Mãi nhớ Lê Công Tuấn Anh…

(PLVN) - Lê Công Tuấn Anh sinh ngày 2/2/1967, mất ngày 17/10/1996, anh là gương mặt diễn viên xuất sắc và nổi tiếng nhất của điện ảnh Việt Nam thập niên 90. Anh ra đi ở tuổi 29, khi đang đứng trên đỉnh cao của sự nghiệp. 
Lê Công Tuấn Anh và bạn diễn Hoàng Hồng Nhị

23 năm đã trôi qua, anh để lại niềm nhớ tiếc trong lòng nhiều khán giả điện ảnh Việt Nam. Còn nhớ, cô bạn gái xinh xắn thời sinh viên đã cắt phăng suối tóc tới kheo chân, những ngày đau buồn Lê Công đột ngột ra đi trong một ngày cuối thu…

Có một Quang “Đông ki sốt”

Trong số những tài tử điện ảnh thập niên 1990, Lê Công Tuấn Anh là một trường hợp đặc biệt. Anh là trẻ mồ côi, thậm chí từng sống trong trung tâm giáo dưỡng thanh thiếu niên. Ngày ấy, khi đang làm thợ hàn, Lê Công Tuấn Anh say mê tham gia các phong trào văn nghệ quần chúng tại Nhà văn hóa quận 3 (TP HCM). Diễn viên Lê Bình khi đó phụ trách xây dựng phong trào cho Nhà văn hóa đã phát hiện ra năng khiếu diễn xuất của chàng trai và khuyến khích anh đóng kịch.

Một thời gian sau, chàng thợ hàn thi đỗ vào đoàn kịch Kim Cương nhưng chỉ được đóng những vai phụ, cầm cờ chạy qua chạy lại trên sân khấu. Theo Lê Bình, tuy chỉ đảm nhận vai quần chúng nhỏ xíu nhưng cậu ta hạnh phúc, hãnh diện lắm. Và điều may mắn, nhờ đóng phụ trong hai vở kịch đình đám là “Nhân danh công lý” và “Lôi Vũ”, Lê Công Tuấn Anh được các đạo diễn điện ảnh chú ý.

Anh bén duyên điện ảnh năm 1989 với vai họa sĩ trong phim “Tìm vàng” của đạo diễn Lê Hoàng Xuân, sau đó là một vai nhỏ trong phim “Phạm Công Cúc Hoa”. Chỉ đến khi vào vai Quang “Đông ki sốt” trong phim “Vị đắng tình yêu” (1990), Lê Công Tuấn Anh mới thật sự tỏa sáng và trở thành diễn viên được săn đón.

“Vị đắng tình yêu” kể câu chuyện tình giữa bác sĩ Lê Quang (Lê Công Tuấn Anh đóng) và cô gái Anh Phương (Thủy Tiên). Chàng sinh viên hiền lành, chân thành, có mối tình lãng mạn với bạn học xinh đẹp giúp Lê Công Tuấn Anh đoạt giải Nam diễn viên chính xuất sắc tại Liên hoan Phim Việt Nam lần thứ 10.

Không những thế, “Vị đắng tình yêu” có doanh thu lớn trong thập niên 1990, lên tới 500 triệu đồng. Cùng lúc tên Quang “Đông ki sốt” trở thành câu cửa miệng của giới trẻ khi nói về một anh chàng khù khờ nhưng mang trong mình trái tim yêu say đắm. Nhân vật trong phim trở thành một điển hình trong cuộc sống, một phần nhờ khả năng nhập vai của Lê Công Tuấn Anh.

Sau “Vị đắng tình yêu”, Lê Công Tuấn Anh từ một diễn viên nghiệp dư vụt sáng thành ngôi sao. Theo diễn viên Công Hậu, thời ấy, các hãng phim săn đón cho bằng được Lê Công Tuấn Anh. Có lúc cậu ấy quay dồn dập một lúc nhiều phim. Trung bình một năm, Lê Công Tuấn Anh đóng tới 20 phim.

Những năm đó, anh đóng cặp với nhiều nữ diễn viên nổi tiếng như Thu Hà, Việt Trinh, Khánh Huyền... Trong các phim “Vĩnh biệt mùa hè” (1992), “Em còn nhớ hay em đã quên” (1992), “Anh chỉ có mình em” (1993), “Người đẹp Tây Đô” (1996)...

Trong gần 10 năm, anh đã đóng hơn 60 bộ phim cho cả điện ảnh miền Nam và Bắc. Anh từng ba năm liên tiếp nhận giải Mai vàng từ 1993 đến 1995 ở hạng mục Diễn viên được yêu thích nhất. Tên của anh cũng được xướng lên để nhận Huy chương Vàng tại Hội diễn sân khấu toàn quốc đợt 2 tại TP HCM năm 1995 với vai Sỏi trong kịch “Bước qua lời nguyền”.

Và rồi, ngày 17/10/1996, khi cùng lúc hóa thân vào hai nhân vật trong phim “Ngọt ngào và man trá”, nam diễn viên tự tử bằng thuốc sốt rét, anh mãi mãi dừng lại ở tuổi 29.

Đám tang  của anh được coi là sự kiện lớn nhất thời kỳ đó với hàng trăm nghìn người hâm mộ xếp hàng dọc đường di quan đến nơi chôn cất. Trong cuốn sách House of glass: culture, modernity, and the state in Southeast Asia xuất bản năm 2001, tác giả Mandy Thomas và Russel H.-K.Heng đã bình luận: “Cái chết của Lê Công Tuấn Anh đã thực sự biến anh từ một ngôi sao điện ảnh thành một biểu tượng nổi tiếng của Việt Nam”.

Sự ra đi đột ngột của nam tài tử được xem là thần tượng của cả một thế hệ trẻ đương thời để lại quá nhiều sự tiếc nuối. Người mẫu Minh Anh chắc chắn là đau khổ nhất, bởi trong suy nghĩ của mọi người, cô chính là nguyên nhân tạo nên cái chết này.

“Em chấp nhận mọi thứ ác độc nhất, vì em im lặng cho những gì em đã trải qua suốt 4 năm yêu anh để rồi mất tất cả. Mất hết sự tin yêu của những người xung quanh, mất tất cả lòng hâm mộ của mọi người để cho anh của em có tất cả điều đó khi nằm yên dưới lòng đất. Để anh được thanh thản và để anh biết rằng em đã phải trả giá cho sự trừng phạt không phải do bản thân em tạo ra nó.

Em đã theo anh từ cõi sống về cõi chết và được cứu sống để làm lại con người khác, một con người mạnh mẽ và dám đối đầu với mọi thứ hơn. Để hôm nay nhìn lại 10 năm qua, em thấy mình nhẹ nhàng và thanh thản hơn, dù đôi lúc hình ảnh anh vẫn làm em đau. Nhưng em hiểu ra giá trị của con người và mọi thứ xung quanh mình hơn.

Em ước gì anh có thể ngồi dậy để em thanh thản nói với anh rằng, em đã tha thứ cho anh. Em đã có một cuộc sống hạnh phúc sau tất cả những đau khổ, em từng chạy trốn khỏi thành phố nơi đầy ắp hình ảnh của anh để làm lại tất cả mọi thứ. Em đã xin lỗi anh ngày chia tay và giờ đây vẫn là câu nói đó.

Hãy cho em cuộc sống bình yên bên những đứa con của em và cạnh người chồng yêu em hơn tất cả mọi thứ… Đây là lần sau cùng, và em mong rằng, từ nay về sau đừng ai nhắc đến Minh Anh sau cái tên Lê Công Tuấn Anh nữa. Xin hãy để mọi thứ ngủ yên mãi mãi!”,  người mẫu Minh Anh đã viết như vậy trong nhật ký…

 

“Cậu ấy vô cùng nghệ sỹ và cô đơn”

Mới đây, nhân kỷ niệm 23 năm ngày chàng diễn viên tài hoa Lê Công Tuấn Anh đi xa, bộ phim “Em còn nhớ hay em đã quên” đã được chiếu lại tại không gian “Ơ kìa! Hà Nội”.  NSND Nguyễn Hữu Phần đã kể lại những câu chuyện ít biết về cố diễn viên Lê Công Tuấn Anh trong những bộ phim cuối cùng anh còn dang dở.

Đây là bộ phim do NSND Nguyễn Hữu Phần làm đạo diễn và được sản xuất năm 1992. Phim nói về cuộc đời của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn thời kỳ hoạt động sôi nổi cho phong trào phản chiến trong sinh viên. Phim cũng khai thác cuộc gặp gỡ định mệnh của ông với ca sĩ Khánh Ly (diễn viên Hoàng Hồng Nhị) và tình cảm vấn vương với cô gái tên Diễm (Trương Ngọc Ánh thủ vai). Trong phim này, nam diễn viên Lê Công Tuấn Anh vào vai nhạc sĩ Trịnh Công Sơn.

Vào năm 1992, ông tình cờ đọc được một bài viết của ca sĩ Khánh Ly viết về cuộc hội ngộ giữa bà với nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Trong đó, Khánh Ly có kể, một vài lần bà với nhạc sĩ họ Trịnh ngồi trong quán cà phê bên hồ Xuân Hương (Đà Lạt) mờ sương, bà có hỏi nam nhạc sĩ rằng “Sống ở trên đời cần điều gì nhất?”, nhạc sĩ quay sang trả lời: “Sống trên đời cần có một tấm lòng”, bà lại hỏi tiếp “Để làm gì?”, nam nhạc sĩ quay ra hồ lấy ngón tay đẩy cái gọng kính lên cao rồi nói với bà: “Để gió cuốn đi”…

Từ đó, ông chấp bút viết nên kịch bản bộ phim “Em còn nhớ hay em đã quên”, được xem là bộ phim ca nhạc đầu tiên. Tất cả các bài hát trong phim đều do ca sĩ Thuỳ Dung “hoá thân” rất xuất sắc khi thể hiện các bài hát này.

NSND Nguyễn Hữu Phần nhớ lại, khi ông mang phim này đến cho nhạc sĩ Trịnh Công Sơn xem là lúc nhạc sĩ mới từ Canada trở về. Ở Canada ông đã rất bất ngờ khi biết làm phim ca nhạc về cuộc đời mình. Đó là giai đoạn vì quá đau buồn trước sự ra đi của mẹ nên anh Trịnh Công Sơn đã quyết định qua Canada chơi với vợ chồng em gái một thời gian. Anh bảo: “Tôi đọc báo chí thấy anh làm phim về cuộc đời tôi, tôi sợ quá. Vì ở nước ngoài, người ta toàn lấy nhạc của tôi quay karaoke mà toàn quay mấy em mặc áo tắm uốn éo kinh quá!”.

Và khi có một phóng viên hỏi nhạc sĩ Trịnh Công Sơn: “Thưa nhạc sỹ, đây có phải là cuộc đời ông và xuất xứ những bài hát của ông không?”, nam nhạc sĩ trả lời: “Không, đấy là cuộc đời do ông Phần này bịa ra đấy chứ... Nhưng nó rất giống với cuộc đời tôi, ngay cả cái cậu Lê Công Tuấn Anh cũng giống hình dáng tôi ngày trước lắm”.

Tôi cũng đã đưa Lê Công Tuấn Anh đến nhà Sơn chơi. Sơn chỉ gặp Lê Công có hai lần như vậy (một lần đạo diễn Nguyễn Hữu Phần dẫn đến chơi và một lần ra mắt phim). Thế nhưng khi Lê Công Tuấn Anh mất, trên một tờ báo Sơn trả lời câu hỏi về Lê Công Tuấn Anh: “Tôi chỉ mới gặp Công một hai lần nhưng ngay từ đầu tôi đã thấy cậu ấy vô cùng nghệ sỹ và rất cô đơn”. Sơn đã nhận xét rất đúng về Lê Công Tuấn Anh và đấy cũng là lời giải thích chính xác nhất về cái chết của người diễn viên tài hoa này”, đạo diễn Nguyễn Hữu Phần kể thêm.

Thời đó, đoàn phim của chúng tôi như một gia đình. Anh Lê Công Tuấn Anh suốt ngày hát bài “Sao em nỡ vội lấy chồng” để trêu diễn viên Hoàng Hồng Nhị, người đóng vai Huyền My trong phim. Nhưng chỉ trêu thế thôi chứ hai người không hề có tình ý gì với nhau vì lúc đó Hoàng Hồng Nhị đã có chồng và hai con.

Trong bộ phim “Ngọt ngào và man trá”, Lê Công Tuấn Anh vào hai vai, vừa là người em bị bệnh tâm thần vừa là người anh song sinh khôi ngô, tuấn tú. Trước khi bắt tay vào quay “Ngọt ngào và man trá”, Lê Công Tuấn Anh vào trại tâm thần để thực tế, lấy vốn sống cho vai diễn. Và không ngờ, nam diễn viên đã làm ông… sững sờ: “Tôi cho Lê Công Tuấn Anh hoá trang thành một người tâm thần để vào sống với những bệnh ở đây nhằm có vốn sống thực tế cho vai diễn. Nhưng không ngờ khi vào đó anh ấy còn “điên” hơn họ. Những người bệnh ở đây cho Lê Công Tuấn Anh ăn rồi còn đọc thơ cho anh ấy nghe”.

Một câu chuyện khiến đạo diễn “Ngọt ngào và man trá” nhớ mãi. Có một cảnh Lê Công diễn rất “điên” khiến cho một bệnh nhân bị nhốt ở “phòng con” (phòng nhỏ dành cho bệnh nhân bị kích động mạnh) ngoắc tay gọi Lê Công đến gần và ghé tai qua ô cửa nhỏ bảo “Anh đừng làm giống quá, người ta giam anh vào đây đấy!”… Và rồi, anh ấy đột ngột ra đi. Khi những thước phim còn dang dở…

Đọc thêm