“Đàn kêu lóc thịt cánh tay, vừa nuôi tử mẫu, chàng hay chăng chàng”
Truyện Nôm Việt Nam khuyết danh Thoại Khanh – Châu Tuấn, được nhân dân đặc biệt ưa thích. Chuyện kể về Thoại Khanh, một người phụ nữ xinh đẹp, có tài văn chương, tiết nghĩa là người vợ hiền, dâu thảo. Năm nọ, chồng nàng Châu Tuấn do khước từ hôn ý Công chúa mà bị đày đi sứ 17 năm, phải chịu cảnh “hôn nhân ép buộc” với công chúa lữ quốc. Ngày đêm, nơi cung điện nhưng lại chịu cảnh ‘cầm giam”, hằng mong thương nhớ nơi quê nhà.
Thương nhớ Châu Tuấn, Thoại Khanh và mẹ chồng lên đường đi tìm Châu Tuấn, băng qua những rừng sâu, nước độc. Trên đường lưu lạc, đói rách, nhưng con dâu vẫn chăm chút, “nhường cơm sẻ áo” cho mẹ chồng. Khi mẹ tuổi già, sức lực kiệt quệ vì đói, Thoại Khanh đã quyết định “lóc thịt” cho mẹ ăn nơi rừng thẳm. Phân cảnh này cảm động nhất câu chuyện, cũng là hành động thể hiện tấm lòng hiếu thảo, quên đi sinh mạng của Thoại Khanh.
|
Tác phẩm Thoại Khanh- Châu Tuấn |
“Hay tui lóc thịt mình cho mẹ ăn đỡ dạ” – câu nói đầy chua xót nhưng thể hiện sự hiếu thảo, không ngần ngại hi sinh cả tính mạng để cứu mẹ chồng. Dù phải cắt đi một phần máu thịt nhưng Thoại Khanh vẫn làm. Khoảnh khắc quan trọng quyết định đến sinh mạng mẹ chồng, nàng dâu không chần chừ quyết định. Thoại Khanh thất thanh trong đau đớn, đổi lại mẹ chồng nàng đã tỉnh lại. Có lẽ, trong giây phút ngắn ngủi đấu tranh tâm lý, lòng hiếu thảo đã chiến thắng tất cả những nỗi đau, sự sợ hãi tột cùng.
Thế rồi, khi hai mẹ con đi qua ngôi miếu Ác Thần, nàng bị đòi đôi mắt “ngọc” để đổi lấy mạng sống của mẹ chồng, thì nàng đã không do dự mà đồng ý hiến dâng. Nàng nói: “Tôi sẽ hiến dâng đôi mắt tôi cho ngài thỏa lòng mong dạ. Xin đừng giết mẹ chồng tôi, người đã chịu khổ đau qua tháng năm dài… Ác Thần ơi đôi mắt tôi xin dâng hiến cho ngài, đừng sát chi bà lão đã xa trời gần đất”.
Có thể nói, trong những khoảnh khắc nguy nan nhất, Thoại Khanh vẫn giữ trọn lòng hiếu nghĩa với mẹ chồng. Nếu lần trước cắt đi phần da thịt, thì lần này là đánh đổi cả đôi mắt quý giá. Dù có thể nàng sẽ không còn nhìn thấy mặt trời, dù mẹ chồng có thể đã “gần đất xa trời”, nhưng Thoại Khanh một lòng cứu mẹ. Không ngại hiến dâng bất cứ thứ gì thuộc về bản thân để đổi lấy mạng sống mẹ chồng. Bởi hơn ai hết, nàng hiểu tấm lòng người mẹ đang khắc khoải ngày đêm những mong đoàn tụ với con trai, cũng như nàng thương nhớ người chồng nơi xa xứ. “Lo cho mẹ chồng phận dâu con nào xá, chỉ mong một ngày mẹ tìm gặp Châu lang cho mẹ con đoàn tụ”...
Có lẽ vì thế, người xưa cho tới muôn đời hậu thế sau này mãi cảm kích tấm lòng hiếu kính, phi thường của nàng. Dù chồng bị đày xa xứ, người vợ ở nhà vẫn hết lòng tận tụy vì mẹ chồng, không quản ngại sương gió đoạn trường đưa mẹ đi viễn xứ tìm con…
Giữa mùa Vu Lan báo hiếu
Giữa mùa Vu Lan tháng 7, người người lại nhắc nhở về chữ “hiếu” đối với ông bà, cha mẹ của con cái. Đâu đó, mọi người nhắc về Bồ tát Mục Kiền Liên cứu mẹ, một câu chuyện Phật giáo truyền thống đề cao chữ “hiếu” của con cái với công ơn sinh thành. Với chuyện Thoại Khanh, sẽ có ít người biết đến câu chuyện này, nhưng vẫn là “cổ tích” đẹp, thiêng liêng về chữ “hiếu” giữa đời thường giản dị, mộc mạc, thuần hậu…
Soi chiếu vào cuộc sống hiện đại hôm nay, khi chúng ta đang vội vã sống, vội vã lo cơm áo, gạo tiền, mỗi người có cách báo hiếu khác nhau. Tuy nhiên, đa phần việc hiếu nghĩa với cha mẹ nay đã khác xưa. Đôi khi, có phần bị xem nhẹ, bị biến đổi hoặc thực hiện nhiều hình thức. Hoặc đáng buồn hơn là con người hiện đại xem việc báo hiếu là nghĩa vụ, chỉ cần đưa “vài ba trăm triệu” cho bố mẹ tiêu là hiếu. Chứ ít ai lắng nghe tâm tư, tình cảm của họ, hay đơn giản chỉ bữa cơm gia đình trong ngày Vu Lan, một lời hỏi han động viên quan tâm cũng là “hiếu”…
Trở lại huyền tích xưa, có lẽ, phân đoạn “lóc thịt cho mẹ ăn” của Thoại Khanh là cảnh lấy nước mắt người xem nhiều nhất. Vì xem đến đây, ai cũng sẽ xót xa và cảm phục tấm lòng của người con dâu Thoại Khanh. Thế nhưng, dẫu sao đây cũng chỉ câu chuyện nôm, chúng tôi không “cổ súy” việc báo hiếu của xã hội như trong tích truyện. Thực tế, hình tượng sân khấu đều đã được ước lệ hóa để thêm phần nghệ thuật đối với việc biểu diễn.
Tuy nhiên, có thể xem câu chuyện hiếu thảo của Thoại Khanh như một sự đặt để của nghệ thuật, khi chúng ta xem lại, nhớ và soi chiếu bản thân với cuộc sống đương đại. Phẩm chất của Thoại Khanh, Châu Tuấn đã cảm hoá cả hai vị vua và hai nàng công chúa. Châu Tuấn được lên ngôi vua, sống sung sướng cùng Thoại Khanh và hai người vợ thứ con Tề vương và Tống vương.
Cũng như cách những nhân vật cảm hóa khán giả suốt nhiều năm trên sân khấu kịch. Trong ký ức nhiều người, Thoại Khanh là vở diễn huyền thoại của sân khấu Tuồng – Cải lương Nam Bộ. Và có một Thoại Khanh khác, thiêng liêng, là biểu tượng tấm lòng hiếu kính mẹ cha, trọn vẹn trinh nghĩa của nàng dâu hiếu thảo, của người vợ thủy chung…
Chờ đợi Thoại Khanh quay trở lại
Ngày nay, nếu ai yêu thích vở Thoại Khanh - Châu Tuấn sẽ khó tìm được một tài liệu đầy đủ, hoàn chỉnh của tác phẩm sân khấu này. Gần nhất là năm 2011, tại sân khấu kịch TP. Nha Trang, vở diễn Thoại Khanh -Châu Tuấn chính thức được phục dựng phục vụ khán giả sau hơn 20 năm. Ngoài ra, còn các bản ghi hình đã cũ của Đài Truyền hình Vĩnh Long, của Đoàn Cải lương với sự nhập vai của nghệ sĩ Cẩm Thu… Các bản thu đa số đều đã cũ, chất lượng đài từ, hình ảnh không được tốt nên khó trong việc thưởng thức nghệ thuật của công chúng, như đã từng có trong kí ức đẹp của nhiều thế hệ.
Nhiều độc giả lớn tuổi, khi được hỏi về vở diễn này đều thể hiện sự mong mỏi sẽ được xem bản phục dựng hoàn chỉnh vở kinh điển này trên sân khấu Tuồng - Cải lương. Và hơn thế, mỗi mùa Vu Lan họ có thể được thưởng thức trong mỗi mái nhà của mình. Thoại Khanh không chỉ là câu chuyện về đạo hiếu, đó còn là ứng xử gia đình, là sự chung thủy của vợ chồng, tình yêu của mẹ dành cho con vô bờ bến. Khi mà trong xã hội hiện đại, người ta bức bối nhiều với phim ảnh khắc họa quá nhiều tiêu cực “mối quan hệ mẹ chồng - nàng dâu”, thì Thoại Khanh Châu Tuấn là tác phẩm hiếm hoi thể hiện nhân văn tình cảm dâu con trong nhà.
Vở diễn được phục dựng mới so với nguyên bản đã có nhiều chi tiết được thay đổi để phù hợp với bối cảnh xã hội hiện đại. Ví dụ như trong cảnh Thoại Khanh cắt thịt ở cánh tay mình để cứu đói cho mẹ chồng trên đường lưu lạc giữa chốn rừng sâu, thì đến lần phục dựng này, cảnh trên đã được đạo diễn chủ động lược bỏ. Thay vào đó là lời tường thuật của Thoại Khanh với Xích Phạm để diễn tả sự việc. Có thể sự thay đổi này để đáp ứng thị hiếu thẩm mỹ của khán giả hôm nay. Tuy nhiên, với rất nhiều người đã từng yêu mến vở Thoại Khanh - Châu Tuấn thì chi tiết trên như một điểm nhấn thể hiện đạo làm dâu vẹn tròn chữ hiếu với mẹ chồng.
Dẫu vậy, tấm lòng Thoại Khanh vẫn là ánh sáng đẹp đủ để chúng ta ngẫm nghĩ, chiêm nghiệm khi thưởng thức vở kịch kinh điển này. Đặc biệt, trong dịp Vu Lan báo hiếu, mọi người đặc biệt nhắc nhở về sự hiếu kính cha mẹ, ông bà thì câu chuyện về lòng hiếu thảo, lại là của người con dâu, không hề “khác máu tanh lòng” được chờ đợi hơn bao giờ hết. Dù chỉ là bữa cơm nhỏ ấm áp cùng nhau bên người thân, cùng nhau thưởng thức nghệ thuật, cũng đủ để nhắc nhở những người hiện đại về những giá trị vĩnh cửu của gia đình… Mượn lời nàng Thoại Khanh trong vở diễn, như nhắc nhở chúng ta về sự hiếu thảo với ông bà, cha mẹ:
“Nước non trải mấy thu đông/ Con dám đâu bất hiếu mà phụ công sinh thành”.
Dù vở diễn đã khép lại tấm màn nhung lần cuối cách đây đã hàng chục năm. Câu chuyện nôm dân gian lưu truyền đã xa xôi lắm và dẫu một số chi tiết đã không còn phù hợp với cuộc sống hiện đại, nhưng tấm lòng hiếu thảo của Thoại Khanh vẫn là một câu chuyện đẹp, cảm động, nhắc nhở chúng ta về chữ hiếu sinh ở đời…