Sau nhiều nỗ lực bất thành
Thưa bà, thời gian qua vụ án ly hôn của vợ chồng bà diễn ra khá ồn ào. Xung quanh đó đan xen rất nhiều ý kiến trái chiều, ngay cả chuyện phân chia tài sản giữa hai bên cũng gây tranh cãi trong dư luận. Xin hỏi bà, vậy đâu mới là vấn đề cốt lõi của câu chuyện?
- Tôi tin rằng không một người phụ nữ nào muốn đem gia đình mình ra đánh đổi bất kỳ điều gì.
Có một sự thật duy nhất là chồng tôi cần được chăm sóc sức khỏe tinh thần kịp thời trước khi quá muộn. Đó là mục tiêu trước tiên và cao nhất của tôi.
Trước đây, tôi đã thử nhiều cách, từ việc gửi đơn kêu cứu khẩn thiết đi khắp nơi đến việc cầu viện tới y học. Nhưng mọi nỗ lực đều không được. Cuộc ly hôn này, dù tôi không hề muốn, là biện pháp cuối cùng để hy vọng pháp luật soi rọi đến những góc khuất khiến anh Vũ như ngày hôm nay.
Bà nói gia đình mới là điều lớn lao nhất, nhưng vì sao khi đã chấp nhận rút đơn tại tòa, bà vẫn yêu cầu phân chia tài sản và đề nghị chia 50% cho mình và các con?
- Khi không thể bảo vệ được toàn vẹn gia đình, cả về người và tài sản, thì đó là giải pháp cuối. Chỉ có vậy mới cứu được sản nghiệp của gia đình và để các con tôi có thể kế nghiệp ba mẹ về sau.
Đó là lí do bà quyết định ly hôn để cứu chồng, và cũng để cứu Trung Nguyên chứ không phải vì tiền?
- Tôi sinh ra và lớn lên trong gia đình khá giả, nhưng tôi vẫn đồng cam, cộng khổ với anh để khởi nghiệp từ những ngày đầu. Khi lấy nhau rồi, có lúc đến kỳ trả lương, mở tủ ra chỉ còn hơn 100 nghìn đồng, trong khi bao nhiêu khó khăn nợ nần còn đó, vậy mà chúng tôi vẫn đồng lòng bên nhau. Thời điểm hàn vi đó còn đến với nhau, huống chi là bây giờ.
Tại tòa ông Vũ nhiều lần nói muốn bà cần “sám hối”, thậm chí ông đã có những lời lẽ gay gắt, mạt sát… Trái ngược lại bà khá bình tĩnh, thậm chí vẫn bày tỏ lòng yêu thương chồng mình. Bà có cảm thấy đau lòng, tổn thương không và làm sao giữ được cảm xúc, thái độ ấy với ông Vũ?
- Đây không phải là lần đầu tiên anh nói với tôi những điều này, tôi có đau lòng nhưng không oán trách. Dù có thế nào, giữa chúng tôi đã và luôn có một tình yêu và ơn nghĩa với nhau sâu đậm. Gạt đi mọi tổn thương, tôi nghĩ cái cốt lõi nhất bây giờ là anh Vũ cần được nghỉ ngơi, chăm sóc kịp thời.
Vì thế, kể cả khi ly hôn rồi, tôi vẫn sẽ cố gắng tìm cách để anh sớm bình phục, cho các con tôi còn có cha.
Người phụ nữ 4 mặt con 20 năm đứng sau sự phát triển của Trung Nguyên |
Ly hôn không có nghĩa là chấm hết
Trải qua 6 năm sóng gió như vậy thì tình cảm của bà dành cho chồng có rạn nứt không?
“Một người phụ nữ sinh 4 đứa con và hơn 20 năm đứng phía sau lo sự nghiệp cho chồng, đối với tôi, gia đình là điều thiêng liêng nhất. Thách thức lần này vô cùng lớn, song tôi sẽ vì gia đình mình để hy sinh thêm lần nữa. Ngay cả khi anh Vũ quyết tâm ly hôn, tôi vẫn muốn là người cuối cùng chăm sóc, chữa trị cho anh, và tôi sẽ cố gắng đến cùng để bảo vệ sản nghiệp gia đình” - doanh nhân Lê Hoàng Diệp Thảo.
- Cho dù thế nào đến giờ phút này, tôi vẫn luôn biết ơn cuộc đời mang đến cho tôi một người chồng, một gia đình như vậy.
Nếu sự chia tay là không thể thay đổi thì tôi vẫn nghĩ tình nghĩa vợ chồng là thứ còn ở lại mãi mãi.
Những ngày qua như trận cuồng phong đến với gia đình tôi. Rất may các con tôi hiểu chuyện, động viên mẹ vượt qua, vì ba, vì sản nghiệp của gia đình mình. Có lẽ trong lúc tột cùng đau khổ thì sức mạnh của người phụ nữ, người mẹ lại càng giúp tôi kiên định và mạnh mẽ nhất.
Theo bà nhận định, mình là người phụ nữ của gia đình hay công việc?
- Tôi luôn đặt gia đình mình lên hàng đầu. Sự nghiệp có được thực ra cũng là để cho gia đình có cuộc sống ấm no tốt lành, sau nữa là cống hiến cho cộng đồng.
Hơn hai mươi năm tôi lặng lẽ đứng phía sau anh để chăm sóc các con, quản lý và điều hành Trung Nguyên từ bên trong. Bây giờ, nếu không có biến cố quá lớn đối với Trung Nguyên, thì có lẽ tôi vẫn âm thầm đứng sau như thế. Tôi cũng là một người phụ nữ, người vợ, người mẹ như mọi người.
Nếu cho rằng ông Vũ cần được cứu giúp, bà đã thực sự làm đúng và hết cách chưa?
- Tôi đã thử rất nhiều cách, có thể nói là đã đi “vái tứ phương”. Hồi mới đi thiền trên M’Drak về, anh sụt gần 20 ký và không thể đi nổi nữa. Tôi dành trọn thời gian để ở bên cạnh anh (năm 2014), cố gắng cho anh tăng ký, hồi phục trở lại. Có lúc, tôi cũng buông hết tất cả, chỉ ở nhà bếp núc, thuần túy chăm sóc anh và gia đình chồng như anh mong muốn. Nhưng vô vọng vì mỗi ngày anh càng khác lạ.
Không thể giấu sự thật được, tôi đã gửi đơn đi cầu cứu khắp nơi, rồi nuốt nước mắt đưa anh đi giám định những mong cứu chữa kịp thời. Nhưng cứ làm gì thì cũng bị người ta vịn vào đó để đổ tội cho tôi là muốn đưa anh vào bệnh viện rồi chiếm đoạt công ty, rồi châm ngòi cho các màn kịch bôi nhọ, kiện cáo, vu khống… Công ty là mồ hôi nước mắt của 2 vợ chồng tôi, tại sao tôi phải chiếm đoạt cái đang là của chính mình?
Nếu phiên tòa mở lại vào ngày 27/3 tới đây xử cho ông bà ly hôn, đường ai nấy đi, ngoài 4 người con, một “đứa con” chung khác của hai người là Trung Nguyên sẽ ra sao?
- Dù cho kết quả phán quyết thế nào, anh Vũ vẫn luôn là Trung Nguyên và Trung Nguyên luôn là anh Vũ. Dù cho tôi có lãnh đạo Trung Nguyên tiếp tục hay không, tôi vẫn luôn muốn anh có mặt tại tập đoàn và sẽ kiên trì giúp anh hồi phục. Tôi vẫn nghĩ, nếu anh trở lại được như ngày xưa, anh, tôi và các con khi lớn lên rồi đều có thể tiếp tục chung sức điều hành Trung Nguyên, đưa tập đoàn tiếp tục phát triển vươn xa hơn nữa. Đó là trong công việc.
Còn chuyện gia đình, thực ra, hôn nhân có thể kết thúc, nhưng tình nghĩa vợ chồng thì mãi mãi còn đó.
Nỗ lực đưa Trung Nguyên lên tầm vóc toàn cầu
Trong 4-5 năm trở lại đây, báo cáo tài chính của Trung Nguyên thể hiện đồ thị đi xuống, nhất là con số lợi nhuận. Đây cũng là thời gian ông Vũ bắt đầu “lên núi”, xa rời việc quản lý, điều hành. Nhiều ý kiến cho rằng “rời tay” ông Vũ, Trung Nguyên kém đi ngay và hoài nghi khả năng quản lý, điều hành của bà. Họ nhìn nhận như vậy có phù hợp?
- Thời gian chồng tôi lên núi ẩn tu cũng là thời gian mà tôi bị đẩy ra khỏi Trung Nguyên và không thể bước chân vào tập đoàn. Vậy ai đã thực sự điều hành Trung Nguyên trong thời gian đó?
Tôi sinh ra trong một gia đình có truyền thống kinh doanh, vì vậy nhìn vào một ý tưởng và kế hoạch, tôi có thể nhận định được chiến lược này có khả năng thành hay bại. Năm 1997, tôi đã thấy trước dự án Long Xuyên của anh có thể thất bại, và quả thật toàn bộ vốn liếng sau đó bị mất trắng. Chính từ bước ngoặt đó mà tôi đồng ý lấy anh để chính thức chung vai góp sức để xây dựng Trung Nguyên.
Ban đầu chỉ với 11 nhân viên, cho đến lúc tôi bị đẩy là khỏi Trung Nguyên thì số lượng nhân viên đã lên đến 5.000 người. Doanh thu từ năm 2006 – 2014 luôn tăng trưởng, năm 2014 đạt 4.500 tỷ và lợi nhuận lên đến 1.400 tỷ. Hãy nhìn vào con số biết nói đó!
Bà hiện đang sở hữu, phát triển thương hiệu King Coffee bước đầu được thị trường ghi nhận. Một số ý kiến cho rằng King Coffee là “bản sao” của Trung Nguyên cả về nguyên liệu, công thức chế tác sản phẩm cũng như nhận diện thương hiệu.... Bà lý giải sao về điều này?
- Từ khi tôi bị đẩy ra khỏi công ty, Trung Nguyên đã thay đổi hình ảnh sang Trung Nguyên Legend. Không còn màu đỏ-đen và hình ảnh chiếc tách cà phê quen thuộc, Trung Nguyên chuyển sang màu đen – trắng và sử dụng nhiều hình ảnh không liên quan gì đến cà phê đã khiến nhận diện của Trung Nguyên biến mất. Không ai lại đột ngột tự đánh đổi thương hiệu quen thuộc của mình sang một thứ hoàn toàn xa lạ cả, trừ khi đó là kế hoạch “thoát xác ve sầu” nhằm dần thay thế và sau đó xoá bỏ hoàn toàn Trung Nguyên, chỉ còn lại danh xưng Legend.
Legend tuyên bố kỳ lạ là “thương hiệu cà phê duy nhất của thế gian”, rồi là tập đoàn phụng sự nhân loại vô vị lợi, nhưng thương hiệu này lại không thể đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tại Việt Nam và thế giới (vì Legend đã có người sở hữu). Với tư cách là một trong hai cổ đông lớn nhất của tập đoàn, tôi đã nhiều lần gửi văn bản cảnh báo việc này, nhưng tiếng nói của tôi đều bị phớt lờ. Ai làm kinh doanh cũng hiểu Trung Nguyên đang thực sự gặp nguy hiểm.
King Coffee ra đời trong biến cố lớn của gia đình tôi và sự nguy hiểm đang diễn ra đối với thương hiệu Trung Nguyên. Trong thâm tâm tôi muốn King Coffee sẽ nối tiếp, hiện thực hóa giác mơ Trung Nguyên là xây dựng một thương hiệu Việt mang tầm vóc toàn cầu. Nếu chẳng may tôi không thể cứu được Trung Nguyên, thì King Coffee sẽ là thương hiệu tiếp nối của gia đình tôi. Còn nếu cứu được thì càng tuyệt vời khi cả hai cùng phát triển.
Cảm ơn bà về cuộc nói chuyện.