Mang nợ 8 tỷ đồng vì một thỏa thuận khống

 Theo hợp đồng, bà Nhung vay của bà Anh số tiền 8 tỉ đồng, thời hạn vay một năm. Sau đó, bà Nhung và bà Anh tiếp tục ký hợp đồng thoả thuận với nội dung bà Nhung vay của bà 3,2 tỉ đồng, thời hạn vay 4 tháng... Do không trả được nợ và lãi nên bà đã khởi kiện ra tòa yêu cầu bà Nhung phải trả số tiền 11,2 tỉ đồng vay lãi suất.

Theo nội dung Bản án dân sự sơ thẩm số 21/2009/DS-ST ngày 19/6/2009 của TAND TP.Phan Thiết và Bản án dân sự phúc thẩm số 54/2009/DS-PT, ngày 13/8/2009 của TAND tỉnh Bình Thuận, cũng như trình bày của bà Hồ Thị Kinh Anh (trú số 5 Thủ Khoa Huân, TP.Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận) thì bà và bà Lê Thị Hoài Nhung (ở số 16 Thủ Khoa Huân, TP.Phan Thiết) quen biết nhau năm 2003.

deh
Bản thỏa thuận khống được hai cấp tòa “dùng” để buộc bà Nhung trả nợ!?

Năm 2004, do nhu cầu mua nhà, đất để xây dựng trường mẫu giáo, nên bà Nhung đặt vấn đề vay tiền của bà, việc vay tiền kéo dài từ 2004 đến 2007, lúc đầu bà Nhung vay 7 triệu đồng, nhưng do nhu cầu phát triển nên bà Nhung vay ngày càng nhiều.

Để đảm bảo tính pháp lý trong việc vay mượn, ngày 30/8/2007, giữa bà và bà Nhung đã đến Phòng Công chứng tỉnh Bình Thuận để ký hợp đồng thoả thuận về việc vay và trả nợ.  Theo hợp đồng, bà Nhung vay của bà Anh số tiền 8 tỉ đồng, thời hạn vay một năm. Ngày 15/5/2008, bà Nhung và bà Anh tiếp tục ký hợp đồng thoả thuận với nội dung bà Nhung vay của bà 3,2 tỉ đồng, thời hạn vay 4 tháng...Do không trả được nợ và lãi nên bà đã khởi kiện ra tòa yêu cầu bà Nhung phải trả số tiền 11,2 tỉ đồng vay lãi suất.

Tuy nhiên theo bà Nhung, thực tế bà chỉ vay 4 lần với tổng số tiền 3,19 tỉ đồng chứ không phải vay 11,2 tỉ đồng như bà Anh trình bày. Khoản tiền 8 tỷ đồng chỉ nhằm mục đích để tạo điều kiện cho bà Anh trình bày với đối tác làm ăn của mình. Và nội dung bản thỏa thuận cũng thể hiện “về việc ký khống vay 8 tỷ đồng cho ngày mai 30/8/2007 và thanh lý số nợ từ 2004 đến nay”.

Điều 1 bản thỏa thuận cũng đã ghi rõ: Bên B đồng ý ngày mai 30/8/2007 sẽ ra Phòng Công chứng giúp làm thủ tục ký nhận nợ với A số tiền 8 tỷ đồng (nhưng thật sự là bên A không giao tiền và bên B không nhận tiền tám tỷ đồng này)…Thế nhưng không hiểu sao lời khai của bà Nhung cũng như bản thỏa thuận (bản thỏa thuận đã được Viện khoa học hình sự Bộ Công an giám định đúng là chữ ký của bà Hồ Thị Kim Anh – PV) lại được HĐXX ở hai cấp tòa cho rằng không có căn cứ, vì văn bản không có công chứng nên không được chấp nhận, do đó đã buộc bà Nhung phải trả cho bà Anh số tiền 11,2 tỉ đồng cùng lãi suất?

Bên cạnh sự mập mờ trong đánh giá chứng cứ của hai cấp toà án ở Bình Thuận, việc định giá tài sản thi hành án của bà Nhung cũng có nhiều điều để nói. Chỉ riêng ngôi trường Ban Mai 2 với diện tích gần 1.000m2 đất và một toà nhà hình khối 4 tầng có tổng diện tích xây dựng hơn 2.000m2 cùng các trang thiết bị hiện đại, trong quá trình TAND TP.Phan Thiết thụ lý giải quyết vụ án, Cty CP Sản xuất - đầu tư - thương mại Thiên Long ở TP.HCM đã có hợp đồng thoả thuận giá trị là 60 tỉ đồng ngày 10/5/2009 và Cty này sẽ mua lại 40% giá trị, tương đương 24 tỉ đồng. Thế nhưng, không biết bằng cách nào đó bà Nhung lại không được chuyển nhượng một phần tài sản để trả nợ?

Trước đó, tháng 1/2008, Cty TNHH thẩm định giá Hoàng Quân được mời vào thẩm định giá ngôi trường và chỉ riêng bộ khung ngôi trường đã được định giá hơn 21 tỉ đồng. Ngày 27/10/2009, Cục THA tỉnh Bình Thuận lại mời Cty CP thông tin và thẩm định giá miền Nam vào định giá toàn bộ ngôi trường chỉ là 10.252.922.000 đồng? Và, ngày 31/12/2009, khối tài sản này được bán đấu giá với số tiền 10.260.000.000 đồng, với duy nhất một người tham gia đấu giá là ông Lê Bá Lân, cháu ruột của bà Kim Anh (?)

Quá bất bình với cách giải quyết của cơ quan chức năng ở Bình Thuận, bà Nhung đã có nhiều đơn gửi đến cơ quan chức năng. Hiện vụ việc này đã được VKSNDTC và Uỷ ban Tư pháp Quốc hội vào cuộc, hy vọng quyền lợi cũng như nỗi oan của bà Nhung sẽ được sáng tỏ…/.

PV
 

Đọc thêm