuận lợi rất lớn cho khai thác không gian tiềm năng mới trong phát triển Thủ đô. Luật cũng quy định rất rõ vai trò, trách nhiệm của từng cấp, ngành trong thực hiện cải tạo, tái thiết đô thị.
Đặc biệt, UBND TP được thành lập và quy định tổ chức, hoạt động của Quỹ Bảo tồn khu vực nội đô lịch sử. "Đây là một yếu tố quan trọng để hiện thực hóa chủ trương cải tạo, chỉnh trang, tái thiết đô thị, gắn với bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa khu vực nội đô lịch sử", ông Đào Ngọc Nghiêm nói.
Phạm vi điều chỉnh của Luật Thủ đô (sửa đổi) quy định vị trí, vai trò của Thủ đô; chính sách, trách nhiệm xây dựng, phát triển, quản lý và bảo vệ Thủ đô. Như vậy, Luật tạo hành lang pháp lý để hiện thực hóa Quy hoạch Thủ đô.
Đặc biệt, Luật sẽ tạo hành lang pháp lý bảo vệ cuộc sống an toàn, công bằng cho người Thủ đô hôm nay, tạo nhiều cơ hội đóng góp cho Thủ đô ngày mai, một Thủ đô giàu bản sắc và có khả năng thích ứng trước nhiều thách thức mới của thiên tai và nhân tai như khô hạn, nắng nóng, ô nhiễm môi trường cùng những biến đổi kinh tế, chính trị toàn cầu…