Mang họa vì tập yoga sai cách

(PLO) - Tập yoga từ lâu đã được chứng minh là đem lại nhiều lợi ích tuyệt với cho sức khỏe lẫn tinh thần của người tập, giúp con người chế ngự bệnh tật, đẩy lùi stress, giúp người tập trẻ hơn, đẹp hơn… Tuy nhiên, nếu tập yoga không đúng phương pháp thì sẽ hại nhiều hơn lợi, dẫn đến nhiều chấn thương nghiêm trọng ngoài ý muốn.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Vô vàn chấn thương vì tập yoga không đúng phương pháp

Yoga là một phương pháp luyện tâm và luyện thân cổ xưa bắt nguồn từ Ấn Độ. Phương pháp luyện tập này đòi hỏi người tập phải có lòng kiên trì và lòng tin để đạt đến trạng thái như mình mong muốn. Khi tập luyện yoga, với mỗi bài tập khác nhau sẽ tác động lên từng phần của cơ thể khác nhau giúp cơ thể cân bằng, tăng cường chức năng toàn thân, điều tiết cảm xúc, giúp con người có động lực phát triển về trí thức tốt hơn.

Đặc biệt, yoga đóng vai trò quan trọng trong việc giữ gìn và cải tạo vóc dáng. Khi tập các động tác yoga, nguồn năng lượng thừa của người béo sẽ tiêu hao dần nhưng lại không thấy đói, không thèm ăn, có xu hướng kiềm chế bản thân trước các thực phẩm không có lợi và thói ăn vô độ; còn người gầy, khi đã đạt đến mức cân bằng thì sẽ nảy sinh nhu cầu cần cung cấp năng lượng nhiều.

Điều đó giải thích vì sao cùng một bài tập yoga lại có thể áp dụng được cho cả người gầy và béo. Đó là bởi yoga có sự điều chỉnh tùy theo thể trạng từng người, điều phối được cả lượng mỡ trong cơ thể, nơi nào cần thì đắp vào và sẽ lấy đi nơi nào thừa. Đây là lợi ích mà không phải môn thể dục nào cũng làm được.

Trước những lợi ích tuyệt vời mà việc tập luyện yoga mang lại, rất nhiều người đã tìm đến phương pháp luyện tập này, trong số đó cũng có không ít người phải bỏ cuộc giữa chừng. Chị Nguyễn Nguyệt Hà (30 tuổi, Hà Nội) chia sẻ: “Kể từ sau khi sinh con xong vóc dáng tôi sồ sề không được thon gọn như trước. Phần vì tẩm bổ nhiều để lấy sữa nuôi con, phần khác do đặc thù công việc là nhân viên văn phòng chỉ ngồi nhiều, ít phải hoạt động chân tay nên năng lượng dư thừa tích lũy thành mỡ. Trong quá trình tìm hiểu cách giảm cân, tôi thấy nhiều người mách yoga là phương pháp giảm cân rất tốt, lại giúp người tập trẻ ra, tinh thần cân bằng, thư thái, rất hợp với người phải làm việc trí óc nhiều. Tuy nhiên, do không có thời gian nên thay vì đến các lớp tập để huấn luyện viên hướng dẫn, tôi lên mạng tự tìm hiểu cách tập và làm theo. Kết quả là gần một tháng nay tôi bị đau lưng và đau một bên chân, phải đến bệnh viện nhờ bác sĩ kiểm tra”.

Anh Trần Mạnh Quân (27 tuổi, Hà Nội) cũng cho biết: “Tôi cũng đã từng tự tập yoga tại nhà, nhưng việc luyện tập chỉ kéo dài được hơn một tháng phải dừng lại. Vì dù đã cố gắng tập theo hướng dẫn trên video nhưng không hiểu sao người vẫn cứ đau ê ẩm, uể oải. Không hiểu là do tôi tập sai, hay do cơ thể tôi không phù hợp với phương pháp luyện tập này”. Còn anh Nguyễn Thiên Thanh (Hà Nam) thì cho biết: “Tôi tập yoga được 3 tháng thì phải dừng lại vì bị thoái hóa khớp cổ phải đi viện chữa trị. Điều trị đến nay được 6 tháng rồi vẫn chưa khỏi”.

Những lưu ý dành cho người tập yoga

Chia sẻ về việc tự tập yoga, bác sĩ Nguyễn Xuân Anh - Phòng khám Chấn thương chỉnh hình Mỹ Quốc cho hay: “Tập yoga không đúng phương pháp sẽ có hại nhiều hơn lợi, vì có thể gây tổn thương dây chằng khớp háng, cổ tay, gối, cột sống cổ, cột sống thắt lưng… dẫn đến thoái hóa khớp, thoái hóa cột sống, u hoạt dịch cổ tay, hội chứng ống cổ tay… nhanh và sớm hơn người bình thường. Do vậy khi tập yoga nên tập với thầy có chuyên môn mới chỉnh sửa được từng động tác, tư vấn được cách tập phù hợp với từng đối tượng. Nếu thấy đau sau khi tập thì nên đi khám bác sĩ càng sớm càng tốt”.

Bên cạnh việc người tập luyện tự tập không đúng phương pháp dẫn đến những chấn thương không mong muốn, thì việc tập tại các trung tâm yoga không uy tín, hoặc quá đông cũng là vấn đề đáng lo ngại.

Chị Nguyễn Thanh Loan sống tại thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ: “Tôi đã tập ở rất nhiều trung tâm yoga trong thành phố, kể cả các trung tâm nổi tiếng và thấy có đến 80% là học viên tập sai nhưng huấn luyện viên không sửa. Mạnh thầy thầy đếm, mạnh trò trò tập, hoặc có sửa cũng không xuể và thêm phần ngôn ngữ bất đồng. Tôi thực sự thấy e ngại và rất nguy hiểm cho người tập”.

Anh Nguyễn Minh, một thầy giáo về dạy yoga cho biết: “Đúng vậy. Tôi đã phải xử lý hậu quả cho rất nhiều người tự tập yoga và tập những chỗ không uy tín. Phần lớn đều bị tổn thương dây chằng lưng, gối và cong vẹo cột sống. Trong 10 năm đi dạy chưa bao giờ tôi dám đăng video lên dạy online cả vì điều đó là cách hại người. Việc tự tập yoga chỉ dành cho người đã được hướng dẫn tập luyện đúng đắn tối thiểu 5 năm liên tục khi đã tự quán tốt được thân – ý – trí”. 

Cũng theo các huấn luyện viên, có rất nhiều lưu ý dành cho người tập yoga. Trước hết, cũng như tập luyện khí công dưỡng sinh, yoga đòi hỏi người tập phải kiên trì và nhẫn nại. Yoga không có hiệu quả, thậm chí là phản tác dụng với những ai “ăn xổi ở thì” và lười biếng.

Tập luyện yoga đòi hỏi người tập phải tự nguyện lựa chọn và có ý chí quyết tâm đi tới cùng. Thứ hai, phải tập luyện đúng phương pháp và kỹ thuật, đi từ dễ đến khó, từ đơn giản đến phức tạp, mỗi động tác phải phân chia ra nhiều bước với thời gian thích hợp, tốt nhất là phải có thầy chính danh hướng dẫn một cách chu đáo và tỉ mỉ. Nếu không thực hiện chuẩn xác, yoga có thể đem lại những tai biến không đáng có về xương khớp, tiềm thức, hệ thần kinh, hệ tuần hoàn...Ví như tập luyện sai sẽ dẫn đến trầm cảm, ám ảnh hoặc rơi vào trạng thái phấn khích quá đà dẫn đến mất ngủ, tâm trạng bồn chồn, thay đổi tính nết... 

Nguyên tắc 4 không

Khi tập luyện yoga phải thực hiện tốt 4 không: không vội vã (từ từ, thận trọng và tiệm tiến), không kỷ lục (không nên bị thúc ép hoặc gắng gượng), không quá sức (biết dừng lại ở khả năng vốn có của mình mà cố gắng) và không phân tán (tập trung cao độ và biết cách thư giãn).

Đọc thêm