Điểm danh những sai sót của Tòa án trong vụ án ly hôn của ông Đặng Lê Nguyên Vũ bị VKS “bắt lỗi”

(PLVN) - Trong số 11 sai sót mà VKSND TP Hồ Chí Minh nêu trong quyết định kháng nghị bản án sơ thẩm vụ ly hôn giữa ông Đặng Lê Nguyên Vũ và bà Lê Hoàng Diệp Thảo có những lỗi được đánh giá là nghiêm trọng, có thể dẫn đến việc hủy bản án.
Ông Đặng Lê Nguyên Vũ và bà Lê Hoàng Diệp Thảo
Ông Đặng Lê Nguyên Vũ và bà Lê Hoàng Diệp Thảo

Như Báo Pháp luật Việt Nam đã phản ánh, ngày 29/10/2019, vụ ly hôn của vợ chồng ông vua cà phê Đặng Lê Nguyên Vũ sẽ được xét xử phúc thẩm theo kháng cáo của đương sự và kháng nghị của VKSND TP Hồ Chí Minh.

Trong quyết định kháng nghị số  14 ngày 11/4/2019 của VKSND TP Hồ Chí Minh, có 11 “lỗi” trong bản án sơ thẩm và quá trình giải quyết vụ án của TAND TP Hồ Chí Minh được nêu ra. Trong đó, có những lỗi không hề nhẹ mà giới luật sư cho rằng có thể làm thay đổi kết quả giải quyết vụ án. Vậy đó là những lỗi nào?

Đầu tiên phải kể đến lỗi của tòa khi không chấp hành quy định của Bộ luật tố tụng dân sự về công khai chứng cứ và kiểm tra việc giao nộp chứng cứ khi ông Đặng Lê Nguyên Vũ có yêu cầu phản tố, yêu cầu chia tiền, vàng và ngoại tệ mà ông Vũ cho rằng bà Thảo đang gửi ngân hàng.

Luật sư Trần Văn Toàn, ĐLS TP Hà Nội cho biết, quy định của Bộ luật tố tụng dân sự về phản tố của bị đơn tương tự như việc khởi kiện của nguyên đơn. Có nghĩa là bị đơn có đơn phản tố phải nộp tạm ứng án phí đối với yêu cầu của mình. Khi bị đơn phản tố, Tòa án phải họp công khai chứng cứ và để đương sự khác tiếp cận chứng cứ của bên phản tố.

Khi yêu cầu phản tố được nộp cho tòa án, đương sự phải được làm thủ tục để nộp tạm ứng án phí. Quá trình chuẩn bị xét xử, các bên phải được công khai, tiếp cận chứng cứ và hòa giải đối với yêu cầu phản tố này.

“Việc không mở phiên hòa giải hoặc tiếp cận, công khai chứng cứ sẽ làm ảnh hưởng đến quyền của đương sự. Cho các đương sự tiếp cận, công khai chứng cứ tại phiên xét xử cũng không đúng vì việc công khai chứng cứ, hòa giải là thủ tục phải được giải quyết trước khi mở phiên tòa”, Luật sư Trần Văn Toàn cho biết.

Cũng theo ý kiến của các luật sư thì việc khởi kiện gắn liền với cung cấp chứng cứ và công khai chứng cứ của đương sự. Mỗi đương sự khi khởi kiện đều có nghĩa vụ chứng minh yêu cầu khởi kiện bằng việc giao nộp chứng cứ cho tòa án và công khai chứng cứ cho đương sự còn lại.

Do vậy, “việc bỏ qua giai đoạn công khai chứng cứ, tiếp cận chứng cứ của đương sự sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi của đương sự trong việc việc bổ sung các chứng cứ để bảo vệ quyền lợi của mình”, Luật sư Trần Văn Toàn khẳng định.

Không chỉ bắt lỗi tòa án bỏ qua thủ tục công khai và tiếp cận chứng cứ, VKS TP Hồ Chí Minh còn cho rằng, việc Tòa không đình chỉ giải quyết yêu cầu khởi kiện khi đương sự rút đơn khởi kiện là trái pháp luật. Về nội dung này, theo Luật sư Lê Văn Kiên, ĐLS Hà Nội thì quyết định của Tòa án có thể bị hủy bỏ.

“Theo quy định của Bộ luật tố tụng dân sự, Tòa án chỉ thụ lý giải quyết vụ việc dân sự khi có đơn khởi kiện, đơn yêu cầu của đương sự và chỉ giải quyết trong phạm vi đơn khởi kiện, đơn yêu cầu đó. Đây là nguyên tắc tự định đoạt, một lớn nhất trong hệ thống pháp luật dân sự và tố tụng dân sự”, Luật sư Lê Văn Kiên cho biết.

Với những vi phạm bị VKS điểm danh và đương sự kháng cáo, có những vi phạm có thể sửa chữa được, nhưng có những vi phạm có thể phải hủy bản án sơ thẩm để giải quyết lại từ đầu.

Về việc Tòa án áp dụng quy tắc nào để chia tài sản theo tỷ lệ “6/4”, các luật sư cũng tranh cãi khá nhiều và thực tế chia tài sản cũng rất khác nhau trong các vụ án ly hôn và tranh chấp tài sản trong hôn nhân. Nhưng, việc chia theo tỷ lệ nào cũng phải đảm bảo tính khách quan, chính xác và có căn cứ.

Có thể, việc phân chia tài sản theo công sức đóng góp không gây phản ứng của đương sự song việc giao tài sản nào cho ai quản lý mới là vấn đề làm ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của đương sự và dẫn đến việc đương sự kháng cáo.

Với vụ tranh chấp tài sản lớn như trường hợp của vợ chồng ông Đặng Lê Nguyên Vũ có thể tồn tại nhiều đánh giá chứng cứ chưa phù hợp quy định của pháp luật nên khó tránh được sự bất phục của đương sự cũng như việc kháng nghị của VKS đã nêu. Do đó, vụ án cần cấp phúc thẩm xem xét một cách khách quan, thận trọng hơn và phải đảm bảo đúng quy định của Bộ luật tố tụng dân sự.

Báo Pháp luật Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin./.

Đọc thêm