Sôi động M&A
Thông tin trước báo giới về Diễn dàn M&A Việt Nam 2016, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Đặng Huy Đông đã rất ấn tượng với sự tăng trưởng của thị trường M&A từ khi Diễn đàn M&A tổ chức lần đầu tiên vào năm 2009.
Từ doanh số khoảng hơn 1 tỷ USD, thị trường M&A ở Việt Nam đã có sự tăng trưởng ấn tượng, đặc biệt năm 2015, hoạt động M&A tại Việt Nam đã trở lại mốc 5,2 tỷ USD được thiết lập từ năm 2012. Chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm 2016, giá trị các thương vụ M&A ước tính đã vượt mốc 3 tỷ USD, tăng 28% so với cùng kỳ năm 2015.
Không chỉ xác lập về kỷ lục giá trị, năm 2015 và nửa đầu năm 2016, đã xuất hiện nhiều thương vụ M&A với quy mô tỷ USD, ảnh hưởng quan trọng đến nhiều ngành, nhiều thị trường và nền kinh tế nói chung…
Đi đầu trong năm qua cũng như thời gian gần đây là ngành bán lẻ và hàng tiêu dùng, khi hai ngành hàng này chiếm tới 38,46% tổng giá trị thương vụ M&A. Thương vụ đáng chú ý nhất là việc Central Group mua lại BigC Việt Nam với giá 1,140 tỷ USD; thương vụ Vingroup mua lại hệ thống siêu thị Maximark tuy chưa tiết lộ giá trị nhưng theo giới chuyên môn, đây là thương vụ có giá trị lớn.
Bên cạnh đó, thương vụ “khủng” khác đó là việc Singha trở thành đối tác chiến lược của Masan với giá trị 1,1 tỷ USD thông qua việc nắm giữ 25% cổ phần của Masan Consumer Holding và 33% cổ phần Masan Brewery…
Xét về số lượng thương vụ, các thương vụ giữa các DN nội tuy chiếm đa số, với trên 60% nhưng giá trị các thương vụ này chủ yếu có quy mô nhỏ và vừa (quanh mức 5 triệu USD). Trong khi đó, nhà đầu tư (NĐT) nước ngoài tiếp tục đóng vai trò quan trọng với các thương vụ quy mô lớn, từ 30 đến trên 100 triệu USD.
Cơ hội trong không gian kinh tế mở
Năm 2015 đánh dấu một mốc quan trọng khi Việt Nam có những bước tiến trong đàm phán Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) được hình thành. Một tầm nhìn mới cho DN và NĐT được xác định, đó chính là tầm nhìn khu vực trong một không gian mở. Khi đầu tư hoặc thực hiện M&A tại một quốc gia ASEAN, NĐT tiếp cận không chỉ một thị trường đơn lẻ mà là một thị trường rộng lớn của hơn 600 triệu dân, với lực lượng lao động trẻ, tầng lớp trung lưu ngày càng tăng mạnh. Trong không gian kinh tế mở này, một cuộc đua mới đã bắt đầu.
Khi AEC được hình thành, ASEAN trở thành một khu vực kinh tế quan trọng và trở nên hấp dẫn hơn đối với các NĐT quốc tế. Theo số liệu từ Ban Thư ký ASEAN và các Hội nghị Liên Hợp quốc và Thương mại và phát triển (UNCTAD), tổng vốn FDI vào ASEAN năm 2014 đạt 136,2 tỷ USD, đưa ASEAN thành khu vực tiếp nhận đầu tư lớn nhất trong số các quốc gia đang phát triển. Ở phạm vi quốc gia và khu vực, các quốc gia sẽ phải cạnh tranh để thu hút dòng vốn FDI và M&A.
Còn theo số liệu của Thomson Reuters về thị trường M&A ASEAN năm 2014, quy mô các giao dịch trong khu vực đạt 140 tỷ USD, tăng 68% so với năm trước đó và là kỷ lục mới kể từ sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu.
Chủ tịch Viện Mua bán, Sáp nhập và Liên kết (IMAA) có trụ sở tại Thụy Sỹ, ông Christopher Kummer nhận định, làn sóng M&A thế giới đã có xu hướng chững lại, trong khi xu hướng M&A tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương vẫn có chiều hướng tốt. Ông Christopher Kummer khẳng định, khu vực ASEAN vẫn còn nhiều hấp dẫn đối với các NĐT quốc tế, đặc biệt với sự ra đời của AEC.
“Việt Nam là một trong số ít quốc gia vẫn còn bùng nổ hoạt động M&A trong năm qua. Trong vòng 2 năm qua, tôi đã gặp nhiều lãnh đạo DN Việt Nam trong các khóa đào tạo chiến lược M&A và tôi thấy, họ rất hào hứng khi nói về các kế hoạch M&A của mình…”, ông Kummer cho biết.
Theo nhận định của Nhóm nghiên cứu thuộc Diễn đàn M&A Việt Nam (MAF), các NĐT đang nằm trong cuộc đua tìm cơ hội đầu tư tốt nhất trong giai đoạn này. Cuộc đua tìm cơ hội mới trong các lĩnh vực bán lẻ, tiêu dùng, công nghiệp, bất động sản, nông nghiệp sẽ diễn ra mạnh mẽ. Đặc biệt, cơ hội thoái vốn cho các DN nhà nước lớn tại Việt Nam vẫn còn rộng mở cho các DN đầu tư nước ngoài và cả các NĐT trong nước có tiềm lực...
Trong cuộc đua đó, các DN Việt Nam cũng đang cạnh tranh thu hút các dòng vốn ngoại cũng như cạnh tranh với các DN nước ngoài trong việc tiếp cận thị trường Việt Nam và khu vực…
Theo ông Đặng Xuân Minh, Tổng Giám đốc Công ty AVM, Trưởng nhóm nghiên cứu MAF, cơ hội vẫn đang rộng mở cho các NĐT trong và ngoài nước khi Việt Nam tham gia AEC và TPP. Tuy nhiên, thách thức và khó khăn vẫn đang hiện hữu. Thị trường Việt Nam cần những nguồn hàng tốt hơn cho các NĐT nước ngoài. Hàng loạt DN nhà nước được cổ phần hóa, nhưng tỷ lệ cổ phần của Nhà nước vẫn còn quá cao và nhiều năm chưa lựa chọn được NĐT chiến lược.
Bên cạnh đó, theo ông Minh, hệ thống pháp lý và thực thi liên quan đến đầu tư và M&A cần được hoàn thiện; các DN Việt Nam, bao gồm DN nhà nước cổ phần hóa và DN tư nhân, cần minh bạch hơn về thông tin DN và thông tin tài chính để NĐT có thể tiếp cận thông tin trước khi ra quyết định đầu tư…