"Lướt chuột" chiêm ngưỡng "vẻ đẹp bất tận"

(PLVN) - Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, những “tín đồ đam mê xê dịch” như lửa đốt, thèm cảm giác được xách ba-lô lên và đi. Để bớt “cuồng chân”, họ “lướt chuột” tận hưởng vẻ đẹp đất nước hình chữ S, khám phá những miền đất mới trên thế giới. Hình thức du lịch trên không gian mạng lên ngôi khi được giới trẻ yêu thích…
Giới trẻ thích thú khi ngắm cảnh đẹp online.

“Đi” du lịch “0 đồng online”

Du lịch online đang trở thành xu hướng được nhiều quốc gia hướng tới khi mà mọi hoạt động xúc tiến du lịch đều phải tạm dừng do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Du lịch online là một hướng đi giúp các đơn vị củng cố thương hiệu, tạo sức bật phát triển khi dịch bệnh bị khống chế. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ để phát triển hình thức du lịch trực tuyến thông qua website, ứng dụng, công nghệ thực tế ảo, hỗ trợ du khách tham quan và tương tác 360 độ… là những nỗ lực của ngành du lịch và các doanh nghiệp để tìm kiếm cơ hội, quảng bá, phát triển du lịch Việt giữa đại dịch COVID-19.

Không tốn thời gian, chi phí, công sức như đi du lich trực tiếp, mà vẫn có thể trải nghiệm những hình ảnh chân thực, những âm thanh gần gũi, sống động, hình thức du lịch ảo này đã được nhiều du khách đón nhận.

Những website nổi tiếng được các “tín đồ” du lịch gợi ý nhiều nhất như: Amazing Việt Nam, Lonely Planet, chương trình “Dọc đường ẩm thực”, chuyên mục du lịch của CNN... Các trang đều có thông tin phong phú về văn hóa, du lịch Việt Nam, đưa tín đồ yêu xê dịch khám phá những vùng đất ít người đặt chân đến, những miền quê gắn với các giai thoại nổi tiếng hay tìm hiểu phong tục tập quán độc đáo, những món ăn, âm thanh đường phố…được hình thành qua nghìn đời nay trên dải đất hình chữ S.

Các loại hình: du lịch khám phá, mạo hiểm (leo núi, dù lượn, nhảy bunggy, xe địa hình); du lịch safari (phim về thế giới động vật ở Việt Nam); du lịch sinh thái (các vùng biển có san hô, vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên…) được cộng đồng mạng chia sẻ, giới thiệu.

Cộng đồng mạng có thể “đi” tham quan “du lịch 0 đồng online” nhiều tour du lịch nổi tiếng khắp mọi miền Tổ quốc như: TP. Đà Lạt mộng mơ (Lâm Đồng), tuyệt tác Gành Đá Đĩa ở xứ sở hoa vàng trên cỏ xanh (Phú Yên), thác Bản Giốc hùng vĩ (Cao Bằng)…

Tour du lịch ảo khám phá Mộc Châu tại Tây Bắc mang đến cho du khách những trải nghiệm như thật với những địa danh đã số hóa trong môi trường 3D như thác Dải Yếm, rừng thông bản Áng… Hay tour thực tế ảo tham quan hang Sơn Đoòng (Quảng Bình) đưa du khách đi xuyên qua những hang động với hình ảnh 360 độ sắc nét và hệ thống âm thanh gắn liền với các cảnh quan. Sản phẩm này đã được trang báo nổi tiếng The Guardian (Anh) đánh giá nằm trong top 10 tour thực tế ảo đáng tham quan nhất thế giới qua màn ảnh...

Hằng năm, cứ vào mùa thu, mảnh đất Hoàng Su Phì trở nên đẹp mê hồn khi lúa trên những thửa ruộng bậc thang trải dài tít tắp, uốn lượn quanh những sườn đồi, lưng núi chuyển sang màu vàng óng ả. Đứng trên cao nhìn xuống, nơi đây tựa như một tấm thảm dát vàng, phảng phất hương thơm của lúa mới. Năm nay, du khách có thể ở nhà “lướt chuột” chiêm ngưỡng ruộng bậc thang đẹp như tranh thủy mạc lượn quanh ngọn núi cao xanh thẳm của núi rừng Tây Bắc hùng vĩ.

Tuần văn hóa du lịch “Qua những miền di sản ruộng bậc thang Hoàng Su Phì” lần thứ VI năm 2021 dự kiến diễn ra từ 4 - 30/9/2021, nhằm đẩy mạnh quảng bá, kích cầu, khắc phục khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19, từng bước đưa du lịch hồi phục. Tuy nhiên, do tình hình dịch có những diễn biến mới, Hà Giang đã điều chỉnh kế hoạch bằng hình thức trực tuyến để đảm bảo an toàn cho cộng đồng, du khách. Theo đó, trên nền tảng số của FPT, chương trình “Qua những miền di sản ruộng bậc thang Hoàng Su Phì” lần VI sẽ giới thiệu, quảng bá hình ảnh đẹp ruộng bậc thang, Lễ hội văn hóa truyền thống, du lịch cùng với xúc tiến các sản phẩm nông sản của Hà Giang, lan tỏa đặc trưng của miền “cao nguyên đá”…

“Việt Nam - đi để yêu” do Trung tâm Thông tin du lịch (Tổng cục Du lịch) triển khai từ năm 2021 là chương trình truyền thông du lịch Việt Nam trên nền tảng số YouTube. “Việt Nam đi để yêu” có sự góp mặt của nhiều nhà sáng tạo nội dung YouTube nổi tiếng, có sức ảnh hưởng trong giới trẻ và lượng theo dõi lớn như Hoa hậu H’Hen Niê, Chan La Cà, Khoai Lang Thang, Helly Tống, Fly Around Vietnam… Mỗi nhà sáng tạo nội dung YouTube đóng vai trò như một “thuyết minh viên du lịch trực tuyến” khám phá vẻ đẹp văn hóa, ẩm thực, con người và thiên nhiên Việt Nam. Sau mỗi chuyến đi, các nhà sáng tạo nội dung chia sẻ những video này trên kênh YouTube cá nhân và kênh YouTube chính thức của Tổng cục Du lịch.

Clip quảng bá có chủ đề “Đất nước, con người Việt Nam” với độ dài gần 70 giây đưa du khách chiêm ngưỡng những thửa ruộng bậc thang độc đáo làm nên đặc trưng của du lịch Tây Bắc, choáng ngợp trước cảnh sắc kỳ vĩ cùng hệ sinh thái thiên nhiên phong phú trong hang Sơn Đoòng. Hay mang đến cho du khách cảm giác thư thái khi tận hưởng bầu không khí trong lành của miền Tây sông nước và cảm nhận sự mến khách của người dân địa phương…

Qua những thước phim sống động và cảm xúc chân thật, những video trải nghiệm đã lan tỏa vẻ đẹp thiên nhiên, tấm lòng hiếu khách và tình yêu quê hương đất nước đến với du khách. Chỉ sau 1 tháng ra mắt chương trình, với trên 70 video clip tương ứng 5 playlist (du lịch sinh thái, biển đảo, văn hóa, di sản, ẩm thực), kênh YouTube của Tổng cục Du lịch đã tăng thêm trên 1,5 nghìn lượt theo dõi. Chương trình đã chứng tỏ sức hấp dẫn khi ngày càng thu hút sự tham gia của nhiều YouTuber đến từ khắp mọi miền đất nước với nội dung đa dạng, phong phú.

Không chỉ thu hút lượng người xem lớn trên nền tảng YouTube, clip còn được chia sẻ rộng rãi trên các mạng xã hội như Facebook, Zalo. Hashtag #DiDeYeu và #DiscoverVietnam tiếp tục được du khách, các công ty lữ hành và sở quản lý du lịch các địa phương sử dụng để chia sẻ lên mạng xã hội những hình ảnh về Việt Nam tươi đẹp, thân thiện và mến khách.

Chiêm ngưỡng di sản qua số hóa

Thực hiện số hóa các điểm du lịch cũng được Sở Du lịch Hà Nội giới thiệu thông qua các hình thức như: giao diện ảnh 360 độ, 3D, flycam, công nghệ thực tế ảo... để tăng cường ứng dụng công nghệ trong tuyên truyền quảng bá du lịch.

Cụ thể một số khu di tích đang thực hiện du lịch ảo là: Trung tâm Hoạt động văn hóa, khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám với hình thức “Tham quan 360 độ” trên website, cho phép du khách có thể tìm hiểu về di tích dù đang ở bất cứ đâu. Vậy nên dù trong mùa dịch COVID-19, di tích tạm đóng cửa, nhưng các hoạt động quảng bá vẫn được thực hiện trên YouTube. Giám đốc Trung tâm Hoạt động văn hóa, khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám Lê Xuân Kiêu cho biết, từ lâu trung tâm đã thực hiện hình thức “Tham quan 360 độ” trên website, cho phép du khách có thể tìm hiểu về di tích dù đang ở bất cứ đâu.

Nhiều ứng dụng khác như “Hoàn Kiếm 360 độ”, “Myhanoi”, webiste của làng gốm sứ Bát Tràng… cũng thu hút đông du khách trong thời gian này, để có thể trải nghiệm các điểm đến ngay trên điện thoại thông minh, trong những ngày ở nhà tránh dịch.

Chỉ cần “lướt chuột”, giới trẻ có thể chiêm ngưỡng các di sản Việt Nam: Nhà hát Lớn “ảo”, phố cổ Hà Nội; phố cổ Hội An ảo; chùa Bái Đính ảo… bằng công nghệ 3D được nhiều người yêu văn hóa khám phá, thích thú. Người yêu văn hóa, du lịch còn có thể “lướt chuột” đến thăm quan Bảo tàng Lịch sử quốc gia 3D. Bảo tàng Lịch sử quốc gia đã “trình làng’ bảo tàng ảo tương tác 3D lần đầu tiên được ứng dụng cho việc giới thiệu hai khu trưng bày chuyên đề: “Di sản văn hóa Phật giáo Việt Nam” và “Đèn cổ Việt Nam”.

Điểm mạnh của các tour du ảo là đem các hình ảnh, không gian trưng bày một cách chân thực nhất đến với khách tham quan. Với những thông tin tư liệu, video phong phú, bảo tàng ảo còn cung cấp cho công chúng thông tin thực tế nhiều hơn trưng bày thực. Du lịch online là giải pháp công nghệ tối ưu cho việc tuyên truyền về những giá trị văn hóa, cảnh sắc, mang chúng đến với du khách một cách thuận lợi, đa dạng. Khi số hóa, công nghệ cho phép tích hợp âm thanh, hình ảnh, đặc biệt là âm thanh nổi và hình ảnh ba chiều rất sống động, thu hút.

Ngoài vai trò là một sản phẩm du lịch hiện đại, du lịch thực tế ảo còn là kênh quảng bá hữu hiệu cho điểm đến, giúp các doanh nghiệp có thể “phá băng” trong đại dịch và là lối thoát để du lịch nhanh chóng phục hồi trở lại sau khi dịch COVID-19 được khống chế.

Những ngày giãn cách, hình thức du lịch online là một sự lựa chọn thú vị giúp chiêm ngưỡng vẻ đẹp bất tận của Tổ quốc để thêm yêu và tự hào về con người, đất nước Việt Nam.

Trước đó, Tổng cục Du lịch phối hợp với Hội đồng tư vấn du lịch đã ra mắt bộ sản phẩm “Ở nhà cùng Việt Nam” giúp du khách có thể khám phá những điểm đến nổi tiếng, thưởng thức ẩm thực và văn hóa hấp dẫn của Việt Nam. Thông qua hình thức tham quan và tương tác 360 độ, du khách quốc tế như đang được tận hưởng một chuyến du lịch trực tiếp tại Việt Nam như: tham quan các di sản nổi tiếng được UNESCO công nhận tại Việt Nam; tìm hiểu những công thức nấu món ăn nổi tiếng của Việt Nam và thử nấu tại nhà một cách dễ dàng. Bên cạnh đó là các hoạt động khám phá văn hóa như: tô màu tranh du lịch Việt Nam theo phong cách cổ điển; khám phá du lịch Việt Nam qua chuỗi video clip; thưởng thức văn hóa Việt Nam thông qua nghệ thuật truyền thống…