Luật “vênh”, người dân… khó kiện

Mặc dù Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo, Luật Tố tụng hành chính… mới ban hành tháo gỡ nhiều vấn đề trong đó có việc giải quyết khiếu nại cũng như quyền khởi kiện của người dân trong lĩnh vực đất đai nhưng do Luật Đất đai đang trong quá trình xem xét sửa đổi, nhiều quy định trong luật này vẫn là “rào cản” đối với người dân trên con đường đi tìm quyền lợi hợp pháp của mình.

Mặc dù Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo, Luật Tố tụng hành chính… mới ban hành tháo gỡ nhiều vấn đề trong đó có việc giải quyết khiếu nại cũng như quyền khởi kiện của người dân trong lĩnh vực đất đai nhưng do Luật Đất đai đang trong quá trình xem xét sửa đổi, nhiều quy định trong luật này vẫn là “rào cản” đối với người dân trên con đường đi tìm quyền lợi hợp pháp của mình.

Ảnh minh họa

“Chặn” quyền khiếu nại?

Theo thống kê, từ năm 2004 đến năm 2011, Bộ TN&MT đã tiếp nhận được 59.751 lượt đơn của 29.671 vụ việc, trong đó khiếu nại hành chính về đất đai là 17.711 vụ chiếm 58,59%, 5.966 vụ việc khiếu nại quyết định hành chính trong giải quyết tranh chấp đất đai chiếm 20,11%, 4.639 vụ đòi lại đất cũ chiếm 15,63% và 1.355 vụ việc tố cáo chiếm 4,57%.

Tuy nhiên, theo nhận định của nhiều chuyên gia, các vụ khiếu nại hành chính về đất đai khả năng không dừng ở các con số nêu trên nếu pháp luật có sự “thống nhất triệt để”. Đơn cử, Luật Đất đai quy định quyết định giải quyết tranh chấp giữa cá nhân, hộ gia đình với nhau của UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương là quyết định giải quyết tranh chấp cuối cùng.

Luật Tố tụng hành chính (có hiệu lực từ 1/7/2011) mở rộng thẩm quyền giải quyết đối với loại tranh chấp này, trường hợp UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương giải quyết mà một bên hoặc các bên đương sự không đồng ý với quyết định giải quyết thì có quyền khiếu nại đến Bộ trưởng Bộ TN&MT hoặc khởi kiện theo quy định của Luật tố tụng hành chính, nghĩa là nếu khiếu nại đến Bộ TN&MT thì có 03 cấp hành chính giải quyết vụ việc tranh chấp.

Tuy nhiên, quy định này chưa thống nhất với quy định tại Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Khiếu nại, tố cáo năm 2005, và nay là Luật Khiếu nại năm 2011 (có hiệu lực từ ngày 1/7/ 2012) quy định: Khiếu nại đã có quyết định giải quyết lần hai thì cơ quan hành chính không được thụ lý để giải quyết.

Như vậy, nếu cứ chiểu theo Luật Khiếu nại mới, thì người dân sẽ “mất quyền” được khiếu nại lên Trung ương (Bộ TN&MT), mà chỉ được dừng ở quyết định giải quyết khiếu nại lần hai (thuộc thẩm quyền của UBND cấp tỉnh,thành phố).

Đùn đẩy vì “mờ” thẩm quyền

Thống kê của cơ quan tư pháp cho thấy, trong khoảng thời gian từ 2004 đến 2011, số lượng các vụ án hành chính liên quan đến việc khởi kiện của công dân đối với các quyết định hành chính về quản lý đất đai có xu hướng gia tăng. Từ năm 2004 đến năm 2011, TAND các cấp đã thụ lý sơ thẩm 3.994 vụ, giải quyết 2.857 vụ chiếm 71,5%, người khởi kiện là cá nhân chiếm 2.715 vụ, khởi kiện là cơ quan, tổ chức chiếm 142 vụ.

Theo kết quả giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật trong giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân đối với các quyết định hành chính về đất đai do Đoàn giám sát Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiến hành,  một trong những hạn chế lớn trong lĩnh vực này là sự bất cập của hệ thống pháp luật hiện hành. Nổi lên là thẩm quyền giải quyết giữa cơ quan hành chính và TAND chưa cụ thể, rõ ràng.

Trong một số trường hợp khiếu nại về đất đai, do pháp luật về đất đai quy định thẩm quyền giải quyết còn mâu thuẫn với Luật khiếu nại, tố cáo nên các cơ quan Nhà nước còn lúng túng trong việc xác định thẩm quyền. Đây chính là nguyên nhân dẫn đến sự đùn đẩy trách nhiệm trong xem xét giải quyết vụ việc khiếu nại trong lĩnh vực đất đai, nhiều cơ quan Nhà nước không thụ lý giải quyết mặc dù vụ việc thuộc thẩm quyền của mình.

Trong khi cơ quan hành pháp cho rằng công dân có quyền khởi kiện đối với quyết định hành chính giải quyết khiếu nại lần hai, thì cơ quan tư pháp lại không công nhận và không thụ lý đơn khởi kiện. Việc này gây khó khăn cho nhân dân trong việc thực hiện quyền khiếu nại quyết định hành chính lần hai.

Mặt khác, quan hệ tranh tụng hành chính có đặc thù là tranh tụng giữa người dân với chính quyền nên cơ quan Tòa án (nhất là tòa án cấp huyện) thường ngại thụ lý, giải quyết và khi thụ lý, giải quyết thì thường bị tác động của các cơ quan, người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính đang bị khởi kiện.

Để khắc phục tình trạng “đùn đẩy” nói trên, Đoàn Giám sát của UBTVQH cho rằng, cần sửa đổi các quy định về khiếu nại, tố cáo của Luật Đất đai phù hợp với quy định của Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo, Luật Tố tụng hành chính hiện hành. Đặc biệt, đối với việc giải quyết tranh chấp đất đai cần quy định theo hướng: khiếu nại lần một do cơ quan hành chính giải quyết, lần hai khởi kiện hành chính tại Tòa án…

Đối với việc xét xử các vụ án hành chính liên quan đến đất đai của TAND các cấp thì tỷ lệ các bản án, quyết định hành chính bị hủy, sửa còn khá cao. Các bản án, quyết định có hiệu lực của Tòa án đã được hầu hết các cơ quan, tổ chức, cá nhân tôn trọng và chấp hành.

Tuy nhiên, vẫn còn một số ít cơ quan quản lý nhà nước về đất đai ở địa phương chưa thực hiện nghiêm túc bản án, quyết định có hiệu lực của TAND, gây ra việc khiếu nại bức xúc kéo dài của người dân.

(Kết quả giám sát của UBTVQH)

Thu Hằng

Đọc thêm