"Em mới test nhanh dương tính. Anh cũng thử xét nghiệm ngay nha. Xin lỗi anh nhiều vì hôm qua không đeo khẩu trang!".
Nhật Phan (32 tuổi, TP HCM) nhận được tin nhắn từ người đồng nghiệp.
Kể từ khi dịch COVID-19 bùng phát ở TP HCM, anh không đếm hết số lần đột nhiên trở thành F1. May mắn là sau nhiều lần "sợ đến thót tim", anh vẫn test nhanh âm tính với SARS-CoV-2.
"Tôi ngạc nhiên khi tiếp xúc rất gần nhưng vẫn âm tính"
Một ngày trước khi đồng nghiệp test nhanh dương tính, Nhật Phan ở cùng F0 trong một studio nhỏ, điều hòa bật khoảng 22 độ C. Cả hai đều không đeo khẩu trang.
"Người bạn có biểu hiện nghẹt mũi, thỉnh thoảng ho. Nhưng ngồi lâu, đeo khẩu trang khó chịu, bạn tháo ra. Không ngờ bạn về nhà test nhanh dương tính. Vậy là mình thành F1 lần thứ n", Nhật Phan kể.
Tình huống trở thành F1 khiến anh sợ nhất là ngồi ăn lẩu ngay bên cạnh F0. Khi người bạn phát hiện dương tính cũng là lúc anh bị sốt, đau đầu.
"Lúc đó, tôi gần như chắc chắn là mình bị nhiễm rồi. Vậy mà test nhanh 2 lần, tôi vẫn âm tính, vừa mừng vừa thấy khó hiểu", anh kể.
Lần test nhanh COVID-19 gần nhất, Nhật Phan có kết quả âm tính. Ảnh: NVCC. |
Giai đoạn TP HCM giãn cách xã hội, Nhật Phan tham gia các hoạt động thiện nguyện và cấp phát nhu yếu phẩm cho người dân trong vùng phong tỏa, thậm chí F0 cách ly tại nhà. Nhiều F0 buộc phải ra ngoài nhận nhu yếu phẩm. Vì tình huống nguy cấp, anh vẫn trao túi đồ để tiếp tế cho họ.
Trường hợp của Nhật Phan không phải tình huống hiếm gặp. Một số người nhiều lần trở thành F1, tiếp xúc F0 rất gần và làm việc trong môi trường nguy cơ cao. Song họ cũng ngạc nhiên bởi bản thân vẫn âm tính.
Hồng Bích (29 tuổi, nhân viên kiểm hàng ở Bình Dương) kể lại 2 tình huống "suýt" trở thành F0. Lần đầu là khi vợ chồng chị ghé thăm và mua nhu yếu phẩm cho gia đình người hàng xóm. Đây là giai đoạn Bình Dương bùng phát dịch trong khu công nghiệp Sóng Thần.
"Hai ngày sau, người đồng nghiệp thông báo gia đình anh dương tính. Cả nhà tự xét nghiệm ngay và chúng tôi ngạc nhiên khi tiếp xúc rất gần F0 nhưng vẫn âm tính", chị Bích nhớ lại.
Tình huống thứ 2 là sau khi công ty bắt đầu cho công nhân trở lại xưởng làm việc. Quy định của công ty là người lao động có triệu chứng sẽ được xét nghiệm, nếu dương tính thì tự điều trị tại nhà, không cách ly hàng loạt cả phân xưởng như trước.
"Nhóm làm việc của tôi bị nhiễm hơn 70%. Kể cả những người bạn đồng nghiệp ngồi gần, thường đi ăn trưa cùng hầu như lần lượt dương tính. Hiện trong chuyền chỉ còn tôi là chưa bị", chị kể.
Nguyên nhân
PGS.TS Đỗ Văn Dũng, Trưởng khoa Y tế Công cộng, Đại học Y Dược TP HCM, tỏ ra ngạc nhiên khi nhiều người thắc mắc vì sao bản thân không lây nhiễm SARS-CoV-2.
"Những người tiếp xúc F0 nhưng có miễn dịch tốt, họ không bị nhiễm là chuyện bình thường. Ngoài ra, người có miễn dịch tốt và thời gian tiếp xúc không nhiều, nguy cơ lây nhiễm cũng rất thấp", PGS Dũng nói.
Chuyên gia Đại học Y Dược TP HCM phân tích ở người tiêm đủ liều vaccine, cơ thể đã có miễn dịch chống lại virus.
Ông đưa ra ví dụ nếu hiệu lực bảo vệ 90%, nghĩa là trong 100 người cùng tiếp xúc, 90 người không mắc bệnh, 10 người còn lại mắc bệnh. Tương tự, hiệu lực bảo vệ 60% nghĩa là cùng tiếp xúc như thế với 100 người nhưng có 40 người mắc bệnh.
"Dù đã tiêm vaccine và có kháng thể, khi dịch bệnh COVID-19 vẫn còn là vấn đề của xã hội, chúng ta nên tiếp tục thực hiện nghiêm túc 5K để hạn chế nguy cơ lây nhiễm. Dù không triệu chứng, việc trở thành F0 cũng gia tăng số ca mắc, làm hoạt động xã hội bị cản trở", PGS Dũng khuyến cáo.
Giới trẻ vui chơi trong chương trình countdown đêm 31/12/2021 tại phố đi bộ Nguyễn Huệ (quận 1, TP HCM). Ảnh: Duy Hiệu. |
Bên cạnh đó, PGS.TS Đỗ Văn Dũng cũng nói về tình huống phơi nhiễm do nhiều nguyên nhân. Tình huống cụ thể là với nhiều nhân viên làm việc trong khu cách ly, bệnh viện dã chiến nhưng vẫn không bị mắc bệnh.
Nguyên nhân là họ thực hiện 5K và phòng hộ cá nhân tốt. Ngoài ra, một số trường hợp cũng bị phơi nhiễm nhẹ khi tiếp xúc với nguồn bệnh. Việc phơi nhiễm nhẹ trong thời gian dài cũng làm miễn dịch ngày càng tăng.
"5K không giúp chúng ta miễn nhiễm hoàn toàn, giả sử bị lây nhưng lượng virus yếu, kháng thể vẫn tấn công được chúng, từ đó giúp miễn dịch lâu dài. Nếu không 5K, lượng virus xâm nhập càng nhiều, người bệnh có nguy cơ chuyển nặng cao hơn, tăng khả năng lây nhiễm cho người xung quanh. Do đó, tôi không ủng hộ việc cố tình để lây nhiễm tự nhiên", PGS Dũng nói.
PGS.TS Nguyễn Việt Hùng, Phó chủ tịch Hội Kiểm soát Nhiễm khuẩn Hà Nội, cũng cho rằng không có gì ngạc nhiên khi bạn không mắc bệnh dù môi trường xung quanh có nhiều nguy cơ.
Theo ông, nguyên nhân là hiệu quả của vaccine và tuân thủ tốt 5K. Việc lây nhiễm phụ thuộc vào mức độ (gần hay xa), thời gian, không gian tiếp xúc (thông thoáng hay phòng kín), người tiếp xúc có đeo khẩu trang hay không.
"Không phải cứ tiếp xúc F0 là sẽ bị nhiễm. Bản thân bạn chưa mắc bệnh là nhờ vaccine và 5K tốt, như vậy cần tiếp tục phát huy để bảo vệ bản thân, không nên có tâm lý chán nản hay chờ đến lượt mình mắc bệnh", PGS Nguyễn Việt Hùng chia sẻ.