Lực lượng hải quan triệt phá thành công nhiều vụ buôn lậu ma túy

(PLO) - Trong những năm gần đây, tình hình buôn bán vận chuyển các loại ma túy qua biên giới ngày càng phức tạp, xuất hiện nhiều loại ma túy tổng hợp được cất giấu tinh vi nhằm trốn tránh sự phát hiện của lực lượng chức năng, trong đó có lực lượng kiểm soát hải quan tại các cửa khẩu…
Cán bộ hải quan Hà Nội kiểm kê lô hàng thảo mộc chứa chất ma túy nhập lậu vào Việt Nam. Ảnh: Hải Anh

“Nóng” trên các tuyến

Theo đánh giá của Phòng kiểm soát ma túy, Cục Điều tra chống buôn lậu, Tổng cục Hải quan, tuyến biên giới Việt - Trung đang là điểm nóng về buôn lậu, vận chuyển trái phép các chất ma túy xuyên quốc gia. Phương thức, thủ đoạn của tội phạm ma túy ngày càng tinh vi, liều lĩnh, gây nhiều khó khăn cho lực lượng chức năng…

Trên tuyến biên giới Việt - Trung, nguồn ma túy tổng hợp chủ yếu là ma túy tổng hợp từ Trung Quốc qua biên giới các tỉnh Cao Bằng, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Lào Cai, Lai Châu, Hà Giang tiêu thụ ở Việt Nam và vận chuyển đi nước thứ ba.

Tuyến biên giới Việt - Lào là tuyến đường vận chuyển thuốc phiện, cần sa từ khu vực tam giác vàng về Việt Nam qua các tỉnh Điện Biên, Lai Châu, Sơn La, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình và đi nước thứ ba tiêu thụ.

Các đối tượng lợi dụng chính sách mua bán, trao đổi của cư dân biên giới, lợi dụng  các loại hình xuất nhập khẩu như quá cảnh, tạm nhập, tái xuất, chuyển khẩu để cất giấu hoặc thuê người cất giấu ma túy trong người, hàng lý xách tay, phương tiện vận chuyển xuất nhập cảnh qua biên giới đường bộ.

Bên cạnh đó, trên tuyến hàng không, bưu điện, chuyển phát nhanh, lực lượng hải quan đã phát hiện gần chục vụ cất giấu ma túy trong các lô hàng quà biếu nhập khẩu, xuất khẩu từ Úc, Anh, Braxin, Mỹ dưới dạng túi nhôm ép kín, xà bông bánh hoặc hàng hóa được khai báo là quần áo, bao da…

Tính từ đầu năm đến hết tháng 10/2016, lực lượng hải quan đã chủ trì và phối hợp phát hiện và bắt giữ 107 vụ buôn lậu, vận chuyển trái phép các chất ma túy, tang vật thu giữ gần 29kg heroin, 5,3kg cocain, 42,5kg cần sa, 2.774kg thảo dược chứa cathine, 8,6 kg thuốc phiện, 69kg ma túy bột, 59.338 viên ma túy tổng hợp.

Theo đại diện Phòng Kiểm soát ma túy, trong năm 2016, lực lượng hải quan đã chủ trì và phối hợp với lực lượng chức năng thực hiện thành công nhiều chuyên án, thu giữ lượng ma túy lớn. Tiêu biểu là chuyên án triệt phá đường dây vận chuyển thảo mộc chứa chất ma túy từ nước ngoài đưa vào Việt Nam qua cửa khẩu Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, thu giữ gần 4 tấn hàng hóa.

Đối tượng buôn lậu lợi dụng Việt Nam là nước xuất khẩu chè, khi xuất nhập khẩu các cá nhân, doanh nghiệp đều khai báo với cơ quan hải quan là cây thảo mộc sấy khô, cây chùm ngây khô, chè khô để thông quan các lô hàng này đến nước thứ ba. Chủ mưu ở nước ngoài, người gửi và người nhận là những người được thuê vận chuyển tại Việt Nam. Các đối tượng nhập khẩu thảo mộc sấy khô từ Etiopia, Kenia, Nam Phi tập kết về Việt Nam sau đó tìm cách chuyển sang các nước: Úc, Hà Lan, Mỹ qua đường hàng không, bưu chính quốc tế.

Đây là chiến công nổi bật của lực lượng chống buôn lậu hải quan trong năm 2016, được đánh giá cao, khi kịp thời ngăn chặn đường dây, ổ nhóm buôn lậu dạng ma túy mới vào Việt Nam.

Tang vật và đối tượng buôn lậu ma túy do Hải quan Điện Biên chủ trì phát hiện, bắt giữ ngày 31/8/2016. Ảnh: Mạnh Quân 

Tăng cường chống buôn lậu ma túy

Đại diện Phòng kiểm soát ma túy cũng cho hay, hoạt động tội phạm ma túy ngày càng diễn biến phức tạp và gia tăng do lợi nhuận thu được lớn nên các băng nhóm tội phạm hoạt động mạnh, đặc biệt trong dịp cuối năm. Thực tiễn cho thấy, để qua mặt lực lượng chức năng, tội phạm ma túy thường cất giấu ma túy trong hàng hóa hoặc lén lút, băng rừng vận chuyển qua các đường mòn, lối mở hai bên biên giới, hoặc lợi dụng các loại hình xuất nhập khẩu hàng hóa (khai báo sai tên hàng, số lượng, chủng loại…).

Theo đánh giá của cơ quan chức năng, Trung Quốc đã và đang trở thành nơi tiêu thụ, trung chuyển ma túy rất lớn. Nguồn heroin từ Myanmar, Lào vận chuyển về Việt Nam sang Trung Quốc theo nhiều đường khác nhau. Ngược lại, ma túy tổng hợp được sản xuất từ Trung Quốc và xuất đi các nước khác, trong đó có Việt Nam. Đây là thách thức lớn đối với lực lượng chức năng, trong đó có cơ quan hải quan, khi tuyến biên giới tiếp giáp giữa các nước dài hàng ngàn kilômét, địa hình hiểm trở, có nhiều cửa khẩu, lối mòn, lối mở.

Thách thức nữa mà lực lượng chức năng phải đối mặt là do đời sống, trình độ dân trí của người dân ở vùng biên giới còn thấp rất dễ bị các đối tượng phạm tội lợi dụng, lôi kéo, mua chuộc tham gia vào đường dây phạm tội về ma túy; số người nghiện còn cao, trong khi hiệu quả cai nghiện thấp. 

Hơn nữa, các cấp ủy Đảng, chính quyền ở một số địa phương còn chưa kiên quyết trong công tác chỉ đạo phòng, chống ma túy; lực lượng chuyên trách phòng, chống ma túy còn thiếu về biên chế, kinh phí và phương tiện kỹ thuật hiện đại; công tác phối hợp giữa các lực lượng: công an, bộ đội biên phòng, hải quan, cảnh sát biển chưa thường xuyên, vẫn còn theo vụ việc, chưa đi vào chiều sâu…

Để công tác chống buôn lậu nói chung và các mặt hàng quốc cấm, trong đó có ma túy dịp cuối năm 2016, ngày 7/11, Tổng cục Hải quan đã có văn bản chỉ đạo các cục hải quan tỉnh, thành phố, Cục Điều tra chống buôn lậu tích cực lập kế hoạch kiểm soát chặt các cửa khẩu.

Trong những tháng cuối năm 2016, Cục Điều tra chống buôn lậu sẽ tích cực phối hợp với lực lượng chuyên trách phòng chống ma túy trong và ngoài ngành tăng cường kiểm soát các địa bàn trọng điểm, đặc biệt là trong địa bàn hải quan quản lý, trên các tuyến biên giới Việt - Trung và Việt - Lào; tại các cảng hàng không quan trọng như sân bay quốc tế Nội Bài (Hà Nội), Tân Sơn Nhất (TP HCM); trên tuyến cảng biển là khu vực Quảng Ninh, Hải Phòng…

Đọc thêm