Lừng lẫy Điện Biên, chấn động địa cầu

(PLO) - Từ giữa năm 1953, Bộ Chỉ huy Pháp ở Đông Dương bắt đầu thực hiện kế hoạch Na-va, ra sức xây dựng khối cơ động chiến lược mạnh nhằm giành quyền chủ động trên chiến trường chính. 
Địch cũng chủ trương nhanh chóng tăng cường binh lực trên các hướng bị uy hiếp, củng cố vùng chiếm đóng, tổ chức phòng ngự bằng tập đoàn cứ điểm, coi đó là biện pháp tác chiến chiến lược để đối phó với các cuộc tiến công của chủ lực ta.
Trên cơ sở phân tích âm mưu của địch và khả năng của ta, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: địch tập trung quân cơ động để tạo nên sức mạnh... ta buộc chúng phải phân tán lực lượng thì sức mạnh đó không còn. 
Từ tư tưởng chiến lược đó, Bộ Chính trị đề ra chủ trương, kế hoạch tác chiến chiến lược trong chiến dịch Đông Xuân 1953-1954: sử dụng một bộ phận chủ lực, mở các chiến dịch tiến công vào những hướng địch sơ hở nhưng hiểm yếu, buộc địch phải phân tán lực lượng cơ động chiến lược để đối phó, tạo thời cơ cho ta tập trung lực lượng, tiêu diệt địch trên các hướng có lợi nhất; đồng thời đẩy mạnh chiến tranh du kích ở các vùng đồng bằng sau lưng địch, tranh thủ cơ hội tiêu diệt một bộ phận sinh lực địch nếu chúng đánh vào vùng tự do của ta.
Bộ đội ta phất cờ chiến thắng trên nóc hầm tướng Đờ Cát ở Điện Biên Phủ
Bộ đội ta phất cờ chiến thắng trên nóc hầm tướng Đờ Cát
ở Điện Biên Phủ
 
Tiến công khắp 
Đông Dương
Thực hiện kế hoạch chiến lược trên, lực lượng chủ lực ta đã tiến hành các chiến dịch tiến công trên khắp chiến trường Đông Dương. Do đánh vào các hướng hiểm yếu và phối hợp chặt chẽ với hoạt động của quân và dân vùng sau lưng địch, ta đã tiêu diệt những bộ phận quan trọng sinh lực địch, giải phóng nhiều vùng đất đai rộng lớn, làm đảo lộn thế bố trí lực lượng của địch, buộc chúng phải xé lẻ khối cơ động chiến lược. Tính đến trước khi chiến dịch Điện Biên Phủ nổ ra, chín phần mười trong tổng số 82 tiểu đoàn cơ động chiến lược và chiến thuật của Na-va đã bị phân tán.
Trung tuần tháng 11/1953, phát hiện chủ lực ta tiến lên Tây Bắc, ngày 20/11/1953 Pháp mở cuộc hành quân Caxto, đổ 6 tiểu đoàn Âu-Phi tinh nhuệ đánh chiếm Điện Biên Phủ. Tiếp đó, Bộ Chỉ huy Pháp quyết định bỏ Lai Châu, co lực lượng về Điện Biên Phủ và tăng cường lực lượng, phương tiện xây dựng Điện Biên Phủ thành tập đoàn cứ điểm mạnh, nhằm bảo vệ Thượng Lào và sử dụng Điện Biên Phủ như một cái bẫy, nghiền nát các đại đoàn chủ lực của ta.
Địch xây dựng tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ gồm 49 cứ điểm. Mỗi cứ điểm đều có hệ thống công sự, hàng rào vật cản, hoả lực có thể độc lập chiến đấu, đồng thời những cứ điểm gần nhau được tổ chức lại thành cụm cứ điểm. Tập đoàn cứ điểm được chia thành 3 phân khu. Phân khu trung tâm là phân khu quan trọng nhất, nằm ở giữa Mường Thanh, gồm 5 trung tâm đề kháng. Phân khu bắc gồm 2 trung tâm đề kháng. 
Hai trung tâm này cùng với trung tâm đề kháng Him Lam thuộc Phân khu trung tâm tạo thành trận địa phòng ngự tiền duyên án ngữ phía bắc, ngăn chặn tiến công của ta từ hướng bắc và đông bắc. Phân khu nam còn có tên gọi là Hồng Cúm có nhiệm vụ ngăn chặn quân ta tiến công từ phía nam lên.
Lực lượng ở tập đoàn cứ điểm có 12 tiểu đoàn và 7 đại đội bộ binh, 2 tiểu đoàn lựu pháo 105mm, 2 tiểu đoàn súng cối 120mm, 1 đại đội trọng pháo 155mm, 1 tiểu đoàn công binh, 1 đại đội xe tăng, 1 đại đội xe vận tải và một phi đội máy bay thường trực. 
Pháo binh bố trí ở 2 căn cứ Mường Thanh và Hồng Cúm. Tổng số quân lúc đầu là 11.800, chủ yếu là lính dù và Âu - Phi tinh nhuệ, đặt duới quyền chỉ huy của đại tá Đờ Caxtơri. Bộ Chỉ huy Pháp coi Điện Biên Phủ là một “pháo đài không thể công phá” và tin chắc “sẽ gây cho Việt Minh một thất bại nghiêm trọng”.
Quyết chiếm Điện Biên Phủ
Xác định quân Pháp đưa quân chiếm giữ Điện Biên Phủ là có lợi cho ta, ngày 6/12/1953 Bộ Chính trị họp thông qua kế hoạch tác chiến và quyết định: tập trung đại bộ phận chủ lực tinh nhuệ mở chiến dịch tiến công, tiêu diệt tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, giải phóng toàn bộ Tây Bắc, tạo sự chuyển biến mới trong cục diện chiến tranh và tạo điều kiện cho cách mạng Lào giải phóng Thượng Lào; chiến dịch mang mật danh Trần Đình. Đại tướng Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp được chỉ định làm Chỉ huy trưởng kiêm Bí thư Đảng ủy mặt trận; các đồng chí Hoàng Văn Thái làm Tham mưu trưởng; Lê Liêm làm Chủ nhiệm Chính trị và Đặng Kim Giang làm Chủ nhiệm Cung cấp.
Lực lượng tham gia chiến dịch của ta gồm các Đại đoàn: 308, 312, 316; Trung đoàn 57 (Đại đoàn 304); Đại đoàn công pháo 351; Trung đoàn sơn pháo 675; Trung đoàn pháo cao xạ 367 và 2 đại đội súng máy cao xạ 12,7mm. Tổng số quân khoảng hơn 40.000, nếu tính cả tuyến 2, số quân lên tới 55.000. Lực lượng phục vụ chiến dịch gồm 628 ô tô vận tải, 21.000 xe đạp thồ, 261.500 dân công cùng nhiều tàu thuyền, lừa, ngựa...
Ngày 14/1/1954, Bộ Chỉ huy chiến dịch phổ biến kế hoạch tác chiến tiêu diệt tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ theo phương châm “đánh nhanh, giải quyết nhanh”, dự kiến ngày 20/1/1954 sẽ nổ súng. Nhưng trong quá trình ta chuẩn bị, địch đã tăng cường lực lượng, mặt khác, việc làm đường và đưa pháo vào trận địa của ta gặp nhiều khó khăn. 
Trước tình hình ấy, Bộ Chỉ huy nhận thấy nếu đánh theo phương châm “đánh nhanh, giải quyết nhanh” sẽ không đảm bảo chắc thắng nên quyết định tạm dừng cuộc tiến công, kéo pháo ra, rút bộ đội, dân công về vị trí tập kết và tiến hành công tác chuẩn bị theo phương châm “đánh chắc, tiến chắc”. Đại đoàn 308 được lệnh tiến công sang Thượng Lào, giúp Lào mở rộng vùng giải phóng và nghi binh thu hút địch.
Theo kế hoạch mới, việc chuẩn bị và thực hành chiến dịch chia làm 3 giai đoạn; về tác chiến, chiến dịch dự định chia làm 2 đợt. Sở Chỉ huy chiến dịch đặt tại Mường Phăng. Thời gian nổ súng dự định vào 13/3/1954.
Theo phương châm “đánh chắc, tiến chắc”, ta đã xây dựng 6 trận địa cho các đại đội lựu pháo 105mm bố trí phân tán trên các điểm cao, tạo thành một đường vòng cung 30km bao quanh tập đoàn cứ điểm. Công tác đảm bảo hậu cần được đặc biệt quan tâm, với khối lượng vật chất đảm bảo đánh theo phương châm “đánh chắc, tiến chắc” tăng lên gấp hai, ba lần. Riêng lương thực tăng từ 7.000 tấn lên trên 20.000 tấn; hệ thống đường vận chuyển cả cơ giới, thuỷ và bộ được tổ chức chặt chẽ. 
Tổng cục Cung cấp tiền phương được tăng cường thêm lực lượng (tổng quân số gồm 3.168 cán bộ chiến sĩ và hơn 30.000 dân công) để tổ chức một bộ máy hậu cần chiến dịch. Đến đầu tháng 3, công tác chuẩn bị mọi mặt cho cuộc tiến công tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ cơ bản hoàn thành, thế trận chiến dịch đã triển khai xong, các đơn vị sẵn sàng nổ súng vào đúng ngày quy định.
Một thiên sử vàng
Theo kế hoạch, chiến dịch diễn ra thành ba đợt. Đợt 1 (13-17/3/1954), ta tiêu diệt 2 cụm cứ điểm Him Lam, Độc Lập, bức hàng cụm cứ điểm Bản Kéo. Đợt hai (30/3-30/4/1954), ta đánh chiếm các ngọn đồi phía đông và sân bay Mường Thanh, siết chặt vòng vây, tạo thế trận cho tổng công kích. Đợt ba (1-7/5/1954) ta đánh những điểm cao cuối cùng ở phía đông, thực hành tổng công kích, tiêu diệt toàn bộ quân địch ở Điện Biên Phủ. 
Kết quả, sau 55 ngày đêm chiến đấu liên tục, vô cùng quyết liệt và anh dũng, quân và dân ta đã tiêu diệt toàn bộ tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, loại khỏi vòng chiến đấu 16.200 tên địch, gồm 17 tiểu đoàn bộ binh và lính dù, 3 tiểu đoàn pháo binh, 10 đại đội người Việt vừa bổ sung và các đơn vị công binh, vận tải, xe tăng... 
Tổng số sĩ quan và hạ sĩ quan bị diệt và bắt sống là 1.706, gồm 1 thiếu tướng, 16 đại tá, trung tá, 353 sĩ quan từ thiếu uý đến thiếu tá, 62 máy bay bị bắn rơi. Ta đã thu toàn bộ vũ khí, kho tàng của địch, trong đó có 28 khẩu pháo lớn, 64 xe, 5.915 súng các loại, 20.000 lít xăng dầu cùng  nhiều đạn dược, quân trang quân dụng.
Chiến dịch Điện Biên Phủ là đòn quyết chiến chiến lược, là chiến dịch tiến công trận địa có quy mô lớn nhất của ta trong kháng chiến chống Pháp. Lần đầu tiên, ta tập trung một lực lượng lớn chủ lực tiêu diệt địch phòng ngự trong một tập đoàn cứ điểm mạnh nhất. Đây là kết quả của quyết tâm chiến lược chính xác, sự tập trung nỗ lực lớn nhất của cả nước trong chiến cuộc Đông Xuân 1953-1954. 
Để đi đến thắng lợi Điện Biên Phủ, chúng ta đã giải quyết thành công và sáng tạo nhiều vấn đề về chiến lược quân sự, nghệ thuật chiến dịch và chiến thuật, mà đặc điểm nổi bật là chủ động sáng tạo, đánh theo cách đánh mà ta lựa chọn, buộc quân địch phải bị động đối phó, hạn chế cái mạnh của chúng về số quân đông, hoả lực mạnh, sức cơ động cao. Chiến dịch Điện Biên Phủ là một điển hình xuất sắc, là đỉnh cao của nghệ thuật quân sự Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Pháp, thể hiện trên cả ba lĩnh vực: chỉ đạo chiến lược, nghệ thuật chiến dịch và chiến thuật.
Chiến dịch Điện Biên Phủ đã loại khỏi vòng chiến đấu một số lượng lớn sinh lực và phương tiện chiến tranh của địch, giải phóng địa bàn có ý nghĩa chiến lược, giáng một đòn quyết định vào ý chí xâm lược của thực dân Pháp, xoay chuyển cục diện chiến tranh, tạo điều kiện thuận lợi cho đấu tranh ngoại giao của ta đi tới kết thúc chiến tranh. Chiến thắng Điện Biên Phủ cùng với Bạch Đằng, Chi Lăng, Đống Đa đã trở thành “cột mốc vàng” trong lịch sử dân tộc Việt Nam, niềm tự hào của dân tộc ta và phong trào giải phóng dân tộc trên thế giới.

Đọc thêm