Di dời khẩn cấp người và tài sản đến nơi an toàn
Mưa lũ trên địa bàn huyện Than Uyên (Lai Châu) đã làm 4 người chết, 4 người bị thương, 2 người mất tích. Mưa lũ cũng làm hư hỏng nhiều công trình giao thông, kênh mương thủy lợi, nhà ở và nhiều diện tích hoa màu. Ngay sau khi thiên tai xảy ra, Bộ Chỉ huy quân sự (CHQS) tỉnh Lai Châu đã chỉ đạo Ban CHQS huyện Than Uyên cử cán bộ, chiến sĩ cùng phối hợp dân quân xã và các lực lượng khác kịp thời khắc phục sự cố sạt lở đất, di dời khẩn cấp người và tài sản đến nơi an toàn, tổ chức khơi thông tuyến giao thông.
Ban CHQS huyện còn huy động tối đa lực lượng phối hợp cùng cấp ủy, chính quyền địa phương cấp phát lương thực, thực phẩm, mì tôm, nước uống để tạm thời giúp dân vượt qua khó khăn trong mưa lũ. Những hộ gia đình bị nước lũ cô lập, Ban CHQS huyện giúp di dời tài sản cũng như con người lên vị trí cao, bảo đảm an toàn.
Là 1 trong 38 hộ gia đình được cán bộ, chiến sĩ Ban CHQS huyện giúp đỡ, ông Tòng Văn Ón (bản Lả Mường, xã Mường Cang), chia sẻ: “Do nhà của tôi nằm chênh vênh ở khu vực sạt lở, có thể bị sập bất cứ lúc nào nên các chú bộ đội đã đến động viên và giúp gia đình di chuyển đến nơi an toàn hơn. Các chú bộ đội còn trao tặng các nhu yếu phẩm thiết yếu”.
Có mặt chỉ đạo và trực tiếp tham gia cùng cán bộ, chiến sĩ đơn vị san gạt 300m3 đất đá tại điểm sạt lở trên tuyến đường QL279 đi qua xã Mường Cang, Trung tá Nguyễn Thanh Sơn, Phó Chỉ huy trưởng Ban CHQS huyện, cho biết: “Xác định đây là nhiệm vụ chiến đấu trong thời bình của quân đội nên dù phải làm việc dưới trời mưa to, khối lượng đất đá sạt lở lớn nhưng cán bộ, chiến sĩ Ban CHQS huyện quyết tâm khắc phục mọi khó khăn, cùng các lực lượng khẩn trương thông đường trong thời gian sớm nhất để không làm ảnh hưởng đến giao thông đi lại”.
Trời vẫn tiếp tục mưa, lực lượng vũ trang (LLVT) huyện chạy đua với thời gian để tìm kiếm, cứu nạn; huy động lực lượng, phương tiện phối hợp chính quyền địa phương chia thành nhiều tổ khẩn trương triển khai các biện pháp tìm kiếm người mất tích. Bộ CHQS tỉnh Lai Châu đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị duy trì nghiêm chế độ trực ở các cấp, sẵn sàng huy động cán bộ, chiến sĩ hành quân tham gia phòng, chống lụt bão, khắc phục hậu quả thiên tai.
Giúp người dân vùng bị thiên tai cô lập
Tại Yên Bái, mưa lũ đã làm hệ thống cơ sở hạ tầng nhiều xã của huyện Mù Cang Chải tan hoang. Theo người dân xã Hồ Bốn, từ 2017 đến nay mới có một trận lũ ống tàn khốc như vậy. Lũ ống đi qua, ngôi nhà ông Giàng A Trống ở bản Trống Là sập hoàn toàn, nhiều tài sản đã trôi theo dòng nước. “Lũ về quá nhanh khiến chúng tôi không kịp chạy đồ đạc gì. Nhà bị sập hoàn toàn, tất cả đồ đạc đều bị ướt và bị hỏng. Những bao lúa, ngô đều bị dính nước, hư hỏng cả rồi. Gia đình tôi tưởng như không biết sẽ sống ra sao trong những ngày tới. Cũng may chính quyền kịp thời hỗ trợ 30kg gạo/1 nhân khẩu và một số nhu yếu phẩm cần thiết để chúng tôi tạm thời bảo đảm cuộc sống”, ông Trống nói.
|
Vận chuyển hàng cứu trợ đến vùng bị cô lập ở Mù Cang Chải. |
Tại xã Hồ Bốn, lũ quét làm 1 người tử vong, 20 nhà sập đổ hoàn toàn. Hiện 94 người đang được bố trí ở nhà cộng đồng và ở nhờ nhà người thân trong bản. 100 nhà bị thiệt hại 50 - 80%. 20 con trâu bò, 70 xe máy và 2 ô tô bị cuốn trôi mất. Nhu yếu phẩm bắt đầu cạn kiệt do lũ cuốn trôi hoặc bị ngập trong bùn đất.
Trước tình hình trên, dưới sự chỉ đạo của QK2 và UBND tỉnh, Ban CHQS huyện Mù Cang Chải đã huy động 300 cán bộ, chiến sĩ, DQTV chia thành 10 đoàn làm nhiệm vụ vận chuyển các nhu yếu phẩm thiết yếu (gạo, quần áo, chăn màn, mì tôm, mắm muối…) đến với các hộ dân bị thiệt hại nặng nề do mưa, lũ gây ra hiện khó khăn trong công tác tiếp cận.
LLVT huyện đã phối hợp, sử dụng phương tiện tại chỗ vận chuyển đồ tiếp tế, hướng dẫn người dân đi qua điểm bị chia cắt. Lực lượng cứu hộ đã giải phóng đất đá thông đường giao thông, sơ tán dân ra khỏi vùng nguy hiểm đến ở các trường học, nhà văn hóa và gia đình người thân ở nơi an toàn khác.
Các xã bị thiệt hại do thiên tai đang tập trung huy động tối đa lực lượng với phương châm “4 tại chỗ”, huy động máy xúc của các đơn vị, DN trên địa bàn phối hợp khắc phục hậu quả, hạn chế thấp nhất những thiệt hại có thể xảy ra.
Thiếu tá Đào Tuấn Anh, Chính trị viên, Phó Chỉ huy trưởng Ban CHQS huyện Mù Cang Chải, cho biết: “Ngay khi nhận lệnh huy động lực lượng, chúng tôi đã huy động 100% quân số theo yêu cầu của huyện. Đồng thời, hỗ trợ giúp đỡ các hộ dân di dời tài sản ra khỏi nơi có nguy cơ sạt lở khẩn cấp tại các xã Khao Mang trước. Khi dòng suối Nậm Kim rút nước, chúng tôi đưa toàn bộ quân số đến giúp đỡ bà con ở xã Hồ Bốn đã bị cô lập mấy ngày qua để ổn định cuộc sống”.
8h sáng hôm qua (11/8), tuyến QL32 đoạn qua xã Khao Mang và xã Hồ Bốn đã được thông xe, sau 5 ngày bị chia cắt do lũ quét, sạt lở (vẫn cấm xe tải trên 3,5 tấn và ô tô trên 9 chỗ). Hiện còn QL279 - tuyến huyết mạch liên kết 10 tỉnh miền núi vẫn bị chia cắt do sạt lở đoạn qua huyện Mường La, tỉnh Sơn La. Trên QL279D, thiệt hại nặng nhất là khoảng 300m đoạn qua thủy điện Huội Quảng, huyện Mường La. Ta luy dương đã sạt trượt với khối lượng lớn làm vùi lấp, hư hỏng mặt đường. Phương tiện không thể lưu thông từ trung tâm huyện Mường La đi huyện Than Uyên, tỉnh Lai Châu và ngược lại từ sáng 6/8 đến nay.