Luật Thủ đô:Gỡ vướng, tạo đà cho Hà Nội phát triển và hội nhập

(PLO) - Sau khi Luật Thủ đô có hiệu lực thi hành (1/7/2013), nhiều cơ chế chính sách đặc thù đã được ban hành, qua đó, giúp cho TP.Hà Nội tháo gỡ nhiều vấn đề vướng mắc trước đây. 
Luật Thủ đô tạo đà cho Hà Nội phát triển và hội nhập sâu rộng
Luật Thủ đô tạo đà cho Hà Nội phát triển và hội nhập sâu rộng
Tuy nhiên, để văn bản pháp lý đặc biệt quan trọng, có ý nghĩa lịch sử to lớn đối với Hà Nội tiếp tục đi vào cuộc sống thì thành phố quán triệt đầy đủ về tầm quan trọng của nhiệm vụ thực hiện Luật Thủ đô và các văn bản hướng dẫn, không thể coi đây là nhiệm vụ riêng của ngành Tư pháp.
Giải quyết nhiều tình huống hóc búa 
Theo báo cáo của UBND TP.Hà Nội, trong hơn một năm qua, những cơ chế chính sách đặc thù của Thủ đô trong quản lý dân cư, phát triển và quản lý giao thông vận tải, giáo dục đào tạo, trọng dụng nhân tài… đã được triển khai và có tác động tích cực. 
Chẳng hạn như: nâng lương trước thời hạn đối với công chức, viên chức tiêu biểu, chi trả mức lương cho nhân tài gấp nhiều lần mức lương tối thiểu tính tại thời điểm tuyển dụng, tiếp nhận 61 thủ khoa, người tốt nghiệp loại giỏi, xuất sắc ở nước ngoài làm việc tại các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp của Hà Nội. Hay gần đây nhất, ngày 12/8, UBND TP.Hà Nội đã chỉ đạo Sở Giao thông Vận tải tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp để người tham gia giao thông được thuận lợi, phấn đấu năm 2014 vận chuyển 480 triệu lượt hành khách… 
Đáng chú ý, việc giảm phần nào áp lực về dân số trong khu vực nội thành Hà Nội có thể xem là một trong những kết quả đáng ghi nhận sau hơn một năm triển khai thi hành Luật Thủ đô. Bởi trước thời điểm Luật Thủ đô có hiệu lực thi hành, tình trạng gia tăng dân số cơ học quá nhanh ở nội thành Hà Nội vốn được xem là bài toán nan giải trong công tác quản lý dân cư. 
Còn nay theo Đại tá Đào Thanh Hải, Phó Giám đốc Công an TP.Hà Nội, tính đến ngày 1/7/2014, dân số của Hà Nội đạt 7.385.545 nhân khẩu, giảm gần nửa so với số nhân khẩu gia tăng các năm trước. Trên cơ sở giảm dần việc gia tăng dân số theo cấp số nhân cả về tốc độ và quy mô, UBND TP.Hà Nội và các ngành chức năng đã có thêm điều kiện nâng cao chất lượng đời sống người dân cả về giao thông môi trường, giáo dục, việc làm, bình đẳng giới, an sinh xã hội… 
Tuy nhiên, để các quy định trong Luật Thủ đô đến được với từng người dân và cán bộ công chức Hà Nội, các ngành, các cấp trên địa bàn thành phố đã tiến hành triển khai phổ biến, tuyên truyền Luật Thủ đô một cách sâu rộng, có trọng tâm, trọng điểm, bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú phù hợp với đối tượng. Nhờ thế, Luật Thủ đô đã được đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức thành phố cùng đông đảo các tầng lớp nhân dân trên địa bàn Thủ đô biết và hưởng ứng, tạo sự chuyển biến bước đầu trong thực hiện trách nhiệm, nghĩa vụ của người Thủ đô, góp phần đưa Thủ đô Hà Nội văn minh, hiện đại, phát triển như mục đích mà Luật Thủ đô đã đề ra. 
Để Luật Thủ đô thực sự lan tỏa
Khảo sát của Đoàn Đại biểu Quốc hội TP.Hà Nội chỉ ra một điểm tồn tại là có 3 văn bản thuộc thẩm quyền của cơ quan Trung ương và 1 Nghị quyết của HĐND thành phố hướng dẫn thi hành Luật Thủ đô chưa được ban hành theo Quyết định số 353/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Nguyên nhân của tình trạng này do văn bản của Trung ương do các Bộ, ngành được giao chủ trì chưa triển khai xây dựng; 
Nghị quyết quy định xử phạt hành chính lĩnh vực đất đai do HĐND thành phố chịu trách nhiệm cũng chậm triển khai vì văn bản có hiệu lực cao hơn là Nghị định quy định mức tiền phạt đối với một số hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai chưa được Chính phủ ban hành, nên thành phố thiếu căn cứ thực hiện. Có điều, với những nguyên do này, dù Luật Thủ đô là văn bản pháp lý đặc biệt quan trọng, có ý nghĩa lịch sử to lớn đối với Hà Nội, trong đó quy định nhiều cơ chế, chính sách tạo động lực cho sự nghiệp xây dựng, phát triển, quản lý và bảo vệ Thủ đô nhưng chưa thực sự lan tỏa tác dụng đều khắp.
Phó trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội TP.Hà Nội Chu Sơn Hà thì nhấn mạnh: “Luật Thủ đô là văn bản pháp lý đặc biệt quan trọng, có ý nghĩa lịch sử to lớn đối với Hà Nội, trong đó quy định nhiều cơ chế, chính sách tạo động lực cho sự nghiệp xây dựng, phát triển, quản lý và bảo vệ Thủ đô”. 
Tuy nhiên, theo ông Hà, Luật Thủ đô mới có hiệu lực được hơn một năm nên việc đánh giá hiệu quả tác động cũng như kết quả tuyên truyền, phổ biến về Luật thông qua chuyển biến nhận thức làm thay đổi về hành vi không chỉ đối với người dân Thủ đô mà ngay cả đối với cán bộ, công chức Thủ đô chưa được rõ rệt. Đáng quan tâm, có hiện tượng chính quyền một số cơ sở, cơ quan, ban ngành nhận thức chưa đầy đủ về tầm quan trọng của nhiệm vụ thực hiện Luật Thủ đô và các văn bản hướng dẫn, coi đây là nhiệm vụ của ngành Tư pháp nên thiếu sự quan tâm, chỉ đạo sát sao. Ngoài ra, nhiều cơ sở chỉ mới coi trọng tuyên truyền nội dung của Luật mà chưa chú trọng đến các văn bản hướng dẫn thi hành, trong khi đây mới là cơ sở quyết định Luật Thủ đô có đi vào cuộc sống hay không.
Vì vậy, để Luật Thủ đô thực sự phát huy hết hiệu quả của mình, UBND TP.Hà Nội cần sớm có văn bản đề nghị cơ quan có thẩm quyền ở Trung ương khẩn trương ban hành văn bản thuộc thẩm quyền để tạo căn cứ thực hiện cho các cơ quan quản lý trên địa bàn Thủ đô. Không những thế, UBND thành phố cũng cần tăng cường chỉ đạo các sở, ngành, quận, huyện thực hiện nghiêm túc có hiệu quả công tác tuyên truyền Luật Thủ đô, trong đó phải coi trọng việc tuyên truyền, phổ biến các văn bản hướng dẫn thi hành Luật, triển khai có hiệu quả các cơ chế chính sách đã được ghi nhận trong Luật Thủ đô và các Nghị quyết của HĐND thành phố.

Đọc thêm