Lực lượng cảnh vệ: Không phải lúc nào cũng cảnh báo bằng 'bắn chỉ thiên'

(PLO) - Chiều qua (6/6), cho ý kiến về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Cảnh vệ, một số đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đề nghị cân nhắc những quy định để tránh chồng chéo và vượt quá thẩm quyền của cán bộ, chiến sỹ cảnh vệ khi thi hành nhiệm vụ.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Nổ súng phải tuân thủ cả Bộ luật Hình sự

Nhất trí với quy định lực lượng cảnh vệ phải tuân thủ các nguyên tắc sử dụng vũ khí quân dụng quy định tại Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ như dự thảo nêu nhưng ĐB Nguyễn Hữu Chính (Hà Nội)  cho rằng cần quy định thêm khi nổ súng thì phải tuân thủ các quy định của Bộ luật Hình sự về phòng vệ chính đáng và tình thế cấp thiết.

Cũng theo ĐB Chính, khi nghiên cứu các trường hợp nổ súng cụ thể thì còn một số nội dung chưa phù hợp với Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ  như quy định cảnh báo với đối tượng đang đột nhập vào khu vực mục tiêu cảnh vệ.

“Quy định này chưa đầy đủ vì đối tượng mới đột nhập vào khu vực mục tiêu cảnh vệ, chưa thực hiện bất cứ hành vi nào gây nguy hiểm tới đối tượng cảnh vệ, hành vi đột nhập không đe dọa trực tiếp đến sức khỏe tính mạng của cán bộ, chiến sỹ hay đối tượng cảnh vệ. Do vậy trong trường hợp này không thể áp dụng biện pháp cảnh báo bằng nổ súng bắn chỉ thiên mà phải sử dụng hình thức cảnh báo khác” - ĐB nói.

Theo Điều 22 dự thảo Luật quy định cán bộ, chiến sỹ được huy động phương tiện thông tin, phương tiện giao thông, phương tiện khác và người đang sử dụng phương tiện đó. Tuy nhiên, ĐB Đỗ Ngọc Thịnh (Khánh Hòa) băn khoăn việc huy động phương tiện có cùng nội hàm với trưng dụng phương tiện sẽ dẫn đến quy định trong dự thảo Luật trái với Luật Trưng mua, trưng dụng tài sản năm 2012. Vì vậy, ĐB đề nghị xem lại điều khoản này để tránh chồng chéo và vượt quá thẩm quyền của cán bộ, chiến sỹ đã được quy định trong  các văn bản luật khác đã được ban hành và có hiệu lực. 

Phân biệt rõ giữa “hoạt động cảnh vệ” với “hoạt động bảo vệ”

Nhiều đại biểu (ĐB) đề nghị bổ sung chức danh Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao (TANDTC) vào nhóm đối tượng cảnh vệ. Nhưng giải trình tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của QH Võ Trọng Việt cho rằng, hiện cũng có một số ý kiến đề nghị bổ sung Tổng Kiểm toán Nhà nước, Viện trưởng VKSNDTC, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao; thậm chí nhiều tỉnh cũng đề nghị Bí thư, Chủ tịch UBND tỉnh cũng phải được đưa vào nhóm đối tượng cảnh vệ.

Tuy nhiên, cần phân biệt rõ giữa “hoạt động cảnh vệ” với “hoạt động bảo vệ” để phát huy hiệu quả và phù hợp với tính chất hoạt động của từng lĩnh vực công tác cảnh vệ, tránh chồng chéo, tổ chức cồng kềnh. Do đó, Ủy ban thường vụ QH đề nghị QH cho giữ như dự thảo Luật Chính phủ trình.

Ngoài ra, ĐB Đỗ Ngọc Thịnh (Khánh Hòa) cho rằng dự thảo Luật quy định lực lượng cảnh vệ bao gồm 2 lực lượng nhưng chưa phân định rành mạch đối tượng cảnh vệ nào thuộc trách nhiệm bảo vệ của lực lượng cảnh vệ thuộc Bộ Công an và đối tượng cảnh vệ nào thuộc trách nhiệm bảo vệ của cảnh vệ Bộ Quốc phòng. Do đó, ĐB đề nghị nếu có thể cần quy định rõ ngay trong Luật.

Đọc thêm