Người giầu có được mang thai hộ không?

(PLO) - Việc Luật Hôn nhân và Gia đình sửa đổi lần đầu tiên cho phép mang thai hộ vì mục đích nhân đạo nhận được sự quan tâm đặc biệt của các vị Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) cũng như của dư luận. Báo PLVN đã có cuộc phỏng vấn PGS.TS Phạm Khánh Phong Lan - ĐBQH, Phó Giám đốc Sở Y tế TP.Hồ Chí Minh về vấn đề này.
PGS.TS Phạm Khánh Phong Lan
PGS.TS Phạm Khánh Phong Lan

Phải tính hết mọi ngóc ngách của vấn đề

PV: Chào bà, bà có cho rằng đã đến lúc Luật Hôn nhân và Gia đình cần phải có quy định về vấn đề mang thai hộ vì mục đích nhân đạo?

-Vì nhiều lý do khác nhau, nhiều cặp vợ chồng không thể có con một cách tự nhiên và điều đó ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng cuộc sống, hạnh phúc gia đình. Hiện nay, do tiến bộ của khoa học, mang thai hộ là thực tế đã và đang diễn ra; bởi vậy, cần phải có quy định của pháp luật để điều chỉnh cho mọi việc diễn ra một cách quy củ, công bằng. 
Ai cũng thừa nhận cho phép mang thai hộ vì mục đích nhân đạo là rất đáng quý, bởi khi thực tế đã diễn ra mà không có quy định của pháp luật điều chỉnh thì sẽ phát sinh nhiều tranh chấp và sự thiệt thòi rơi vào cả 2 bên.

Tuy nhiên, đối với việc cho phép mang thai hộ vì mục đích nhân đạo, tôi còn có nhiều băn khoăn. Chẳng hạn, pháp luật điều chỉnh mối quan hệ giữa các bên như thế nào? Giữa người nhờ mang thai hộ và người mang nặng đẻ đau nếu phát sinh tranh chấp thì cơ chế giải quyết ra sao? Rồi những người như thế nào mới được quyền yêu cầu mang thai hộ? Nếu chẳng may đứa trẻ sinh ra bị khuyết tật thì trách nhiệm của các bên ra sao....?

Một vấn đề nữa mà tôi cho rằng Luật này cũng phải giải quyết thấu đáo, đó là ranh giới giữa mang thai hộ vì mục đích nhân đạo và mang thai hộ vì mục đích thương mại. Luật quy định bên nhờ mang thai hộ có nghĩa vụ hỗ trợ một khoản chi phí để bảo đảm sức khỏe sinh sản cho người mang thai hộ trong thời gian mang thai và sinh con, nhưng thế nào là đủ? Vì hai bên tự giao dịch với nhau nên ranh giới giữa mang thai hộ vì mục đích nhân đạo và “đẻ thuê” là rất mong manh.

Tôi cũng băn khoăn về quy định của Luật này liên quan đến rất nhiều luật khác, quy ước khác trong xã hội như vấn đề kế hoạch hóa gia đình, chủ trương “mỗi gia đình chỉ nên có từ một đến hai con để nuôi dạy cho tốt”  bởi nếu công chức, viên chức lợi dụng quy định này để sinh con thứ 3 thì giải quyết ra sao?

Cho nên, quy định cho phép mang thai hộ vì mục đích nhân đạo đặt ra vào thời điểm này là phù hợp, là đòi hỏi bức thiết của thực tế,  nhưng đã đặt ra rồi thì phải tính đến mọi khía cạnh của vấn đề.

Là Phó Giám đốc Sở Y tế TP.Hồ Chí Minh, đứng ở góc độ y tế, bà đánh giá thế nào về các quy định của Dự luật như người được nhờ mang thai hộ phải là người có quan hệ thân thích cùng hàng của vợ hoặc chồng nhờ mang thai hộ, đã từng sinh con và chỉ được một lần mang thai hộ...?

- Tôi cho rằng, cần phải quy định chi tiết hơn nữa vì đứng ở góc độ y tế thì còn rất nhiều vấn đề mà quy định tại điều luật chưa tính hết. Chẳng hạn, nếu theo quy định tại điều luật thì “Việc mang thai hộ phải được thực hiện qua việc thụ tinh trong ống nghiệm bằng sự kết hợp giữa noãn của người vợ và tinh trùng của người chồng”, có nghĩa là người mẹ phải cho noãn và người bố phải cho tinh trùng. Nhưng đó mới chỉ là một phần của các trường hợp thôi. 
Vợ chồng không có con được có thể do nhiều nguyên nhân, có thể nguyên nhân từ 2 bên, có thể nguyên nhân từ một bên, trong trường hợp đó thì làm sao vợ hoặc chồng có thể có noãn hoặc tinh trùng để mà tạo ra đứa trẻ là con của mình được. Đó mới là một tình huống.
Điều luật cũng mới chỉ dừng lại ở quy định vợ chồng muốn nhờ mang thai hộ phải có xác nhận của tổ chức y tế có thẩm quyền về việc người vợ không thể mang thai và sinh con ngay cả khi áp dụng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản, tôi cho rằng như thế chưa đủ mà cần mở rộng ra các xét nghiệm về di truyền, về chất lượng thai nhi sau này để bảo vệ giống nòi. 
Thực ra, thiên nhiên bao giờ cũng có một cơ chế điều chỉnh mà chúng ta chưa tìm hiểu hết được. Đứa trẻ ra đời đương nhiên là mong muốn của bản thân người trong cuộc và đôi bên gia đình, nhưng nếu cố cưỡng ép và cho ra đời những đứa trẻ khiếm khuyết thì đó cũng là đau khổ rất lớn đối với họ.
Còn việc quy định người được nhờ mang thai hộ phải là người có quan hệ thân thích cùng hàng của vợ hoặc chồng nhờ mang thai hộ thì tôi cho rằng đó là quy định nhắm đến việc hạn chế mục tiêu thương mại vì dù sao họ cũng là người trong gia đình với nhau thôi, chứ về mặt y học thì cũng phải nghiên cứu mới trả lời được tại sao lại chỉ chấp nhận những người mang thai hộ phải có quan hệ họ hàng.
Ngoài ra, trong khi chúng ta chưa kiểm soát hết được thì quy định này cũng là một trong các biện pháp hạn chế đối tượng được phép mang thai hộ, không để bất cứ ai cũng có thể mang thai hộ được.

“Người giàu chắc sẽ không mang thai hộ cho ai”

Điều mà bà băn khoăn nhiều là ranh giới khó phân biệt giữa mang thai hộ vì mục đích nhân đạo và sự lợi dụng để mang thai hộ vì mục tiêu thương mại, tuy nhiên, đối với các cặp vợ chồng đã phải tìm đến phương pháp nhờ mang thai hộ thì vấn đề chi phí chỉ là thứ yếu. Vậy có nên lo lắng quá về sự lợi dụng này không, thưa bà?

- Không thể nói rằng đó là tiền của các cặp vợ chồng thì các nhà làm luật không phải bận tâm. Trên thực tế, ai là người mang thai hộ? Người giàu có bao giờ mang thai hộ cho ai không? Tôi chắc là không. Người mang thai hộ phần lớn lại sẽ rơi vào người nghèo. Như vậy, mang thai hộ vì nhân đạo, vì giúp đỡ người khác rất cận kề với mang thai hộ vì kế mưu sinh. Vậy quyền lợi của người phụ nữ trong thời gian mang thai hộ như vậy lấy gì để đảm bảo?
Bởi vậy, tôi cho rằng phải nghiên cứu kỹ lưỡng những hậu quả xã hội của việc cho phép mang thai hộ và lường trước những phát sinh để sao cho có quy định này thì nó giúp ích được cho các cặp vợ chồng thực hiện được ước nguyện là có con mang dòng máu của mình, nhưng cũng hạn chế được những biến tướng, những bất cập phát sinh.

Thực ra, vấn đề chi phí cũng là một điều tế nhị đối với các cặp vợ chồng muốn nhờ mang thai hộ và Luật thì cũng không thể quy định chi tiết là nhờ mang thai hộ thì phải trả bao nhiêu tiền?

- Luật không thể quy định chi tiết tới mức nhờ mang thai hộ phải trả bao nhiêu tiền, nhưng đây là vấn đề đạo đức và pháp luật thì phải bảo vệ các giá trị đạo đức của xã hội. Ai cũng mong muốn có một đứa con, nếu tự nhiên không thể có được họ sẽ tìm mọi cứu cánh, nhưng chẳng lẽ người có tiền thì thực hiện dễ dàng hơn, người không có tiền thì nuốt nước mắt chấp nhận hoàn cảnh hoặc làm đủ mọi biện pháp để có được số tiền đó để có được đứa con? 
Chính vì vậy tôi mới nói rằng, quy định của luật phải thấu đáo để hạn chế đến mức thấp nhất sự nhập nhằng giữa vấn đề đạo đức và vấn đề thương mại. Tất nhiên, đó là vấn đề rất khó.

Nhiều người khi “cực chẳng đã” phải nhờ mang thai hộ thường có tâm lý muốn giấu, ngại người khác biết, liệu quy định của luật có là một trở ngại đối với họ, thưa bà?

- Ở đây, chúng ta phải xác định cái nào là làm đúng, chứ không phải làm theo mong muốn. Mong muốn thì vô cùng, nhưng mỗi cá thể trong xã hội phải tuân thủ sự điều chỉnh của pháp luật, bất kỳ một giao dịch nào trong xã hội cũng phải được pháp luật điều chỉnh. Điều luật không cấm 2 bên giữ bí mật, họ hoàn toàn có thể giữ bí mật về việc nhờ mang thai hộ nhưng phải có một hợp đồng rõ ràng về quyền, nghĩa vụ của các bên để  hạn chế tranh chấp phát sinh.

Có nghĩa là việc mang thai hộ vì mục đích nhân đạo nếu được pháp luật điều chỉnh sẽ tốt hơn cho các cặp vợ chồng?

- Đương nhiên là sẽ tốt hơn vì nếu để xảy ra tranh chấp mà không có quy định của pháp luật điều chỉnh thì người yếu thế sẽ là người bị thiệt thòi nhất. Mặt khác, một xã hội dân sự là một xã hội sống theo pháp luật, các quy định của pháp luật phải bao trùm hết các lĩnh vực của đời sống, để người dân không phải tự xử với nhau. Cho nên, xây dựng được điều luật này thì sẽ tốt hơn, nhưng phải cố gắng để trong khả năng của mình khi được ban hành nó khả thi nhất.

Xin trân trọng cảm ơn bà!

Điều 95. Điều kiện mang thai hộ vì mục đích nhân đạo

1. Việc mang thai hộ vì mục đích nhân đạo là tự nguyện và phải được lập thành văn bản.

2. Vợ chồng có quyền nhờ người phụ nữ khác mang thai hộ khi có đủ các điều kiện sau đây:

a) Có xác nhận của tổ chức y tế có thẩm quyền về việc người vợ không thể mang thai và sinh con ngay cả khi áp dụng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản;

b) Vợ chồng chưa có con chung;

c) Việc mang thai hộ phải được thực hiện qua việc thụ tinh trong ống nghiệm bằng sự kết hợp giữa noãn của người vợ và tinh trùng của người chồng;

d) Người được nhờ mang thai hộ phải là người có quan hệ thân thích cùng hàng của vợ hoặc chồng nhờ mang thai hộ, đã từng sinh con và chỉ được một lần mang thai hộ;

đ) Trong trường hợp người phụ nữ mang thai hộ có hôn nhân thì phải có thỏa thuận bằng văn bản của người chồng về việc đồng ý cho vợ mình thực hiện việc mang thai hộ.


Đọc thêm