Trả lời:
Theo quy định tại điểm a, điểm d khoản 2 Điều 72 Luật Công nghệ Thông tin năm 2006, tổ chức, cá nhân không được thực hiện việc “xâm nhập, sửa đổi, xóa bỏ nội dung thông tin của tổ chức, cá nhân khác trên môi trường mạng” và “bẻ khóa, trộm cắp, sử dụng mật khẩu, khóa mật mã và thông tin của tổ chức, cá nhân khác trên môi trường mạng”.
Như vậy việc trộm cắp, sử dụng mật khẩu để xâm nhập vào Facebook của người khác và giả mạo danh nghĩa của họ để chiếm đoạt tài sản của người khác là hành vi bị pháp luật nghiêm cấm. Tùy theo tính chất, mức độ của hành vi mà người vi phạm pháp luật có thể bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội phạm tương ứng.
-Nếu hành vi ở mức độ nhẹ, có thể bị xử phạt hành chính: Điều 74 Nghị định 174/2013/NĐ-CP ngày 13/11/2013 quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin có quy định như sau:
“Điều 74. Vi phạm quy định về sử dụng mạng nhằm chiếm đoạt tài sản
1. Phạt tiền từ 30 triệu đến 50 triệu đồng đối với một trong các hành vi sau:
a) Trộm cắp, sử dụng trái phép thông tin về tài khoản, thẻ ngân hàng của tổ chức, cá nhân để chiếm đoạt, gây thiệt hại tài sản;
b) Lừa đảo qua các phương tiện giao tiếp trực tuyến trên mạng Internet, mạng viễn thông nhằm chiếm đoạt tài sản của tổ chức, cá nhân.
2. Phạt tiền từ 50 triệu đến 70 triệu đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
a) Truy cập bất hợp pháp vào tài khoản của tổ chức, cá nhân nhằm chiếm đoạt tài sản”.
- Nếu hành vi vi phạm ở mức độ nghiêm trọng có thể bị xử lý hình sự: Điều 226b Bộ luật Hình sự 2015 quy định về tội sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet hoặc thiết bị số thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản như sau:
“1. Người nào sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet hoặc thiết bị số thực hiện một trong những hành vi sau đây, thì bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 100 triệu đồng hoặc phạt tù từ một năm đến 5 năm:
a) Sử dụng thông tin về tài khoản, thẻ ngân hàng của cơ quan, tổ chức, cá nhân để chiếm đoạt hoặc làm giả thẻ ngân hàng nhằm chiếm đoạt tài sản của chủ thẻ hoặc thanh toán hàng hóa, dịch vụ;
b) Truy cập bất hợp pháp vào tài khoản của cơ quan, tổ chức, cá nhân nhằm chiếm đoạt tài sản;
c) Lừa đảo trong thương mại điện tử, kinh doanh tiền tệ, huy động vốn tín dụng, mua bán và thanh toán cổ phiếu qua mạng nhằm chiếm đoạt tài sản của cơ quan, tổ chức, cá nhân;
d) Hành vi khác nhằm chiếm đoạt tài sản của cơ quan, tổ chức, cá nhân…
5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến 100 triệu đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến 5 năm”.
Mới đây, có một tài khoản facebook nặc danh tự ý đăng tải những hình ảnh nhạy cảm của em và bạn trai cũ, thu hút hàng ngàn bình luận, chia sẻ của cư dân mạng hiếu kỳ. Dù họ đã làm mờ mặt em nhưng bạn bè, người thân vẫn nhận ra khiến cuộc sống của em bị đảo lộn, gặp rất nhiều phiền toái. Em biết chính là người bạn trai cũ đã phát tán bức ảnh đó nhằm xúc phạm danh dự nhân phẩm của em, để trả thù em. Em xin hỏi có thể yêu cầu pháp luật xử lý hành vi của anh ta không ạ? (Bạn Bình Nguyên, 19 tuổi ở Đồng Nai)
Theo quy định tại điểm g khoản 3 Điều 66 Nghị định 174/2013/NĐ–CP ngày 13/11/2013 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin và tần số vô tuyến điện thì người có hành vi cung cấp, trao đổi, truyền đưa hoặc lưu trữ, sử dụng thông tin số nhằm đe dọa, quấy rối, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác sẽ bị phạt tiền từ 10 triệu đến 20 triệu đồng.
Trong trường hợp có hành vi cố ý xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác thì người vi phạm có thể phải chịu trách nhiệm hình sự về tội “Làm nhục người khác” theo quy định tại Điều 155 Bộ luật hình sự 2015 với mức hình phạt từ cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến cao nhất là ba năm. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến 5 năm.
Ngoài ra, người có hành vi cố ý bịa đặt, loan truyền những điều biết rõ là bịa đặt nhằm xúc phạm danh dự hoặc gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về “Tội vu khống” theo Điều 156 Bộ luật Hình sự 2015 với mức hình phạt từ cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến cao nhất là bảy năm. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ một triệu đồng đến 10 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến 5 năm.
Tôi cho một người bạn vay số tiền lớn để làm ăn nhưng quá thời hạn mấy năm người này vẫn không trả, cố tình khất lần, trốn tránh. Tuy nhiên anh ta vẫn thường xuyên lên facebook kêu gọi làm ăn, ra vẻ phát đạt khiến tôi rất bực mình. Tôi định đăng nội dung anh ta vay tiền mình, rồi chây ì trả nợ kèm ảnh của anh ta lên facebook để mọi người biết rõ chân tướng sự việc. Nhưng tôi vẫn băn khoăn không biết mình làm vậy có vi phạm pháp luật hay không? (Anh Vũ Chung, 46 tuổi ở Hà Nội)
Theo quy định tại Điều 32 Bộ luật Dân sự năm 2015, cá nhân có quyền đối với hình ảnh của mình. Việc sử dụng hình ảnh của cá nhân phải được người đó đồng ý.
Việc sử dụng hình ảnh trong trường hợp sau đây không cần có sự đồng ý của người có hình ảnh hoặc người đại diện theo pháp luật của họ: hình ảnh được sử dụng vì lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích công cộng; hình ảnh được sử dụng từ các hoạt động công cộng, bao gồm hội nghị, hội thảo, hoạt động thi đấu thể thao, biểu diễn nghệ thuật và hoạt động công cộng khác mà không làm tổn hại đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của người có hình ảnh.
Như vậy, việc anh đăng ảnh người bạn lên mạng xã hội khi chưa được sự đồng ý của người đó là trái pháp luật. Trường hợp anh cố tình đưa những thông tin không đúng sự thật, anh có thể bị xem xét trách nhiệm hình sự về hành vi vu khống. Tùy theo mức độ mà có thể bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.
Do vậy, để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình, thay vì đăng ảnh lên facebook nhằm tung hê, bóc mẽ người bạn kia thì anh nên làm đơn trình báo đến cơ quan công an có thẩm quyền sự việc anh bị người đó vay tiền và có dấu hiệu chiếm đoạt, trốn tránh nghĩa vụ trả nợ. Trường hợp có dấu hiệu hình sự, cơ quan công an sẽ khởi tố vụ án hình sự; nếu không anh sẽ phải khởi kiện vụ án đòi nợ ra tòa án nơi người đó cư trú theo thủ tục tố tụng dân sự.
Em thấy có nhiều người chơi facebook thường đăng tải hoặc chia sẻ những tin giật gân, gây sốc như án mạng hay đánh ghen nhằm câu like, câu vew. Thậm chí em thấy có người còn đưa cả những tin thất thiệt như bắt cóc trẻ em, cháy nhà, vỡ đê… để thu hút cư dân mạng hiếu kì. Em xin hỏi nếu em đăng những thông tin không được kiểm chứng như vậy trên trang cá nhân của mình có bị pháp luật “sờ gáy” không ạ? (Bạn Đức Ngọc, 21 tuổi ở Hải Phòng)
Theo quy định tại Điều 26 Nghị định 72/2013/NĐ-CP (đã được sửa đổi, bổ sung), người sử dụng dịch vụ mạng xã hội phải chịu trách nhiệm về nội dung thông tin do mình lưu trữ, cung cấp, truyền đưa trên mạng xã hội, phát tán thông tin qua đường liên kết trực tiếp do mình thiết lập. Nghiêm cấm người sử dụng mạng máy tính đưa thông tin xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự và nhân phẩm của cá nhân.
Trường hợp vi phạm, có thể bị xử phạt hành chính theo quy định tại điểm g khoản 3 Điều 66 Nghị định số 174/2013/NĐ-CP. Theo đó, hành vi cung cấp, trao đổi, truyền đưa hoặc lưu trữ, sử dụng thông tin số nhằm đe dọa, quấy rối, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác sẽ bị xử phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng.
Nếu các hành vi vi phạm mà đủ yếu tố cấu thành tội phạm, người vi phạm có thể bị xử lý về hình sự về tội Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức và cá nhân theo quy định tại Điều 331 Bộ luật Hình sự 2015.
Theo đó, người nào lợi dụng các quyền tự do ngôn luận, báo chí, tín ngưỡng, tôn giáo,... xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.
Khoản 2 Điều này quy định trường hợp phạm tội gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội thì bị phạt tù từ hai đến bảy năm.
Ngoài ra, người vi phạm/phạm tội còn phải xin lỗi, cải chính công khai, bồi thường thiệt hại theo quy định của Bộ luật Dân sư 2015.
Pháp luật cũng quy định, công dân, tổ chức khi phát hiện hành vi vi phạm pháp luật, người bị hại hoặc bất cứ ai đều có quyền tố giác đến cơ quan công an để kịp thời có biện pháp ngăn chặn, xử lý theo quy định của pháp luật./.