Liên quan đến việc ông Nguyến Thành Long “mượn danh” Chủ tịch HĐQT tổ chức người vào “cướp” Cty ĐTKS Bình Thuận đã gây ra rất nhiều hệ lụy đến lực lượng cảnh sát, công an bị xử lý kỷ luật và PLVN đã có bài phản ánh.
Ngày 9/4/2013, Cục Cảnh sát PCTP về môi trường (C49) chính thức có văn bản thông báo, lô hàng 4.800 titan của Cty ĐTKS Bình Thuận không có vấn đề gì. Như vậy, ông Long đã tố cáo sai sự thật và thêm lực lượng C49 bị “lừa” bởi chính những gì mà ông Long gây ra.
Tố cáo sai sự thật
Theo văn bản của C49, do ông Nguyễn Thành Long có đơn tố cáo hợp đồng mua bán giữa Cty ĐTTM và DV Đông Quân và Cty ĐTKS Bình Thuận có dấu hiệu xuất lậu, xuất hóa đơn thấp hơn giá trị thực, ngày 27/12/2012, C49 đã có Công văn số 1528/C49-P3 đề nghị Bộ đội biên phòng tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu và Ban chỉ huy Biên phòng cửa khẩu cảng Bà Rịa – Vũng Tàu chưa cho phép tàu Luck Fortune rời cảng.
Sau nhiều lần xác minh, đấu tranh với những người có liên quan đến vụ việc 4.800 tấn titan, đến ngày 19/3/2013, Tổng cục Cảnh sát chỉ đạo Công an tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu giao cho Phòng PC46 chủ trì phối hợp với các lực lượng Biên phòng, Hải quan và Quản lý thị trường địa phương kiểm tra hàng hóa trên tàu Luck Fortune; nếu phát hiện hành vi vi phạm thì lập biên bản để xử lý theo thẩm quyền.
Ngày 1/4/2013, Công an tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu có báo cáo số 270/BC-CAT-PC46 với nội dung: “Hồ sơ chứng từ liên quan chứng minh nguồn gốc lô hàng phù hợp với quy định của pháp luật, chưa thể hiện thấy vi phạm trong lĩnh vực thương mại đối với số hàng hóa 4.800 tấn quặng Titan trên tàu Luck Furtune”. Vì lý do trên, nếu tàu không còn sai phạm khác, C49 đề nghị Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cho phép tàu Luck Fortune rời cảng đi theo hải trình đã khai báo.
Gây hậu quả nghiêm trọng, không ai chịu trách nhiệm?
Việc tố cáo sai này đã gây ảnh hưởng đầu tiên đến chính lực lượng cảnh sát C49 khi đã phải thành lập đoàn vào kiểm tra tại Cty ĐTKS Bình Thuận liên tiếp trong các ngày 2 – 3/1/2013. Đồng thời, hàng loạt các lực lượng khác như Biên phòng, Hải quan, Quản lý thị trường cùng vào cuộc đã mất rất nhiều thời gian, kinh phí trong việc kiểm tra lô hàng trên Luck Furtune.
Đặc biệt nghiêm trọng, ngày 3/1/2013 khi C49 vào làm việc, ông Phan Đình Hiển - Phó Tổng Giám đốc Cty ĐTKS Bình Thuận (chồng bà Hoàng Thị Lý) cùng cán bộ nhân viên Cty kéo lên đòi lại quyền lợi của Cty, gia đình và đã xảy ra xô xát giữa ông Long, ông Trần Đức Du - Giám đốc Cty Cotraco Bình Thuận chuyên về vận tải và thuê văn phòng trong khuôn viên Cty ĐTKS Bình Thuận, vô tình ông Du va phải máy tính của lực lượng C49 rơi xuống đất.
Do đó, Công an huyện Hàm Thuận Nam đã khởi tố vụ án khi cho rằng ông Hiển đã chống người thi hành công vụ và đến ngày 8/3/2013 đã bắt giam ông Hiển cùng một số người liên quan; sau đó, ông Trần Đức Du cũng bị bắt giam cùng tội danh trên.
Thực tế, đến nay việc làm của ông Long đã, đang gây ra những hệ lụy khôn lường. Không chỉ cảnh sát cơ động, PC64, Công an xã Thuận Quý mà giờ đây thêm C49 đã bị ông Long lừa để “hỗ trợ” cho hành động tổ chức người vào “cướp” Cty ĐTKS Bình Thuận đã gây không ít những hiểu lầm, ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín, danh dự của lực lượng cảnh sát.
Mọi hoạt động của Cty ĐTKS Bình Thuận gần như bị tê liệt hoàn toàn bởi liên tiếp từ khi xảy ra vụ việc nói trên (ngày 21/12/2012) phải tiếp đón hàng chục đoàn kiểm tra, thanh tra liên ngành của tỉnh Bình Thuận vào thực hiện việc kiểm tra toàn bộ hoạt động. Nếu tình trạng này kéo dài, hàng trăm công nhân đang làm việc tại Cty ĐTKS Bình Thuận đứng trước nguy cơ mất việc làm. Ngoài ra, việc tàu Luck Furtune và DN mua hàng sau hơn 3 tháng bị giữ lại thì chỉ tính chi phí cho bến bãi neo đậu tại cảng, thuê tàu, đi lại, ăn ở…đã mất thêm hàng tỷ đồng.
Một vấn đề đặt ra là: Ai sẽ là người chịu trách nhiệm về những việc mà ông Long đã gây ra?.
Nhóm PV