Lương y làm "chuột bạch" thử nghiệm thành công thuốc chữa bệnh dạ dày

Mắc bệnh dạ dày chờ ngày mổ, thấy có người mách nước mua thuốc ngoại nhưng không được, lương y Phạm Mược (SN 1945, ngụ ngách 31, ngõ 376, đường Bưởi, Vĩnh Phúc, Ba Đình, Hà Nội) quyết tâm tìm ra bài thuốc tự chữa bệnh cho mình.

Mắc bệnh dạ dày chờ ngày mổ, thấy có người mách nước mua thuốc ngoại nhưng không được, lương y Phạm Mược (SN 1945, ngụ ngách 31, ngõ 376, đường Bưởi, Vĩnh Phúc, Ba Đình, Hà Nội) quyết tâm tìm ra bài thuốc tự chữa bệnh cho mình.

Lương y Phạm Mược với bài thuốc chữa đau dạ dày dạng bột
Lương y Phạm Mược với bài thuốc chữa đau dạ dày dạng bột

Tự chế bài thuốc chữa đau dạ dày

Theo ông Mược, nguyên nhân bệnh dạ dày là do vi khuẩn HP (Helicobacter Pylori), chế độ ăn uống không phù hợp, dùng nhiều thực phẩm có chất cay, nóng, rượu, bia. Nguyên nhân chủ quan nữa là do áp lực từ cuộc sống con người căng thẳng, dẫn đến dạ dày bị ảnh hưởng.

Uống thuốc giảm đau quá nhiều hay vừa ăn no xong, không có thời gian nghỉ mà làm việc luôn cũng dễ dẫn đến bệnh. Bệnh nhân thường có biểu hiện như: Đau ở vùng thượng vị, có trường hợp ăn không tiêu, đầy hơi, sụt cân, mệt mỏi, có trường hợp phải nôn ra mới chịu được.

Bài thuốc chữa bệnh dạ dày gồm các vị như: Cam thảo (10g), Bồ công anh (10g), Kê nội kim (10g), lá Khổ sâm (5g), Bạch truật (5g), Khương hoàng (nghệ vàng) (15g), Thạch xương bồ (10g), Ô tặc cốt (10g), Xuyên hoàng liên (10g), Bạch cập (5g; nếu không có, có thể thay bằng Địa du than (10g), Chè dây (10g), Hoàn ngọc diệp (10g), Đẳng sâm (10g), Qủa nhàu (10g)… Tác dụng của bài thuốc là hoạt huyết, chỉ huyết hóa ứ, chế toan axit, diệt vi khuẩn, tiêu viêm, làm lành vết loét, bổ dạ dày.

Tùy vào vị thuốc mà có cách sao tẩm khác nhau. Với Hoàn ngọc diệp, không được phơi nắng mà để trong bóng râm, khi lá chuyển sang màu đen thì mới đem thái để sao. Bạch truật thì phải dùng cách sao hoàng thổ. Cây Kê nội kim phải sao với cát… Số thuốc trên nếu đã sao tẩm rồi thì không cần rửa lại.

Đem những vị thuốc trên ngâm vào trong nước lạnh khoảng 30 phút. Sau đó vớt thuốc cho vào nồi sắc, cho 3 bát nước đun cạn lại thành một bát thuốc. Chú ý đun nhỏ lửa, để sôi từ từ, thuốc sẽ chín đều bên trong. Không đun to lửa vì thuốc vừa không chín, những “chất” của thuốc cũng mất khi trào ra. Ba lần như vậy sẽ được 3 bát thuốc, đổ chung số thuốc này với nhau, uống ngày 3 lần, khi đói.

Để không mất thời gian sắc thuốc nhiều lần, bệnh nhân cũng có thể dùng số thuốc này để tán thành bột. Tuy nhiên, liều lượng thuốc phải tăng gấp 10 lần, tất cả các vị thuốc đem sao vàng, rồi tán thành bột mịn. Mỗi lần bệnh nhân dùng khoảng 10g, uống ngày hai lần khi đang còn đói.

Cách dùng cũng khá đơn giản: Hòa thuốc bột vào nước sôi, khuấy đều tay để thuốc không vón cục, đợi khi thuốc nguội thì uống. Để bài thuốc đạt hiệu quả cao hơn, lương y Mược khuyên bệnh nhân nên tránh những thực phẩm cay, nóng, rượu, thuốc lá, thịt chó, thức ăn tái sống khó tiêu như rau sống, gỏi cá…

“Khuyến mãi” bài thuốc chữa bệnh táo bón

Lương y Mược còn mách thêm với bạn đọc Pháp luật & Thời đại bài thuốc trị bệnh táo bón, là căn bệnh nhiều người ngồi lâu trong văn phòng, ít vận động thể dục thể thao mắc phải. Còn có những nguyên nhân khác dẫn đến bệnh như ruột người bệnh khô, không nhuận, đại tràng bị co thắt, thực phẩm cay, nóng, uống bia, rượu nhiều... Nếu không được chữa trị kịp thời, bệnh nhân có thể chuyển sang giai đoạn trĩ, rất khó chữa và gây ảnh hưởng đến sức khỏe.

Bài thuốc chữa bệnh táo bón giải quyết vấn đề thanh nhiệt, giải độc, tán kết, tiêu trệ, mát gan, nhuận tràng, thông đại tiện, giúp tiêu hóa tốt, ăn ngon ngủ khỏe. Những vị thuốc gồm: Xích thủ ô (5g), Ngọc trúc (9g), Đại phúc bì (6g), Trần bì (6g), Ô dược (9g), Mộc hương (8g), Hòe hoa (20g), Kim ngân hoa (10g), Thảo quyết minh (15g), Hoàng bá (10g), Chỉ xác (10g), Hỏa mai nhân (10g), Đan bì (10g).

Với cách dùng tương tự bài thuốc chữa dạ dày như trên, bệnh nhân có thể sắc uống hay nghiền nhỏ thuốc thành bột tùy ý. Trước khi đem sắc, thuốc được ngâm trong nước lạnh khoảng 30 phút, khi sắc đun nhỏ lửa để thuốc chín đều.

Với mỗi thang thuốc, bệnh nhân đun 3 lần, mỗi lần 3 bát nước cô cạn còn một bát thuốc, hòa chung đều, tuy nhiên uống sau khi ăn. Còn với thuốc dạng bột thì số lượng thuốc của một thang tăng khoảng 10 lần, sao vàng, tán bột. Với trẻ em, nên dùng thuốc sắc cho dễ uống, còn người lớn thì dùng thuốc bột.

Liều lượng dùng thuốc cũng khác nhau: Mỗi ngày uống khoảng 15g, chia làm 3 lần với trẻ từ 2 đến dưới 10 tuổi; 20g là số thuốc bột cho trẻ từ 10 đến 15 tuổi; còn từ 15 tuổi trở nên thì số thuốc tương ứng là 30g. Số thuốc bột này được uống sau khi ăn, ngày 3 lần.

Đối với những bệnh nhân mắc bệnh táo bón, khi sử dụng thuốc này, lương y Mược khuyên không nên ăn những chất cay, nóng, tránh uống rượu bia, những đồ ăn khô. Nên ăn nhiều rau, khoai lang, đu đủ, khoai tây, uống nhiều nước…

Ông nội và cha là những lương y có tiếng, từ nhỏ đã được ông cho đi vào rừng lấy thuốc để “làm quen” với nghề, nhưng lớn lên, ông Mược lại đi theo con đường quân ngũ, tuyệt nhiên không có ý định “níu” lại nghề gia truyền. Năm 1996, bản thân ông khi đó hội tụ khá nhiều loại bệnh như: dạ dày, táo bón, u xơ tuyến tiền liệt khiến ông mệt mỏi vô cùng.

Căn bệnh dạ dày hành hạ ông trong một thời gian dài, dùng khá nhiều loại thuốc mà không đem lại hiệu quả, ông được các bác sĩ tư vấn là nên mổ. Sợ mổ, ông tìm mua thuốc “hàng xách tay” từ Úc về, được biết phải chờ sáu tháng mới có thuốc. “Lúc đó tôi uất ức nghĩ bệnh hành hạ mà chờ đến 6 tháng làm sao trụ nổi nên quyết tâm tìm ra bài thuốc chữa dạ dày”, ông Mược chia sẻ.

Tự mình làm “chuột bạch” để thí nghiệm, bài thuốc đem lại kết quả khả quan, 3 tháng sau ông không thấy đau, người thư thái, tăng cân nhanh chóng. Năm 2005, mặc dù đã ở tuổi 60 nhưng ông vẫn theo học một lớp lương y chuyên sâu hai năm để củng cố về mặt lý luận, tìm hiểu về y học cổ truyền. Cái duyên đến với nghề thuốc, dù muộn, còn hơn không.

Hà Bắc

Đọc thêm