Lý do khiến Viện KSND Tối cao kiến nghị hủy án ly hôn của vợ chồng ông Đặng Lê Nguyên Vũ

(PLVN) - Nhận định việc tòa tuyên chia cho bà Lê Hoàng Diệp Thảo ít hơn ông Đặng Lê Nguyên Vũ 20% giá trị tài sản là không đảm bảo quyền lợi cho bà Thảo, Viện kiểm sát nhân dân tối cao (VKSND) Tối cao có văn bản kiến nghị Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân (TAND) Tối cao xem xét lại Quyết định giám đốc thẩm của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao...

VKSND Tối cao mới có văn bản kiến nghị Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao xem xét lại Quyết định giám đốc thẩm của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao giải quyết vụ án “Tranh chấp về hôn nhân và gia đình” giữa nguyên đơn là bà Lê Hoàng Diệp Thảo và bị đơn là ông Đặng Lê Nguyên Vũ.

Theo đó, VKSND Tối cao kiến nghị Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao giải quyết vụ án hôn nhân và gia đình giữa ông Đặng Lê Nguyên Vũ và bà Lê Hoàng Diệp Thảo theo hướng hủy Quyết định giám đốc thẩm số 01/2021/HNGĐ-GĐT; hủy Bản án hôn nhân và gia đình phúc thẩm số 39/2014/HNGĐ-PT ngày 5/12/2019 của TAND Cấp cao tại TP HCM và Bản án hôn nhân và gia đình sơ thẩm số 291/2019/HNGĐ-ST ngày 27/3/2019 của TAND TP HCM về phần chia tài sản chung; giao hồ sơ cho TAND TP HCM xét xử sơ thẩm lại theo đúng quy định của pháp luật.

Ông Đặng Lê Nguyên Vũ và bà Lê Hoàng Diệp Thảo

Theo VKSND Tối cao, các chứng thư và báo cáo kết quả thẩm định giá của Công ty TNHH thẩm định giá Sài Gòn đối với các công ty của Tập đoàn Trung Nguyên đều có hiệu lực trong thời hạn 6 tháng kể từ ngày ký phát hành.

Đến ngày xét xử sơ thẩm là 20/2/2019 thì các chứng thư và báo cáo kết quả thẩm định giá đều đã hết hiệu lực. Tuy nhiên, Tòa án cấp sơ thẩm và cấp phúc thẩm vẫn sử dụng kết quả thẩm định giá hết hạn để làm cơ sở chia tài sản chung của bà Thảo là ông Vũ là sai.

Bà Thảo là doanh nhân, quá trình giải quyết vụ án bà Thảo luôn có yêu cầu được chia (nhận) tài sản bằng hiện vật đối với cổ phần và phần vốn góp tại các công ty để tiếp tục thực hiện việc kinh doanh.

Tuy nhiên, VKSND Tối cao cho rằng, cấp sơ thẩm và phúc thẩm không xem xét đánh giá toàn diện về số cổ phẩn, phần vốn góp và nhu cầu sử dụng của đương sự mà chia toàn bộ cổ phẩn, phần vốn góp cho ông Vũ, giao cho bà Thảo giá trị số cổ phần, phần vốn góp trong các công ty bằng tiền là vi phạm quyền được kinh doanh của bà Thảo theo quy định của pháp luật.

Việc Tòa nhận định nếu để bà Thảo tiếp tục là cổ đông quản lý, hoạt động của Tập đoàn Trung Nguyên sẽ khó khăn, ảnh hưởng sự ổn định và việc làm cho hàng nghìn công nhân là không có cơ sở. Và việc chấm dứt hoạt động kinh doanh bình thường của bà Thảo trong 7 công ty của Tập đoàn Trung Nguyên là không phù hợp về quyền tự do kinh doanh bình thường của bà Thảo, quyền bình đẳng nam, nữ theo Luật hôn nhân và gia đình.

Sau khi kết hôn bà Thảo đã nhiều năm tham gia điều hành hoạt động của Tập đoàn Trung Nguyên, nhất là thời gian ông Vũ không trực tiếp điều hành hoạt động của Tập đoàn.

Do vậy, theo VKSND Tối cao, việc tòa tuyên chia cho bà Thảo ít hơn ông Vũ 20% giá trị tài sản tại ngân hàng, cổ phần, phần vốn góp trong Tập đoàn Trung Nguyên (bà Thảo nhận kém ông Vũ khoảng 1.441 tỷ đồng) là không đảm bảo quyền lợi cho bà Thảo.

Đọc thêm